Ngân hàng tăng tốc trong hành trình chuyển đổi số
Thời gian qua, nhiều ngân hàng đã ghi nhận sự bùng nổ về quy mô khách hàng, là “trái ngọt” sau thời gian dài đầu tư mạnh cho công nghệ và gia tăng trải nghiệm cho khách hàng. Tuy nhiên, một số ngân hàng cũng đối diện với thách thức lớn về an ninh mạng, thiếu hụt nhân lực...
Tại Hội nghị “Đổi mới tài chính thế giới Việt Nam 2025”, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến nay, số lượng tài khoản thanh toán cá nhân đạt hơn 200 triệu, với mức tăng trưởng giao dịch qua Internet, thiết bị di động và mã QR lần lượt đạt 35%, 33% và 66% so với cùng kỳ năm 2024. Nhiều ngân hàng đã giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống dưới ngưỡng 30%, thể hiện tính hiệu quả nhờ chuyển đổi số toàn diện, tiệm cận với các tổ chức tài chính hàng đầu trong khu vực.
Quy mô khách hàng tăng trưởng thần tốc
Ngày 15/4, phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các chủ tịch, tổng giám đốc một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước với chủ đề "Doanh nghiệp Nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng", ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MB chia sẻ, để có quy mô khách hàng lớn nhất, mỗi năm MB đầu tư cho công nghệ khoảng 100 triệu USD liên tục trong vòng 7 năm, áp dụng công nghệ mới nhất để giải bài toán có khách hàng nhanh. Trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm MB có 5-7 triệu khách hàng mới, dẫn đầu thị trường về số lượng giao dịch và số lượng khách hàng mới vào hệ thống.
Quá trình chuyển đổi số trong ngành tài chính ngân hàng sẽ tiếp tục được tăng tốc trong thời gian tới và sẽ tập trung vào việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. |
Song song đó, MB cũng dùng hệ thống của các công ty công nghệ đang làm, vận dụng vào MB, qua đó khiến doanh thu từ áp dụng chuyển đổi số của MB tăng gấp 3 lần so với thông thường. “Từ đó, MB cũng mạnh dạn xin ý kiến của các cổ đông cho phép đầu tư lớn cho công nghệ và tăng cường công tác nhân sự cho chuyển đổi số và dữ liệu”, ông Thái cho hay.
Lãnh đạo Ngân hàng MSB cũng cho biết, trong năm qua, tiền gửi không kỳ hạn tăng 25%, tỷ lệ hoạt động của tài khoản mở mới và doanh số giải ngân mảng bán lẻ tăng lần lượt 54% và 76% so với năm 2023. Tính đến hết năm 2024, số lượng khách hàng cá nhân tại MSB cán mốc 6 triệu.
Kết quả tích cực trên ghi nhận sự đóng góp lớn từ kênh số. Cụ thể, 25% doanh thu thuần của MSB đến từ kênh này; 95% dư nợ tín dụng được giải ngân qua luồng số hóa. Với nền tảng công nghệ hiện đại và ổn định, 1 triệu tài khoản - tương đương 85% tổng tài khoản mở mới của Ngân hàng Bán lẻ đã mở thành công qua luồng online eKYC.
Không chỉ MB và MSB, nhiều ngân hàng khác cũng có tốc độ tăng trưởng khách hàng rất mạnh mẽ như TPBank, VIB, NCB…
Nhóm "Big 4" các ngân hàng lớn nhất Việt Nam cũng chuyển đổi số mạnh mẽ trong nhiều năm qua; Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank đều triển khai ngân hàng số, dễ dàng trong thao tác, tích hợp nhiều giải pháp bảo mật ưu việt trên hệ thống dịch vụ ngân hàng số hiện đại…
Đầu tư nguồn lực để vượt thách thức
Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng theo Quyết định 810 đặt mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 50% hoạt động nghiệp vụ ngân hàng sẽ được số hóa hoàn toàn, đồng thời 70% giao dịch khách hàng được thực hiện trên các kênh số.
Để đạt được mục tiêu này, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhận định quá trình chuyển đổi số trong ngành tài chính ngân hàng sẽ tiếp tục được tăng tốc trong thời gian tới. Và sẽ tập trung vào việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành ngân hàng và khuyến khích ứng dụng công nghệ số như AI và Blockchain, phát triển ngân hàng mở, giao dịch điện tử, bảo mật và an ninh trên Internet, cũng như thử nghiệm fintech qua sandbox.
Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN cũng thừa nhận, đi liền với những thành tựu trong quá trình chuyển đổi số, ngành ngân hàng Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; chi phí đầu tư vào hạ tầng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; bài toán cân bằng giữa đổi mới và quản lý rủi ro (an ninh mạng, bảo mật dữ liệu)...
Từ kinh nghiệm chuyển đổi số trong nhiều năm qua, Chủ tịch MB cho rằng để chuyển đổi số ngân hàng phát huy hiệu quả cao hơn cần ban hành quy định cụ thể về bảo mật dữ liệu ngân hàng, đảm bảo tiêu chuẩn an ninh mạng và quy trình quản lý rủi ro. Hệ thống pháp lý cũng phải yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao tính toàn vẹn và bảo mật. Các ngân hàng cần chịu trách nhiệm rõ ràng khi xảy ra vi phạm bảo mật và có chế tài nghiêm khắc cho những trường hợp không tuân thủ.
Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế bảo vệ quyền lợi người dùng, thiết lập quy trình giải quyết tranh chấp và quy định về bảo vệ quyền riêng tư. Tăng cường sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý và hợp tác quốc tế là yếu tố quan trọng để đối phó với tội phạm công nghệ cao...
Trong khi đó, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank nhấn mạnh việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và các nguồn lực phục vụ chuyển đổi số luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Lê Anh Dũng cho biết, để vượt qua thách thức, tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số ngân hàng theo xu hướng đổi mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, NHNN đã và đang triển khai nhiều chủ trương, chính sách quan trọng.
"Thời gian tới, NHNN sẽ tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đầu tư hạ tầng công nghệ, tăng cường an ninh mạng, phát triển nguồn nhân lực số ngành ngân hàng cũng như thúc đẩy tài chính toàn diện", ông Dũng cho hay.
Ngày 15/4, phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các chủ tịch, tổng giám đốc một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định: “Trong suốt thời gian qua, hệ thống ngân hàng là một trong những bộ, ngành đi đầu trong chuyển đổi số. Song song với việc thúc đẩy chuyển đổi số là triển khai giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật thông tin”. Thống đốc cho biết, muốn thúc đẩy chuyển đổi số thì phải có hệ sinh thái về dữ liệu. Bộ Công an đã xây dựng Đề án 06 dữ liệu về dân cư. Thời gian tới, cơ sở dữ liệu này được làm giàu thêm thì sẽ rất tốt cho quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng. Đặc biệt là phải xây dựng hệ sinh thái về số liệu của doanh nghiệp mới có thể thúc đẩy chuyển đổi số. |
Huyền Anh