Kiểm soát lạm phát: Thành công và thách thức

Việc kiểm soát tốt tiền tệ đã đảm bảo duy trì lạm phát cơ bản bình quân thấp. Không chỉ 2018, mà 3 năm qua lạm phát lõi được duy trì ở mức từ 1,5-1,6%. Đó là thành công lớn của điều hành CSTT trong năm 2018.

Tuần qua là tuần cuối cùng trong năm 2018, là quãng thời gian mà các đơn vị tất bật để hoàn thành nốt những kế hoạch năm, mà với nhiều đơn vị thì quan trọng nhất là tổng kết, đưa ra những con số “biết nói” - công việc đầy căng thẳng trong sự căn ke, cân đối của rất nhiều yếu tố, dữ liệu. Nói như vậy để thấy việc đưa ra các con số, dù chỉ ở hàng đơn vị cũng rất quan trọng. Và 3,45% - mức tăng bình quân chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2018 là một trong những con số như vậy.

Ảnh minh họa

Tại buổi họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 hôm 27/12, Tổng cục Thống kê điểm danh những yếu tố khiến CPI 2018 tăng so với năm 2017, như: So với năm 2017, giá các mặt hàng dịch vụ y tế tăng 13,86% làm cho CPI tăng 0,54%; việc tăng học phí các cấp của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã làm cho chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục tăng 7,06%, làm tăng thêm 0,36% vào CPI; giá các mặt hàng lương thực tăng 3,71% góp thêm 0,17%; giá thịt lợn tăng 10,37% làm CPI chung tăng 0,44%... Tương tự như vậy, giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 2,54%, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 6,59% so với cùng kỳ năm trước góp phần làm cho CPI tăng 0,11%.

Đáng chú ý, những tháng đầu năm 2018, giá nhiên liệu trên thị trường thế giới tăng khá mạnh, thế nhưng đến đầu tháng 10/2018 lại giảm nhanh. Mặc dù vậy tính bình quân giá dầu Brent ở mức 71,6 USD/thùng, cao hơn nhiều so với mức 54,53 USD/thùng bình quân năm 2017 (tăng 31,3%). Trong nước, giá xăng A5 được điều chỉnh cũng theo “nhịp điệp” của giá dầu thế giới nên tính chung chỉ số giá nhóm xăng dầu bình quân cũng góp phần tăng CPI chung 0,64%... Tất cả những yếu tố đó đã tác động không nhỏ đến diễn biến CPI trong năm vừa qua.

Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê nhận định, năm 2018 lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý) tăng 1,48% so năm 2017; lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,48% thấp hơn mức kế hoạch 1,6% cho thấy chính sách tiền tệ (CSTT) vẫn đang được điều hành ổn định.

Nói về CSTT, nhiều năm qua NHNN vẫn gánh trọng trách điều hành CSTT góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. CSTT đã được phối hợp chặt chẽ với các chính sách vĩ mô khác, đặc biệt là chính sách tài khóa và chính sách quản lý giá của nhà nước giúp kiểm soát tốt lạm phát. Đặc biệt, trong bối cảnh áp lực tăng giá, NHNN đã mua vào một lượng lớn USD, đưa ra lượng tiền đồng rất lớn nhưng với những công cụ CSTT rất linh hoạt đã điều tiết giữ ổn định thanh khoản VND và không gây áp lực lên thị trường ngoại tệ. Việc kiểm soát tốt tiền tệ đã đảm bảo duy trì lạm phát cơ bản bình quân thấp. Không chỉ 2018, mà 3 năm qua lạm phát lõi được duy trì ở mức từ 1,5-1,6%. Đó là thành công lớn của điều hành CSTT trong năm 2018.

Nhìn về phía trước, những khó khăn thách thức đối với điều hành CSTT cũng không hề nhỏ, khi cùng lúc vẫn phải cân đối hai mục tiêu: tăng trưởng và lạm phát trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động khó lường hiện nay.

Từ tháng 11/2018 Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Mục tiêu tổng quát hàng đầu Quốc hội đặt ra là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát khoảng 4%, tăng trưởng GDP ở mức 6,6 - 6,8%. Ngay lúc này các chuyên gia đã mổ xẻ, phân tích các yếu tố tác động đến CPI để đưa ra dự báo cũng như kiến nghị cho nhà điều hành.

Năm 2019 có rất nhiều yếu tố tác động đến CPI, cả trong và ngoài nước, cả cũ lẫn mới. Những yếu tố bên trong như: lộ trình tăng lương cơ bản, tăng giá điện và các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Yếu tố tác động từ bên ngoài có thể kể đến: sự khó lường của giá dầu thế giới; diễn biến phức tạp của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; Fed tiếp tục thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ…

Và chính thành công của năm trước cũng là sức ép lớn đối với nhà điều hành trong việc kiểm soát lạm phát năm sau. Bởi, khi xây dựng kế hoạch bao giờ chúng ta vẫn muốn năm sau tốt hơn năm trước - ngành Ngân hàng cũng không ngoại lệ. Và điều đó đòi hỏi chúng ta tiếp tục nỗ lực, nỗ lực nhiều hơn nữa trong năm 2019.

Lượt xem: 904
Tác giả: An Bình
Nguồn:thoibaonganhang.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan