Trung Quốc tham vấn thương mại trực tiếp với Mỹ

Trung Quốc và Mỹ đã lên kế hoạch cho các cuộc tham vấn trực tiếp về thương mại vào tháng 1, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết hôm 27/12, khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang nỗ lực giải quyết cuộc chiến thương mại đã kéo dài nhiều tháng.

Cao Phong - Phát ngôn viên của bộ thương mại Trung Quốc nói với các phóng viên rằng, các cuộc tham vấn qua điện thoại “chuyên sâu” sẽ tiếp tục trong thời gian này. Ngay cả khi phía Mỹ đang trong kỳ nghỉ Giáng sinh, các nhóm công tác kinh tế và thương mại của Trung Quốc và Mỹ vẫn liên lạc chặt chẽ với nhau và các cuộc tham vấn đang diễn ra theo một trình tự như dự kiến. “Hai bên đã sắp xếp cụ thể cho các cuộc tham vấn trực tiếp vào tháng 1 ngoài việc tiếp tục tham vấn qua điện thoại chuyên sâu”, ông nói mà không giải thích chi tiết.

XNK của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại

Trước đó, hãng tin Bloomberg dẫn lời hai nguồn tin quen thuộc cho biết, một nhóm công tác về thương mại của Mỹ sẽ tới Bắc Kinh vào tuần bắt đầu từ ngày 7/1/2019 để hội đàm với các quan chức Trung Quốc. Trong khi đó, hãng tin Reuters cũng dẫn lời một nguồn tin cho biết, các cuộc đàm phán có khả năng vào đầu tháng 1.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chính thức bắt đầu vào tháng 7/2018 khi Mỹ chính thức áp thuế nhập khẩu 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc và sau đó 1 tháng mở rộng diện áp thuế lên tổng cộng 50 tỷ USD. Trung Quốc cũng đáp trả bằng việc áp thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc.

Để trừng phạt hành động trả đũa này của Trung Quốc, ngày 24/9 Mỹ áp tiếp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc và dự kiến sẽ nâng thuế suất lên 25% kể từ đầu năm 2019. Chưa hết, Tổng thống Trump còn đe sẽ áp thuế lên 267 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc, có nghĩa toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ phải chịu thuế quan.

Thế nhưng, Trung Quốc cũng không chịu lép vế khi ngay lập tức cũng đánh thuế lên 60 tỷ USD hàng hóa khác của Mỹ và tuyên bố, nếu Mỹ tiếp tục leo thang thương mại, Trung Quốc sẽ có hành động đáp trả tương xứng. Hành động đánh thuế theo kiểu ăn miếng trả miếng cùng các cuộc khẩu chiến qua lại giữa hai bên càng khiến cho căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thêm trầm trọng và điều đó đã ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại và qua đó là tăng trưởng toàn cầu.

Tuy nhiên, căng thẳng đã tạm ngưng khi mà tại cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Buenos Aires vào ngày 1/12, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý tạm ngưng leo thang cuộc chiến thuế quan trong vòng 90 ngày để tiến hành các cuộc đàm phán mới. Theo đó, Mỹ sẽ hoãn lại việc nâng thuế suất lên 25% cho tới đầu tháng 3 thay vì áp dụng từ ngày 1/1/2019.

Đổi lại, Trung Quốc đã nối lại việc mua đậu nành của Mỹ lần đầu tiên sau sáu tháng, mặc dù mức thuế áp lên hàng hóa của Mỹ vẫn được giữ nguyên. Trung Quốc cũng cho biết họ sẽ tạm hoãn áp thuế quan bổ sung đối với ôtô và phụ tùng ôtô do Mỹ sản xuất trong ba tháng kể từ ngày 1/1, và hy vọng cả hai bên có thể đẩy nhanh các cuộc đàm phán để loại bỏ tất cả các mức thuế bổ sung đối với hàng hóa khác của họ.

Thêm một dấu hiệu hòa giải khác, Trung Quốc hôm 25/12 đã công bố cái gọi là danh sách “đảo ngược” các ngành công nghiệp mà các nhà đầu tư - trong nước hoặc nước ngoài - bị hạn chế hoặc bị cấm. Động thái này được coi là một nỗ lực để giải quyết mối lo ngại từ các nhà đầu tư phương Tây rằng không có sân chơi bình đẳng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng của Trung Quốc vẫn bị cấm.

Hôm 26/12, Trung Quốc cũng đã tiết lộ dự thảo Luật đầu tư nước ngoài để tham khảo ý kiến công chúng. Trong đó, Trung Quốc đã đề xuất một lệnh cấm chuyển giao công nghệ bắt buộc và sự can thiệp bất hợp pháp của chính phủ vào các hoạt động kinh doanh nước ngoài, các vấn đề được xem là nguyên nhân sâu xa dẫn tới cuộc chiến thương mại hiện nay.

Mặc dù thường xuyên bác bỏ các cáo buộc tham gia vào các hoạt động đó, nhưng Trung Quốc cũng đã cam kết cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài và bảo vệ tốt hơn quyền của họ trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với các khiếu nại ngày càng tăng và đầu tư nước ngoài sụt giảm.

Thế nhưng, dự thảo luật cũng quy định Trung Quốc sẽ bảo lưu quyền trả đũa các quốc gia phân biệt đối xử với đầu tư của Trung Quốc với “các biện pháp tương ứng”. Dự thảo có thể sẽ trải qua một số lần chỉnh sửa trước khi được đệ trình lên quốc hội Trung Quốc để phê chuẩn chính thức, có thể mất thêm một năm hoặc hơn.

Tuy nhiên vẫn có một số rủi ro có thể cản trở các cuộc đàm phán thương mại song phương như vụ bắt giữ Giám đốc tài chính của Huawei Technologies tại Canada theo yêu cầu của Mỹ mới đây.

Các công tố viên của Mỹ đã cáo buộc bà Mạnh Văn Chu đã lừa gạt các ngân hàng đa quốc gia về các giao dịch liên kết với Iran, khiến các ngân hàng có nguy cơ vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên bà Mạnh, con gái của nhà sáng lập Tập đoàn Huawei, đã tuyên bố mình vô tội.

Lượt xem: 1.103
Tác giả: Mai Ngọc
Nguồn:thoibaonganhang.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan