TS. Nguyễn Quốc Hùng: Chuyển đổi số ngân hàng góp phần không nhỏ vào thành quả chuyển đổi số quốc gia
Hầu hết các ngân hàng thương mại đều xây dựng chiến lược chuyển đổi số và phát triển dịch vụ ứng dụng trên môi trường điện tử, gia tăng trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ ngành Ngân hàng đến người tiêu dùng, góp phần không nhỏ vào thành quả chuyển đổi số quốc gia nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại sự kiện
Thông tin trên được TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị “Đổi mới tài chính thế giới Việt Nam 2025” diễn ra sáng nay (ngày 15/4). Đây là lần thứ 3 liên tiếp Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp cùng Công ty TradePass (Ấn Độ) tổ chức sự kiện với mục tiêu góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công cuộc chuyển đổi số trong ngành tài chính ngân hàng tại Việt Nam, cũng như khuyến khích hợp tác, tạo ra một hệ sinh thái số chặt chẽ, hiệu quả và bền vững. Sự kiện diễn ra trong 2 ngày 15 - 16/4/2025.
Phát biểu khai mạc sự kiện, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" theo đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, vì vậy, hầu hết các ngân hàng thương mại đều xây dựng chiến lược chuyển đổi số và phát triển dịch vụ ứng dụng trên môi trường điện tử, gia tăng trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ ngành Ngân hàng đến người tiêu dùng, góp phần không nhỏ vào thành quả chuyển đổi số quốc gia nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng trên một số mặt:
Thứ nhất, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) gia tăng cả về số lượng và giá trị đồng thời góp phần thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, cụ thể: tỉ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đã đạt 87%, vượt mục tiêu 80% vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt trung bình hàng năm đạt hơn 50%.Giao dịch TTKDTM đạt 7,83 tỷ giao dịch, với giá trị đạt 134,9 triệu tỷ đồng (tăng 58,23% về số lượng và 35,01% về giá trị), trong đó: qua kênh Internet tăng 51,15% về số lượng và 33,94% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 55,54% về số lượng và 34,91% về giá trị, giao dịch qua QR Code tăng 106,91% về số lượng và 109,67% về giá trị…
Thứ hai, thông qua chuyển đổi số, các ngân hàng cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ thiết thực, tăng tính trải nghiệm cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thực hiện thành công Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của chính phủ. Những công nghệ hiện đại như xác thực sinh trắc học, thanh toán một chạm qua mã QR đã được áp dụng. Ngoài ra, công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) và thực tế ảo (Virtual Reality) cũng được áp dụng trong hoạt động cho vay và cấp tín dụng cho cá nhân và doanh nghiệp, giúp kết nối thanh toán trực tuyến cho nhiều loại phí, thuế và dịch vụ.
Bên cạnh đó, các ngân hàng hiện đang tích cực ứng dụng AI trong 2 lĩnh vực chính, đó là: (i) quản trị và phân tích dữ liệu phục vụ cho công tác dự báo và điều hành kinh doanh và (ii) Phát hiện những rủi ro gian lận và rửa tiền phục vụ công tác quản trị rủi ro và tuân thủ.
Thứ ba, đẩy mạnh khai thác, phát triển dịch vụ công trực tuyến, tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia một cách có hiệu quả. Đến nay đã có hơn 90% hồ sơ công việc được xử lý và lưu trữ trực tuyến, với gần 14,6 triệu tài khoản và 46,2 triệu hồ sơ nộp qua Cổng dịch vụ công quốc gia, thực hiện gần 26,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến, tổng số tiền lên tới hơn 12,9 nghìn tỷ đồng.
Quang cảnh sự kiện
Với những kết quả đã đạt được, TS. Nguyễn Quốc Hùng nhận định, quá trình chuyển đổi số trong ngành tài chính ngân hàng sẽ tiếp tục được tăng tốc trong thời gian tới và sẽ tập trung vào những nhiệm vụ chính sau:
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng và khuyến khích ứng dụng công nghệ số như AI và Blockchain, phát triển ngân hàng mở, giao dịch điện tử, bảo mật và an ninh trên Internet, cũng như thử nghiệm Fintech qua Sandbox. Ngoài ra, cần triển khai tiêu chuẩn hóa dữ liệu và kỹ thuật để kết nối và chia sẻ dữ liệu trong và ngoài ngành Ngân hàng, cùng với nghiên cứu tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương.
Đi cùng với đó là phát triển hạ tầng số bằng cách hiện đại hóa hệ thống thanh toán và tăng cường khả năng kết nối liên thông, bao gồm nâng cấp hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS) và mở rộng hạ tầng cho thanh toán bán lẻ với các phương thức thanh toán mới như QR Code, ví điện tử và thanh toán di động. Đồng thời mở rộng hạ tầng xử lý dữ liệu và nâng cấp cổng thông tin tín dụng nhằm hỗ trợ quản trị rủi ro…
Hội nghị "Đổi mới tài chính thế giới 2025", với chương trình được xây dựng đặc biệt nhằm đưa ra những chủ đề cấp bách, được quan tâm cao nhất trong ngành về chuyển đổi số, là cơ hội để các nhà lãnh đạo, chuyên gia, giám đốc công nghệ và kinh doanh từ các tổ chức ngân hàng, công ty Fintech, bảo hiểm và tài chính hàng đầu trong khu vực cùng chia sẻ, cập nhật các thông tin liên quan đến ngành tài chính. Đồng thời kết nối thành công các nhà phát triển công nghệ, các chuyên gia, nhà đầu tư và đối tác kinh doanh toàn cầu…
"Qua sự kiện, các đại biểu cũng sẽ tiếp cận được những kiến thức của các chuyên gia uy tín, dày dặn kinh nghiệm về tham vấn, phản biện chính sách, các chuyên gia về đào tạo năng lực tài chính, về bảo mật dữ liệu, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và các nghiệp vụ tài chính ngân hàng nói chung… Đó là nguồn kiến thức, kinh nghiệm trong nước và quốc tế, đóng góp cho các hoạt động thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam", TS. Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ.