Nguy cơ mâu thuẫn thương mại Mỹ - Trung sau khi ông Trump nhậm chức đẩy giá dầu lao dốc
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hóa trong phiên giao dịch hôm qua (22/1). Đóng cửa, chỉ số MXV-Index nhích nhẹ lên trên mức 2.313 điểm, nối dài chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp. Trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, giá hai mặt hàng cà phê tiếp tục “nóng” khi đồng loạt bật tăng 4% nhờ nhận hỗ trợ kép từ yếu tố vĩ mô và cung - cầu. Riêng cà phê Robusta đã tăng 4 phiên liên tiếp, lên mức cao nhất trong gần hai tháng qua.
Giá dầu thô trượt nhẹ, giá khí đốt tăng vọt
Theo MXV, kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng giá năng lượng. Đi ngược với xu hướng của thị trường, giá các mặt hàng dầu giảm phiên thứ ba liên tiếp tuy thu hẹp đà suy yếu. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường lo ngại căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác sẽ khiến nhu cầu dầu toàn cầu sụt giảm.
Kết phiên, giá dầu Brent giảm nhẹ 0,37% còn 79 USD/thùng. Trong khi đó, dầu WTI cũng đánh mất 0,51%, xuống 75,4 USD/thùng. Ngược lại, khí tự nhiên bất ngờ tăng mạnh 5,43% lên mức 4 USD/MMBtu.
Giá dầu kéo dài đà suy yếu trong ngày hôm qua khi thị trường lo ngại căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các quốc gia khác sẽ dẫn đến sự sụt giảm trong hoạt động kinh tế toàn cầu, từ đây ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu dầu nói chung. Chính quyền Tổng thống Mỹ mới đang cân nhắc áp mức thuế nhập khẩu 10% lên các hàng hóa từ Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1/2, cùng ngày với thời điểm ông Trump dự định công bố đánh thuế 25% đối với hàng hóa của Mexico và Canada. Với vai trò là thị trường tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trên thị trường dầu toàn cầu. Nguy cơ Mỹ làm trầm trọng mâu thuẫn thương mại giữa hai nước đã gia tăng áp lực bán tháo trong phiên ngày hôm qua.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh châu Âu gặp khó khăn trong việc đưa ra tiếng nói chung trước mối đe dọa áp thuế từ Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cố gắng tìm đến giải pháp chung trong một cuộc họp tại Paris (Pháp).
Thêm vào đó, lo sợ về việc Mỹ thắt chặt lệnh trừng phạt, Iran đã gửi thông điệp hòa giải tới các nhà lãnh đạo phương Tây tại Davos (Thụy Sĩ) vào thứ Tư (22/1), khi một quan chức cấp cao của Iran phủ nhận việc nước này muốn sở hữu vũ khí hạt nhân và đề xuất các cuộc đàm phán về cơ hội hợp tác. Động thái xoa dịu này đã giảm bớt lo ngại về gián đoạn dòng chảy dầu, từ đó gia tăng áp lực lên giá.
Ở chiều ngược lại, trong phát biểu hôm 20/1, ông Trump cho hay Mỹ nhiều khả năng sẽ ngưng mua dầu từ Venezuela, từ đó có thể khiến nguồn cung đến các cơ sở lọc dầu Mỹ bị thiếu hụt, và ghìm lại bớt đà suy yếu của giá trong phiên giao dịch. 10 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dầu của Venezuela sang Mỹ đã đạt khoảng 200.000 thùng/ngày, cao hơn mức trung bình 100.000 thùng/ngày trong năm 2023.
Ngoài ra, các nhà phân tích dự đoán kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm khoảng 1,6 triệu thùng trong tuần tuần kết thúc ngày 17/2. Điều này làm gia tăng kỳ vọng về tiêu thụ tích cực tại Mỹ, góp phần giảm bớt áp lực giảm giá dầu. Cả hai báo cáo tồn kho tuần của Viện Dầu khí Mỹ (API) và Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) đều hoãn một ngày công bố do kỳ nghỉ lễ Martin Luther King Jr.
Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên bật tăng do nhu cầu sưởi ấm tăng mạnh trong bối cảnh khu vực Bờ Vịnh của Mỹ đang đối mặt với cơn bão mùa đông lịch sử, khiến các thành phố của bang Florida chìm trong tuyết. Tuyết dày tới 9 inch, tương đương gần 23 cm phá vỡ kỷ lục từ trước đến nay. Cơ quan Dự báo Thời tiết Quốc gia còn cảnh báo rằng các tác động của bão sẽ còn kéo dài trong vài ngày tới.
Giá cà phê tăng mạnh nhờ lực kép từ yếu tố vĩ mô và cung – cầu
Khép lại phiên giao dịch ngày hôm qua, ngoại trừ dầu cọ thô và bông, giá các mặt hàng còn lại trong nhóm nguyên liệu công nghiệp đều tăng. Trong đó, giá hai mặt hàng cà phê đồng loạt tăng mạnh nhờ sự hỗ trợ kép của cả yếu tố vĩ mô và cung - cầu.
Đóng cửa, giá cà phê Arabica tăng khoảng 4,3% lên mức 341,85 cent/pound (7.536 USD/tấn). Giá cà phê Robusta cũng nối dài đà tăng sang phiên thứ tư liên tiếp, tăng gần 4% lên mức 5.452 USD/tấn, mức cao nhất trong gần hai tháng gần đây.
Về yếu tố vĩ mô, tỷ giá USD/BRL suy yếu mạnh đã tác động gián tiếp lên hoạt động xuất khẩu cà phê tại Brazil, đồng thời kéo lực mua cà phê tăng mạnh trong phiên hôm qua. Đồng Real Brazil mạnh lên khiến cho chỉ số USD/BRL đã giảm 1,34% xuống mức 5,94 điểm - mức thấp nhất trong gần hai tháng trở lại đây, đồng thời đánh dấu mức giảm theo ngày lớn nhất của chỉ số này kể từ giữa tháng 12 năm ngoái. Tỷ giá thu hẹp có thể khiến nông dân tại Brazil hạn chế bán cà phê do thu về ít ngoại tệ hơn, qua đó làm giảm lượng cà phê xuất khẩu ra thế giới và góp phần hỗ trợ giá tăng mạnh trong phiên hôm qua.
Về yếu tố cung - cầu, giá cà phê tiếp tục được hưởng lợi trong bối cảnh triển vọng nguồn cung kém tích cực tại Brazil, quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới.
Cơ quan Khí tượng Somar mới đây cho biết lượng mưa tại Minas Gerais - bang sản xuất cà phê Arabica lớn nhất tại Brazil, đạt 29,6 mm vào tuần trước, tương đương 53% so với lượng mưa trung bình trong lịch sử. Thiếu mưa làm gia tăng lo ngại về tình hình mùa vụ và sản lượng cà phê tại quốc gia này.
Trước đó, Cơ quan Cung ứng Mùa vụ thuộc chính phủ Brazil (CONAB) cũng hạ dự báo tổng sản lượng cà phê thu hoạch trong năm 2024 của Brazil xuống 54,22 triệu bao loại 60 kg. Con số này tương đương mức giảm 1,05% so với báo cáo trước và thấp hơn 1,6% so với năm 2023. Nguyên nhân chính dẫn đến sự suy yếu này đến từ những lo ngại về thời tiết tại các vùng sản xuất chính.
Trong đó, sản lượng cà phê Arabica đạt 39,6 triệu bao loại 60 kg, tăng nhẹ so với mức 39,59 triệu bao trong báo cáo tháng 9/2024 và cao hơn 1,8% so với năm trước. Sản lượng cà phê Robusta đạt 14,62 triệu bao, cao hơn 4% so với báo cáo trước nhưng giảm gần 10% so với năm 2023.