Dòng vốn ngoại tạo động lực tăng trưởng kinh tế

Những năm qua, Việt Nam tiếp tục là điểm đến an toàn, hấp dẫn của các doanh nghiệp, đối tác, nhà đầu tư quốc tế; đồng thời, Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới. Những kết quả này tiếp nối thành tựu nổi bật của hành trình gần 40 năm thu hút FDI theo đường lối đổi mới của Đảng, nguồn vốn FDI được coi là động lực “tạo lực” cho tăng trưởng kinh tế.

Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/3/2025 đạt gần 11 tỷ USD, ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 34,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/3/2025 đạt gần 11 tỷ USD, ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 34,7% so với cùng kỳ năm trước.

Những kết quả nổi bật

Kể từ khi chính sách “Đổi mới” được triển khai, Việt Nam đã chủ động mở cửa và thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI. Tính đến nay, hàng chục nghìn dự án đầu tư từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có mặt tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất, công nghệ cao, bất động sản, năng lượng, logistics... Trong đó, các tập đoàn đa quốc gia như: Samsung, Intel, LG, Toyota hay Foxconn... đã trở thành những cái tên quen thuộc và là những nhà đầu tư lớn nhất tại thị trường Việt Nam.  

Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của Đất nước.

Hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng sôi động, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đầu tư vào nước ta; quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách Nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tính đến ngày 31/12/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38,23 tỷ USD.  

Vốn đăng ký cấp mới có 3.375 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 19,73 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và giảm 7,6% về số vốn đăng ký. Trong đó, ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 13,44 tỷ USD, chiếm 68,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 3,72 tỷ USD, chiếm 18,8%; các ngành còn lại đạt 2,57 tỷ USD, chiếm 13,1%.

Trong số 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam năm 2024, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 6,26 tỷ USD, chiếm 31,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 2,89 tỷ USD, chiếm 14,6%; Trung Quốc 2,84 tỷ USD, chiếm 14,4%; Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) 2,17 tỷ USD, chiếm 11,0%.

Vốn đăng ký điều chỉnh có 1.539 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 13,96 tỷ USD, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 24,68 tỷ USD, chiếm 73,3% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 5,09 tỷ USD, chiếm 15,1%; các ngành còn lại đạt 3,91 tỷ USD, chiếm 11,6%.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2024 ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước. Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 20,62 tỷ USD, chiếm 81,4% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,84 tỷ USD, chiếm 7,2%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,07 tỷ USD, chiếm 4,2%.  

Hình 1: Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam các năm 2020-2024 (Tỷ USD)

Dong vốn ngoại tạo động lực tăng trưởng kinh tế - Ảnh 1

3 tháng đầu năm 2025, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt 4,96 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của ba tháng đầu năm trong 5 năm qua. Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4,05 tỷ USD, chiếm 81,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/3/2025 đạt 10,98 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2024. Trong số 53 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong ba tháng đầu năm 2025, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 1,32 tỷ USD, chiếm 30,5% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 1,23 tỷ USD, chiếm 28,5%; Đài Loan 368,1 triệu USD, chiếm 8,5%; Nhật Bản 341,8 triệu USD, chiếm 7,9%; Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) 310,2 triệu USD, chiếm 7,2%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 190,7 triệu USD, chiếm 4,4%.

Đến nay, nhiều tập đoàn đa quốc gia như: Samsung, Intel, LG, Toyota hay Foxconn... đã trở thành những cái tên quen thuộc và là những nhà đầu tư lớn nhất tại thị trường Việt Nam.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không chỉ là một trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế mà còn là động lực thúc đẩy cải cách, đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Đặc biệt, khu vực FDI không chỉ góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đa dạng hóa cơ cấu sản xuất, mà còn tạo sự lan tỏa về công nghệ, kinh nghiệm quản lý hiện đại, góp phần đưa Việt Nam tham gia nhiều công đoạn của chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.

Hình 2: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 3 tháng đầu năm giai đoạn 2021-2025 (Tỷ USD)

Dong vốn ngoại tạo động lực tăng trưởng kinh tế - Ảnh 2

 

Thách thức và giải pháp thúc đẩy khu vực FDI

Có thể khẳng định, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài không chỉ mang lại nguồn lực tài chính mà còn là “chất xúc tác” quan trọng trong quá trình hiện đại hóa nền kinh tế. Việc tận dụng tốt cơ hội từ dòng vốn FDI, gắn kết chặt chẽ giữa khối FDI và doanh nghiệp nội địa sẽ là chìa khóa để Việt Nam phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và vươn lên mạnh mẽ trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh những đóng góp tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam, khu vực FDI cũng đặt ra không ít thách thức. Việc phụ thuộc quá mức vào các doanh nghiệp nước ngoài có thể dẫn đến nguy cơ mất cân đối trong nền kinh tế, khi các doanh nghiệp trong nước khó phát triển tương xứng. Thêm vào đó là vấn đề chuyển giá, ô nhiễm môi trường, hay tình trạng thiếu liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa.

Để tối ưu hóa hiệu quả của dòng vốn FDI, thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng hạ tầng và nguồn nhân lực. Đặc biệt, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp FDI tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong nước, đầu tư vào nghiên cứu - phát triển (R&D) và chuyển giao công nghệ.

Các khu công nghiệp cần chú trọng phát triển môi trường xanh, hạ tầng xanh với việc quan tâm đến ESG (đo lường tính bền vững và trách nhiệm của doanh nghiệp về môi trường, xã hội và quản trị), giảm phát thải carbon… để đáp ứng tiêu chuẩn môi trường và trở thành lợi thế cạnh tranh nhằm đón đầu các dự án FDI thế hệ mới.

Để thực hiện điều đó cần có thông tin thống kê tin cậy, cung cấp dữ liệu định lượng và khách quan về môi trường đầu tư như: Tăng trưởng GDP, lạm phát, tỷ giá, mức độ ổn định kinh tế vĩ mô, quy mô thị trường, chi phí sản xuất… Bởi đây là cơ sở để các nhà đầu tư đánh giá tiềm năng, rủi ro và cơ hội tại quốc gia tiếp nhận đầu tư, từ đó quyết định khả năng, quy mô, mức độ, lĩnh vực… đầu tư. Ở chiều ngược lại, thông tin thống kê về doanh nghiệp FDI sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý, điều hành hoạch định chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp.

Từ ngày 01/4/2025 đến hết ngày 31/7/2025, ngành Thống kê triển khai Điều tra doanh nghiệp năm 2025 trên phạm vi cả nước, bao gồm cả các doanh nghiệp FDI. Sự nghiêm túc, tích cực tham gia vào quá trình thu thập thông tin của doanh nghiệp FDI nói riêng và doanh nghiệp cả nước nói chung sẽ góp phần tạo được cơ sở dữ liệu tin cậy, làm bằng chứng phục vụ đắc lực công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý và của chính doanh nghiệp.

Lượt xem: 8
Tác giả: Trọng Nghĩa
Nguồn:tapchitaichinh.vn Sao chép liên kết