Thông tin mới về tái cơ cấu Ngân hàng SCB
Ngân hàng Nhà nước cho biết đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương cơ cấu lại Ngân hàng SCB theo quy định. Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp xử lý các vấn đề liên quan trên cơ sở đề nghị cụ thể của các cơ quan chức năng.
Ngân hàng Nhà nước cho biết đã nhận được kiến nghị của cử tri TPHCM về đề nghị xem xét việc cơ cấu lại SCB và có giải pháp phù hợp giải quyết hậu quả của ngân hàng gây ra cho các nạn nhân.
Theo Ngân hàng Nhà nước, sau khi đặt SCB vào kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các biện pháp để ổn định hoạt động của ngân hàng, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng và quyền, lợi ích của người gửi tiền.
Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Ban kiểm soát đặc biệt SCB và SCB khẩn trương đánh giá tổng thể thực trạng của ngân hàng SCB và đề xuất chủ trương cơ cấu lại ngân hàng theo quy định.
Trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng và đề xuất chủ trương cơ cấu lại SCB, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương cơ cấu lại SCB theo quy định.
Liên quan đến vụ án xảy ra tại SCB, hiện các cơ quan chức năng đang thực hiện công tác điều tra, làm rõ những vấn đề vi phạm xảy ra tại SCB để có giải pháp giải quyết hậu quả, đảm bảo quyền lợi của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật. Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp xử lý các vấn đề liên quan trên cơ sở đề nghị cụ thể của các cơ quan chức năng.
Với vai trò ngân hàng Trung ương cũng như vai trò của cơ quan quản lý hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước luôn đặt mục tiêu là kiên định với việc điều hành để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng nói chung cũng như của SCB nói riêng; đồng thời có những biện pháp theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền.
Trước đó, ngày 15/10/2022, Ngân hàng Nhà nước đã công bố quyết định kiểm soát đặc biệt SCB để ổn định hoạt động của ngân hàng này. Việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệtmột tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước cũng lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank để tham gia quản trị, điều hành SCB.