Thời của quỹ mở trái phiếu?

Xuất hiện một cách dè dặt cách đây 5 năm, nhưng 2018 có thể xem là năm vượt trội của quỹ mở trái phiếu khi tạo ra suất sinh lời hấp dẫn hơn các quỹ cổ phiếu cũng như lãi suất tiền gửi. Và quy mô quỹ cũng gia tăng mạnh.

Với việc các quỹ cổ phiếu bị lỗ là chuyện thường, hòa vốn được xem là giỏi thì việc các quỹ trái phiếu như BVBF của Baoviet Fund hay VFB của VFM có thể đạt lợi suất tương đương hoặc hơn 10% có thể xem là kỳ tích. Hơn nữa, lợi suất của các quỹ trái phiếu cũng cao hơn từ 25-40% so với lãi suất gửi tiết kiệm (trên dưới 8%/năm).

Các quỹ trái phiếu “dễ thở” hơn trong thời gian sắp tới

Về quy mô, nếu như những năm trước đây, các quỹ mở trái phiếu khi mới thành lập chỉ đạt khoảng 50 tỷ đồng để đáp ứng đúng quy định và trầy trật trong việc gia tăng tài sản thì nay đã khác. Quỹ VFB của VFM có tài sản đạt khoảng 650 tỷ đồng, hay quỹ TCBF của TechcomCapital thậm chí lên đến hơn 5.800 tỷ đồng.

Quy mô quỹ tăng cho thấy số lượng NĐT quan tâm tới quỹ trái phiếu cũng tăng, đồng thời cũng xuất hiện cả những dòng tiền lớn tham gia vào quỹ này. Nhưng điều đáng bàn hơn lại nằm ở nguyên nhân thành công và những gì sắp tới của các quỹ trái phiếu.

Trước tiên cần phải thấy rằng, những quỹ trái phiếu sinh lời tốt nhất bao gồm BVBF và VFB đều đến từ những công ty quản lý quỹ dày dạn kinh nghiệm là Baoviet Fund và VFM. Chính kinh nghiệm tính bằng chục năm, chẳng hạn Baoviet Fund xuất phát từ ban nguồn vốn của Tập đoàn Bảo Việt, đã giúp các nhà quản lý quỹ có thể lập ra kế hoạch cho dài hạn và kiên trì theo đuổi.

Hay như trường hợp của VFM, công ty quản lý quỹ nội địa đầu tiên, có những thời điểm hoạt động kém hiệu quả, nhưng đây cũng là những bài học quý giá để đơn vị này có thể chắt chiu những cơ hội nhỏ nhất và tận dụng kinh nghiệm của mình. Trường hợp của Techcom Capital, mặc dù mới nổi bật trên thị trường vài năm trở lại đây, nhưng sự tập trung của công ty quản lý quỹ này trong việc phát triển sản phẩm, cũng như thu hút NĐT đại chúng đã góp phần quan trọng để gia tăng tài sản cho quỹ TCBF.

Thực tế, số lượng quỹ trái phiếu tham gia thị trường còn nhiều hơn, tuy nhiên một số công ty quản lý quỹ, mặc dù cũng có tiếng tăm, nhưng không tập trung như quỹ VFF của VinaWealth thì lợi suất cũng chỉ hơn 6%, thấp hơn cả lãi suất tiền gửi NH và quy mô tài sản cũng chỉ vài chục tỷ đồng. Những thống kê này chỉ ra rằng, để tiếp tục thành công trong thời gian tới, các quỹ trái phiếu cần được quản lý với sự tập trung cao độ và một chiến lược dài hơi. 

Khác với thời gian trước đây khi phải “khô cổ, rát họng” trong việc tìm kiếm NĐT, việc hiện diện đủ lâu trên thị trường cộng với các yếu tố thuận lợi khác đang giúp các quỹ trái phiếu “dễ thở” hơn trong thời gian sắp tới. NĐT đã ngày một quen hơn với việc đầu tư vào quỹ trái phiếu.

Số lượng NĐT không thích gửi tiết kiệm, sẵn sàng mạo hiểm hơn, nhưng chưa quen với cổ phiếu thì việc lựa chọn trái phiếu ngày một nhiều. Lợi suất lý tưởng của quỹ trái phiếu thường cao hơn gửi tiết kiệm cũng là một cách để thuyết phục được nhiều NĐT.

Hơn thế nữa, khi quy mô của các quỹ trái phiếu có thể lên đến mức trăm tỷ đồng, hoặc nghìn tỷ đồng thì khả năng giao dịch cũng sẽ thuận lợi hơn, mà cụ thể ở đây chính là tốc độ xoay vòng vốn sẽ nhanh hơn tạo ra nhiều cơ hội sinh lời, qua đó giúp lợi suất cải thiện nhanh.

Thông thường, các công ty quản lý quỹ lớn hiện nay đều có “2 kèo” và sử dụng tương đối hiệu quả đó là quỹ cổ phiếu và quỹ trái phiếu. Rõ ràng trong trường hợp thị trường cổ phiếu không thuận lợi, NĐT có thể được khuyến nghị chuyển đổi sang quỹ trái phiếu.

Và ngược lại, khi NĐT đã bỏ tiền được vào quỹ trái phiếu và thành công thì công ty quản lý quỹ cũng sẽ gặp thuận lợi hơn trong việc thuyết phục NĐT trải nghiệm với quỹ cổ phiếu.

Lượt xem: 1.085
Tác giả: Phan Long
Nguồn:thoibaonganhang.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan