Tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại trong năm 2019

Theo Ngân hàng UBS, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại trong năm 2019 khi chính sách tiền tệ được siết chặt hơn, tăng trưởng thu nhập yếu hơn và những thách thức xung đột giữa các nền kinh tế lớn của thế giới.

Chỉ tăng trưởng 3,6% - 3,7%

Trong Báo cáo triển vọng năm 2019 vừa được công bố hôm 2/1, UBS cho biết, sau khi chứng kiến mức tăng trưởng 3,8% trong năm 2018, dự kiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại, chỉ đạt 3,6% trong năm 2019.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là rủi ro lớn nhất của kinh tế toàn cầu

“Triển vọng của chúng tôi là tăng trưởng của Mỹ sẽ chậm lại bởi chính sách kích thích tài chính nhạt dần trong khi lãi suất cao hơn”, các nhà kinh tế tại UBS cho biết. Trong khi đó, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với áp lực kép từ chính sách thuế quan của Mỹ và nỗ lực tái cân bằng kinh tế.

Với khu vực đồng tiền chung (eurozone), ngân hàng đầu tư này cho biết, nhu cầu nội địa vững chắc trong khu vực sẽ không đủ để bù đắp cho tăng trưởng xuất khẩu giảm, ngân hàng cho biết.

“Tăng trưởng kinh tế và thu nhập đang suy yếu dần. Nhưng sự chậm lại này sẽ không được cảm nhận giống nhau với các quốc gia, khu vực hoặc công ty”, các nhà kinh tế của UBS nói.

Tuy nhiên theo UBS, khó có khả năng xảy ra một cuộc suy thoái với tốc độ tăng trưởng tiêu dùng, đầu tư và việc làm hiện tại. Bên cạnh đó, trong bối cảnh lạm phát vẫn còn yếu sẽ cho phép các ngân hàng trung ương duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng. Định chế này cũng không dự đoán về một sự thay đổi chính sách tài khóa lớn hoặc một cú sốc giá hàng hóa. Ngoài ra sự cải thiện tích cực về mức độ vốn hóa của khu vực ngân hàng kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính cũng làm giảm nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu.

Trước đó, trong bản cập nhật của Báo cáo World Economic Outlook được công bố hôm 9/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng lần đầu tiên cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2018 và 2019 xuống còn 3,7%, thấp hơn 2% so với dự báo đưa ra trước đó 3 tháng, mà nguyên nhân cũng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và Fed tăng lãi suất.

Đặc biệt, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở trong cuộc chiến thuế quan cũng dự kiến sẽ có mức tăng trưởng chậm hơn so với ước tính ban đầu. IMF đã giữ mức dự báo rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng 2,9% và 6,6% trong năm nay nhưng sẽ tăng chậm hơn dự kiến ở mức lần lượt là 2,5% và 6,2% vào năm 2019.

Nhiều rủi ro tiềm ẩn

Một trong số những thách thức lớn nhất đối với các nền kinh tế lớn nhất thế giới đó là kỷ thắt chặt tiền tệ đang bắt đầu sau một thập kỷ nới lỏng. Còn nhớ, để vực dậy tăng trưởng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các NHTW ở Mỹ, Anh, khu vực đồng euro, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác không chỉ giảm lãi suất xuống thấp kỷ lục, thậm chí là lãi suất âm; mà còn triển khai các chương trình mua tài sản với quy mô lớn, được gọi là “nới lỏng định lượng” (QE) nhằm thúc đẩy chi tiêu trong nền kinh tế.

Mặc dù các công cụ này rất hữu ích trong việc thiết lập lại sự ổn định trong các hệ thống tài chính toàn cầu, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, các NHTW lại đang rất muốn “bình thường hóa” các chính sách đó.

Theo đó Mỹ đã chấm dứt chương trình QE từ năm 2015 và đã nhiều lần tăng lãi suất kể từ đó. Riêng trong năm 2018 vừa qua, Fed cũng đã tăng lãi suất 4 lần. Trong khi đó, NHTW châu Âu cũng đã xác nhận vào tháng 12 rằng sẽ chấm dứt chương trình QE vào cuối tháng.

Còn với NHTW Anh, trong bối cảnh rủi ro Brexit vẫn đang đe dọa, cơ quan này vẫn chưa cho biết khi nào sẽ chấm dứt chương trình QE của mình, song họ cũng đã thực hiện tăng nhẹ lãi suất. UBS lưu ý rằng năm tới sẽ là năm đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bảng cân đối tài sản của các NHTW sẽ kết thúc năm nhỏ hơn so với đầu năm.

Rủi ro thứ hai chính là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Theo UBS tác động hỗ trợ của việc cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của chính quyền ông Trump đang nhạt dần, trong khi thì cuộc chiến thuế quan giữa Trung Quốc và Mỹ lại đang bắt đầu có những tác động tiêu cực đến kinh tế Mỹ.

Theo UBS, căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này diễn ra sâu sắc hơn chứ không chỉ đơn thuần là thương mại và các nhà đầu tư nên chuẩn bị tinh thần đối mặt với cuộc chiến có khả năng sẽ tiếp tục leo thang và kéo dài.

Một rủi ro nữa cũng được UBS đề cập tới đó là niềm tin của các nhà đầu tư đang sụt giảm mạnh theo đà rơi của thị trường chứng khoán toàn cầu trong năm qua. Ngoài ra, các sự kiện chính trị khác mà UBS cho rằng các nhà đầu tư nên tính đến trong năm nay là các cuộc bầu cử ở Ấn Độ, Nam Phi, Hy Lạp, Canada và Argentina. Châu Âu cũng sẽ bỏ phiếu bầu quốc hội EU vào tháng 5; trong khi ở Mỹ chiến dịch tranh cử tổng thống cũng sẽ bắt đầu. Rồi còn bất ổn xung quanh việc Anh chia tay EU…

Lượt xem: 1.019
Tác giả: Mai Ngọc
Nguồn:thoibaonganhang.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan