Vẫn còn nhiều vướng mắc trong giải ngân các dự án quan trọng quốc gia ngành GTVT

Mặc dù 9 tháng đầu năm giải ngân các dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải (GTVT) cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân của cả nước (45,27%), tuy nhiên, kết thúc năm. Tỷ lệ này lại thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.

Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, đến hết ngày 31/12/2024, tổng số vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành GTVT là 70.743,08 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 72,9% kế hoạch năm 2024 được giao (96.991,66 tỷ đồng). Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 78.489,38 tỷ đồng, đạt 82,4%; vốn ngân sách địa phương là 18.502,28 tỷ đồng, đạt 33,2%. Kết quả này thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân bình quân 12 tháng của cả nước (80,32%),

Số liệu công bố trước đó cho thấy, đến hết tháng 9 vừa qua, tổng số vốn giải ngân của 9 dự án này là trên 47.720 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 47,1% kế hoạch năm 2024 được giao (101.340,21 tỷ đồng), cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân 9 tháng của cả nước (45,27%) ; trong đó, vốn ngân sách trung ương trên 44.862 tỷ đồng, đạt 56,6%; vốn ngân sách địa phương trên 2.857 tỷ đồng, đạt 13%.

Lý giải cho việc chậm giải ngân trong những tháng cuối năm, báo cáo của Bộ GTVT cho biết, thời gian qua các chủ đầu tư đã nỗ lực khắc phục khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án. Tuy nhiên, vẫn còn ghi nhận một số các khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục nỗ lực để tháo gỡ.

Cụ thể, vướng mắc liên quan đến: công tác đền bù giải phóng mặt bằng; chậm phê duyệt phương án đền bù; vướng mắc liên quan đến giá đền bù; chậm di dời điện cao thế; xây dựng khu tái định cư chậm….

Liên quan đến nguồn nguyên vật liệu: các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long triển khai thủ tục cấp phép để khai thác mỏ cho các nhà thầu chưa đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (hoàn thành trước ngày 30/8/2024), ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; một số mỏ có trữ lượng không đáp ứng yêu cầu hoặc mỏ có trữ lượng lớn nhưng công suất cấp phép rất hạn chế.

Các địa phương công bố giá vật liệu xây dựng không sát với giá thị trường gây khó khăn trong lập dự toán và triển khai dự án; công bố chỉ số giá không đầy đủ, chưa kịp thời gây khó khăn trong công tác điều chỉnh giá các hợp đồng xây lắp.

Về thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, hiện còn tỉnh Đồng Nai chậm xác định giá trị giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, do đó đã ảnh hưởng tới tiến độ điều chỉnh chủ trương; Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành cần triển khai nhiều thủ tục để điều chỉnh chủ trương...

Hiện Bộ Tài chính đang tiếp tục đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tổng hợp đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, báo cáo cấp thẩm quyền về kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 sang năm 2025 của các dự án để kịp thời giao kế hoạch vốn kéo dài, tránh làm gián đoạn tiến độ thực hiện và giải ngân của các dự án.