Điều hành tỷ giá trong tình hình mới
Cơ chế điều hành tỷ giá mới của Ngân hàng Nhà nước (từ ngày 04/01/2016) đã được Chính phủ và nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao là phản ứng “chủ động”, “cần thiết”, “nhanh nhạy” và “kịp thời”.
Bước sang năm 2015, chính sách tỷ giá phải đối mặt với những thách thức mới do USD tăng giá mạnh khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát đi thông điệp sẽ tăng lãi suất, các nhà đầu tư và quản lý tại các nước đang phát triển bồn chồn, lo lắng về tác động của các biện pháp chính sách của Fed.
Trong bối cảnh USD tăng cao và nhập siêu tăng trở lại, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hai lần điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng với tổng mức điều chỉnh là 2% vào ngày 07/01 và ngày 07/5/2015, kết hợp với điều hành linh hoạt thị trường mở và điều tiết lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng ở mức hợp lý, bán ngoại tệ để can thiệp khi cần thiết.
(Ảnh minh hoạ).
Từ đầu tháng 8/2015, việc Trung Quốc bất ngờ phá giá nhân dân tệ với quy mô và tần suất lớn đã gây tác động tức thì đến tình hình kinh tế Việt Nam, đặc biệt là đối với hoạt động thương mại, khi mức độ nhập siêu từ Trung Quốc ngày càng tăng. Nhằm giảm thiểu tác động lan truyền từ diễn biến tiêu cực từ tình hình kinh tế Trung Quốc và đón đầu khả năng Fed tăng lãi suất, NHNN đã có động thái can thiệp phù hợp và kịp thời, chủ động tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng (ngày 19/8/2015) và tăng biên độ tỷ giá từ ±1% lên ±2% (ngày 12/8/2015), và lên ±3% (ngày 19/8/2015), giúp tỷ giá có dư địa đủ lớn và linh hoạt trước những diễn biến bất lợi trên thị trường trong nước và ngoài nước.
Tính chung trong năm 2015, NHNN thực hiện điều chỉnh tăng tỷ giá 3% và nới biên độ thêm 2% từ mức ±1% lên ±3%. Với việc điều hành tỷ giá một cách linh hoạt kết hợp với hoạt động truyền thông về định hướng chính sách tỷ giá trong thời gian tới và các biện pháp có thể được NHNN sử dụng để can thiệp bình ổn thị trường ngoại tệ.
Sau đợt điều chỉnh tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định trở lại, tỷ giá tương đối ổn định và cách xa mức trần do NHNN quy định, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tự cân đối được ngoại tệ và gần đây không phải xin mua ngoại tệ từ NHNN, tín dụng ngoại tệ có xu hướng giảm dần. Tính đến ngày 21/12/2015, tín dụng ngoại tệ giảm 6,48% so với cuối năm 2014 và giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2014, phù hợp với các giải pháp điều hành theo chủ trương của Chính phủ về chống đô la hóa trong nền kinh tế.
Kể từ đầu năm 2016, NHNN bắt đầu áp dụng cách thức điều hành theo tỷ giá trung tâm. Tỷ giá trung tâm được xác định dựa trên 3 cấu phần (bao gồm, tỷ giá bình quân gia quyền liên ngân hàng; biến động của 8 đồng tiền của các nước, vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại, đầu tư lớn với Việt Nam; và dựa vào cân đối vĩ mô). Trong cơ chế mới về tỷ giá, NHNN cũng khuyến khích các doanh nghiệp và nhà đầu tư sử dụng các sản phẩm phái sinh để phòng ngừa những biến động về tỷ giá, từ đó tiến tới chuyển đổi thị trường ngoại hối từ các hoạt động vay - mượn sang mua - bán.
Theo cách thức điều hành tỷ giá mới này, tỷ giá thay đổi từng ngày, góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ ngoại tệ do hoạt động đầu cơ ngoại tệ không còn hấp dẫn như trước đây, việc găm giữ ngoại tệ cũng hầu như không còn có lợi so với việc chuyển sang VND.
Theo ghi nhận của thị trường, sau khi bắt đầu áp dụng cách thức điều hành tỷ giá mới, tỷ giá giao dịch giảm nhanh, thấp xa so với mặt bằng tỷ giá cuối năm 2015, tình trạng đầu cơ và găm giữ ngoại tệ giảm mạnh, thanh khoản của thị trường ổn định. Sau khi NHNN áp dụng cách thức điều hành mới, một lượng lớn ngoại tệ bị găm giữ từ cuối năm ngoái cũng dần được giải phóng. Diễn biến tích cực này của thị trường ngoại hối trong nước diễn ra trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới có nhiều biến động mạnh theo chiều hướng bất lợi.
Với việc điều hành tỷ giá mang tính chủ động và linh hoạt hơn, tỷ giá và thị trường ngoại tệ sẽ tiếp tục ổn định, góp phần cải thiện thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng Việt Nam và củng cố lòng tin của thị trường vào giá trị của VND, tình trạng đô la hóa giảm mạnh.
Vũ Xuân Thanh - Theo dantri.com.vn