Khi cả Đông Nam Á chỉ đúc được một kỳ lân mới năm 2024

Nguồn vốn đầu tư khởi nghiệp tại Đông Nam Á đã giảm năm thứ ba liên tiếp trong năm 2024, chỉ bằng 1/5 so với mức đỉnh ghi nhận hồi năm 2021. Khu vực chỉ có thêm một “kỳ lân” mới là startup điều hành ngân hàng số có trụ sở tại Singapore.

Theo dữ liệu từ DealStreetAsia, các công ty khởi nghiệp tại Đông Nam Á đã huy động được 4,56 tỷ USD tiền tài trợ vốn chủ sở hữu trong năm 2024, giảm 42% so với năm 2023. Số lượng các thương vụ huy động vốn cũng giảm 10%, còn 633 thương vụ.

-5181-1737591045.jpg

Tổng giá trị giao dịch huy động vốn bằng cổ phần của startup tại Đông Nam Á qua các năm.

"Sự suy giảm này phản ánh những thách thức lớn hơn trong môi trường đầu tư của khu vực, do áp lực kinh tế vĩ mô và sự thay đổi ưu tiên của các nhà đầu tư toàn cầu", báo cáo cho biết. Đáng lưu ý, sự rút lui của các nhà đầu tư toàn cầu có khả năng sẽ tiếp tục trong năm nay.

Giống như nhiều khu vực khác, nguồn vốn khởi nghiệp của Đông Nam Á đạt đỉnh vào năm 2021 với 23,4 tỷ USD, nhờ bối cảnh lãi suất thấp và sự bùng nổ các dịch vụ kỹ thuật số trong thời kỳ COVID-19. Tuy nhiên, hoạt động này đã chậm lại kể từ khi các quốc gia tăng lãi suất, bao gồm Hoa Kỳ.

Báo cáo chỉ ra, việc đồng USD mạnh hơn đã tiếp tục chuyển hướng dòng vốn của các nhà đầu tư toàn cầu sang thị trường Hoa Kỳ vào năm ngoái.

Một báo cáo khác của KPMG cho thấy hoạt động đầu tư mạo hiểm tại Trung Quốc cũng giảm vào năm ngoái, với mức giảm khoảng 40%. Trong khi đó, hoạt động đầu tư tại Hoa Kỳ lại tăng gần 30%, cho thấy sự phục hồi nhanh hơn sau “mùa đông gọi vốn” hậu COVID .

Theo báo cáo của DealStreetAsia, trong tổng giá trị tài trợ vốn chủ sở hữu tại Đông Nam Á năm 2024, các công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Singapore chiếm 68%. Tiếp theo là Indonesia và Philippines, lần lượt là 9,6% và 9,4%.

Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư đặc biệt ảnh hưởng đến hoạt động huy động vốn ở giai đoạn cuối, tức các thương vụ của các công ty khởi nghiệp đã trưởng thành hơn, đang gần đến giai đoạn thoái vốn như IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng). Các vòng gọi vốn như vậy đã giảm 64% xuống còn 21 giao dịch; huy động tổng cộng 1,23 tỷ USD - giảm 72%. Đây là lần đầu tiên trong 6 năm, giá trị giao dịch giai đoạn cuối thấp hơn các khoản đầu tư giai đoạn đầu.

Đáng chú ý, năm 2024, khu vực Đông Nam Á chỉ tạo ra được một “kỳ lân” mới (công ty chưa niêm yết có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên). Tyme Group - công ty điều hành ngân hàng số có trụ sở tại Singapore, đã đạt được trạng thái “kỳ lân” với mức định giá 1,5 tỷ USD, sau khi đã huy động được 250 triệu USD từ Nubank của Brazil, M&G Investments và các cổ đông hiện tại vào tháng 12/2024. Đây cũng là thương vụ huy động vốn cổ phần lớn nhất của khu vực trong năm ngoái.

-9367-1737591045.jpg

Tyme huy động được thêm 250 triệu USD để mở rộng hoạt động kinh doanh tại Indonesia và Việt Nam.

Trong số 20 thương vụ huy động vốn lớn nhất năm ngoái, các công ty thuộc dịch vụ tài chính như fintech và ngân hàng số chiếm số lượng nhiều nhất, với 11 giao dịch. Vụ huy động vốn bằng khoản vay trị giá 300 triệu USD của Atome – một công ty “mua trước trả sau” có trụ sở tại Singapore – được xem là thương vụ tài trợ lớn nhất trong năm vừa qua.

Chua Kee Lock, CEO Vertex Holdings - công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Singapore, cho biết môi trường huy động vốn ở Đông Nam Á năm nay dự kiến ​​sẽ vẫn đầy thách thức, với nhiều bất ổn hơn về thương mại toàn cầu và địa chính trị dưới thời tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Chua nói thêm rằng "sự phân hoá" giữa hệ sinh thái công nghệ của Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tiếp tục, nhưng Đông Nam Á có thể hưởng lợi từ "sự bản địa hóa nhiều hơn" của các công nghệ, thể hiện rõ nhất ở sự thay đổi chuỗi cung ứng trong lĩnh vực bán dẫn.

"Căng thẳng địa chính trị sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực công nghệ về cách các nhà đầu tư đầu tư… Nhưng điều này không có nghĩa là không có cơ hội", ông nhận định.

Đỗ Kiều (theo Nikkei Asia)

Lượt xem: 2
Tác giả: Đỗ Kiều