Khơi thông nguồn lực – đồng hành cùng doanh nghiệp trên hành trình chuyển đổi xanh

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và khủng hoảng khí hậu ngày càng gia tăng, chuyển đổi xanh đã trở thành xu hướng tất yếu. Tại Diễn đàn “Khơi thông nguồn lực cùng doanh nghiệp chuyển đổi xanh” vào ngày 23/4/2025 vừa qua, các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, và cộng đồng doanh nghiệp đã cùng nhau phân tích, nhận diện những nút thắt then chốt, đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình xanh hóa sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Chương trình được sự đồng hành của Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (PVFCCo).

Nhiều chuyên gia cho biết cộng đồng doanh nghiệp đã có chuyển biến tích cực, không ít doanh nghiệp lớn như Vingroup, Vinamilk, TH True Milk, Masan... đã tiên phong ứng dụng công nghệ sạch, đầu tư vào năng lượng tái tạo và triển khai bộ tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị).

Đến năm 2022, khoảng 80% doanh nghiệp Việt Nam đã có hoặc đang xây dựng kế hoạch ESG. Tuy nhiên, theo khảo sát của Ban IV, hơn 46% doanh nghiệp vẫn thiếu nhân lực chuyên môn, thiếu định hướng và dữ liệu để bắt đầu. Đặc biệt, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa – chiếm 90% tổng số doanh nghiệp – gặp khó khăn về tài chính, công nghệ, hạ tầng và nguồn lực.

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược, chi phí đầu tư ban đầu cho chuyển đổi xanh là rất lớn và thời gian hoàn vốn kéo dài từ 5 – 10 năm, vượt xa khung vay thông thường. Gần 65% doanh nghiệp cho biết khó tiếp cận nguồn vốn cho các dự án xanh.

TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo VNBA, cho biết hệ thống tài chính xanh trong nước vẫn chưa hoàn thiện: chưa có tiêu chuẩn phân loại dự án xanh, thiếu cơ chế bảo lãnh, ưu đãi thuế, lãi suất và khung pháp lý cụ thể về trái phiếu, tín dụng xanh. Trong khi đó, ngân hàng huy động vốn chủ yếu ngắn hạn, khó đáp ứng nhu cầu vay dài hạn của doanh nghiệp xanh.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, ông Nguyễn Minh Khôi (Viện Tony Blair vì sự Thay đổi Toàn cầu) đề xuất thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng xanh quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn mà không cần tài sản thế chấp. Đồng thời, ông nhấn mạnh việc chuẩn hóa truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ đổi mới sáng tạo xanh và cập nhật danh mục miễn thuế cho công nghệ thân thiện môi trường.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA)

Ông Nguyễn Thanh Sơn kiến nghị cần ban hành danh mục phân loại xanh quốc gia, gắn tài chính xanh với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, và sớm thiết lập thị trường tín chỉ carbon, để tạo động lực thị trường cho doanh nghiệp đầu tư xanh.

Theo ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không thể thiếu chuyển đổi số. Doanh nghiệp cần xây dựng nền tảng dữ liệu để giám sát phát thải, tối ưu hóa vận hành và minh bạch hóa quá trình sản xuất xanh. “Dữ liệu là năng lượng mới của chuyển đổi xanh,” ông nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Quốc Việt – Chuyên gia kinh tế (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội)

TS. Nguyễn Quốc Việt (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng FDI đóng vai trò then chốt trong chuyển đổi xanh. Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư, tăng tính minh bạch, đảm bảo quyền tài sản và kết nối hiệu quả chính sách công với khu vực FDI để hiện thực hóa các mô hình xanh trong thực tế.

Chuyển đổi xanh là con đường tất yếu, song để đi nhanh và bền vững, Việt Nam cần một hệ sinh thái tài chính xanh đồng bộ – nơi doanh nghiệp được tiếp cận vốn dễ dàng, có cơ chế bảo lãnh rõ ràng và chính sách ưu đãi phù hợp. Bài toán tài chính không chỉ cần lời giải từ ngân hàng mà còn từ thể chế và chiến lược quốc gia.

 

Lượt xem: 10