Phát triển chuỗi giá trị nuôi trồng thủy sản với sự dẫn dắt của HTX
Nuôi trồng thủy hải sản có những lợi thế, tiềm năng về kinh tế, xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu chỉ sản xuất theo quy mô hộ thì sẽ khiến người dân gặp rất nhiều bất cập trong đầu tư. Do đó, liên kết sản xuất theo quy trình chuẩn và phát triển thành các chuỗi giá trị với sự tham gia của HTX - doanh nghiệp được coi là hướng đi hiệu quả hơn cả.
Đồng bằng sông Cửu Long được coi là vựa thủy sản của cả nước khi sản xuất hơn 3,1 triệu tấn sản phẩm thủy sản hàng năm, chiếm 70% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của Việt Nam.
Chi phí cao, lợi nhuận thấp
Tuy nhiên, theo thống kê, khoảng 2 năm về trước, nuôi tôm theo hình thức nông hộ với quy mô nhỏ chiếm 90% diện tích nuôi, nuôi cá tra theo hình thức nông hộ với quy mô nhỏ chiếm khoảng 35% diện tích toàn vùng.
Nuôi trồng theo hình thức hộ gia đình được đánh giá là manh mún, năng suất thấp. Công nghệ nuôi trồng của người dân lạc hậu vì hạn chế về khả năng tiếp cận vật tư đầu vào và dịch vụ tài chính. Đi liền với đó, sản xuất theo quy mô hộ khiến việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi trồng thủy sản hiệu quả còn hạn chế, khó thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì thế, lợi nhuận mang lại từ hoạt động nuôi trồng thủy sản còn thấp.
Những mô hình nuôi thủy sản theo chuỗi đang mở ra nhiều cơ hội cho người dân, doanh nghiệp, HTX. |
Theo thống kê của Agriterra, chi phí nuôi nuôi trồng thủy sản, cụ thể là nuôi cá tra theo hộ gia đình là rất cao. Cụ thể là chi phí đầu tư bình quân/ha/vụ là 8,56 tỷ đồng (tương đương 26,96 tỷ đồng/vụ/hộ cho 3,14 ha).
Đi liền với đó là chi phí sản xuất cho sản phẩm cũng cao, lên đến 26.407 đồng/kg, trong khi giá bán trung bình chỉ khoảng 27.428 đồng/kg. Như vậy, biên độ lợi nhuận/ha rất thấp, chỉ đạt 3,7% tổng doanh thu.
Sản xuất theo quy mô hộ cho lợi nhuận thấp là vậy trong khi sản xuất bền vững đang là yêu cầu đặt ra của nhiều thị trường mà Việt Nam đang xuất khẩu thủy sản. Theo đại diện Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, nếu sản xuất thủy sản, cụ thể là sản xuất nghêu không thực hiện quản lý chặt chẽ từ nguồn giống mà nghêu giống được lấy từ nhiều nguồn khác nhau sẽ dẫn đến chất lượng giống không đồng đều, nghêu giống tự nhiên bị khai thác quá mức đến mức cạn kiệt.
Trong khi đó, nguồn giống nghêu của Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn. Nguồn giống chất lượng không đủ cung ứng phục vụ cho sản xuất đã ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Cả nước có hơn 500 trại giống, sản xuất 30 tỷ con giống, chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu giống.
Song song đó, nguồn gen của nghêu bị suy thoái, kích thước của nghêu ngày càng nhỏ. Quy hoạch vùng nuôi không rõ ràng, thiếu sự giám sát trong quản lý môi trường và chất lượng giống. Trong khi chuỗi cung ứng và tiêu thụ chưa được tổ chức tốt, thiếu thông tin thị trường.
Thúc đẩy liên kết chuỗi thông qua HTX
Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển ngành nuôi trồng thủy hải sản giúp cải thiện đời sống cho hàng triệu người nông dân. Nhưng ngành thủy sản cũng phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường thì mới có nhiều cơ hội phát triển.
Theo giới chuyên gia, để làm được điều này, điều quan trọng đầu tiên là thủy sản phải có kích cỡ phù hợp. Ngay như con nghêu phải có cỡ lớn. Đi liền với đó, thủy sản xuất bán phải đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, giá thành của các loài thủy sản khi đưa ra thị trường phải thấp thì mới đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước khác. Hiện, sản phẩm thủy sản của Việt Nam vẫn đang cạnh tranh khốc liệt với các nhà sản xuất giá rẻ, như Ấn Độ và Indonesia, gây áp lực lên vị thế thị trường của Việt Nam.
Phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản theo hình thức liên kết dưới sự dẫn dắt của HTX và từ đó giúp HTX liên kết với doanh nghiệp đầu vào và đầu ra nhằm tạo thành chuỗi sẽ khắc phục được những nhược điểm mà ngành thủy sản đang gặp phải.
Điều thuận lợi là hiện nay đã có những mô hình chuỗi giá trị thủy sản và bước đầu mang lại những hiệu quả khá tích cực. Tiêu biểu như HTX thủy sản Toàn Thắng (Sóc Trăng) hiện chuyên sản xuất tôm sú và tôm thẻ chân trắng đạt tiêu chuẩn ASC. Sản phẩm của HTX được cung cấp cho thị trường nội địa trong đó có muối tôm OCOP 3 sao, 2 sản phẩm tiềm năng là bánh phồng tôm và tôm xẻ 1 nắng.
Ngoài ra, HTX còn tham gia xuất khẩu khi có vùng nuôi liên kết chuẩn ASC với Công ty cổ phần Chế biến Thủy sản Út Xi đảm bảo tôm được nuôi trong điều kiện tự nhiên, sản phẩm đầu ra không tồn dư kháng sinh đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế.
Theo Ths. Lâm Thái Xuyên, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Phú, hợp tác sản xuất theo chuỗi, cụ thể là thu hút nông dân vào các tổ hợp tác, HTX và liên kết với doanh nghiệp giúp mang đến nhiều lợi ích cho người sản xuất kinh doanh thủy sản.
Cụ thể là sẽ làm chung quy trình sản xuất; thực hiện mua chung, bán chung, làm chung từ đó giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Đặc biệt, liên kết sản xuất theo cách này sẽ gắn với chương trình nông thôn mới - tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp.
Theo Agriterra, tham gia chuỗi liên kết, 100% số hộ thành viên trong HTX được sử dụng thức ăn nuôi công nghiệp được mua từ các đại lý thức ăn địa phương, 82% số hộ được mua nợ thức ăn cho cá. Trong khi sản xuất theo mô hình nông hộ thì người dân phải trả thẳng chi phí mua thức ăn, thuốc hoặc nợ nhưng có tính lãi, từ đó gia tăng áp lực, giảm lợi nhuận của người sản xuất thủy sản.
Huyền Trang