Vì sao lợi nhuận ngân hàng tăng vọt trong quý đầu năm?

Tới nay đã có khoảng 10 nhà băng đã công bố kết quả kinh doanh ước tính 3 tháng đầu năm, phần lớn đều ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận khá ấn tượng, thậm chí xác lập kỷ lục trong lịch sử hoạt động.

Việc lợi nhuận quý đầu năm nay của các ngân hàng tăng vọt được lý giải là do kết quả tăng trưởng tín dụng và nhờ các hoạt động kinh tế sôi động hơn giúp thu nhập phi tín dụng lạc quan hơn so với cùng kỳ năm trước. 

Loạt ngân hàng xác lập kỷ lục

Điển hình là SeABank, với lợi nhuận trước thuế đạt 4.350 tỷ đồng, tăng gần 189% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức lợi nhuận theo quý cao nhất lịch sử của nhà băng này.

Tương tự, VietABank đang là nhà băng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhận trước thuế cao nhất, đạt 352,9 tỷ đồng, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận trước thuế theo quý cao nhất lịch sử của VietABank.

-3968-1744886065.jpg

Việc lợi nhuận quý đầu năm nay của các ngân hàng tăng vọt được lý giải là do kết quả tăng trưởng tín dụng và nhờ các hoạt động kinh tế sôi động hơn giúp thu nhập phi tín dụng lạc quan hơn so với cùng kỳ.

Hay như TPBank cũng ghi nhận mức lãi quý I cao nhất lịch sử của nhà băng này. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.100 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ 2024 và tương đương 26% kế hoạch năm.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác cũng có mức tăng trưởng lợi nhuận hai con số như: Lợi nhuận của NamABank tăng gần 22%, đạt mức 1.214 tỷ đồng. NCB cho biết mức lợi nhuận trước thuế quý I ước đạt hơn 125 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với cùng kỳ năm 2024.

VIB ước tính lợi nhuận quý I đạt 20-22% trên kế hoạch 11.000 tỷ của cả năm (tương đương trên 2.200 tỷ đồng)…

Tuy nhiên, đã có ngân hàng báo lãi sụt giảm trong quý I. Đó là PGBank, với lợi nhuận trước thuế chỉ còn 96 tỷ đồng, giảm 17,3% so với cùng kỳ. SSI Research cũng vừa đưa ra dự báo lợi nhuận quý I/2025 của OCB giảm 18% so với cùng kỳ

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa được công bố, phần lớn các tổ chức tín dụng được khảo sát (74 - 76%) kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế trong quý I/2025 có cải thiện so với quý IV/2024, dự kiến tiếp tục xu hướng cải thiện trong quý II/2025.

Lợi nhuận ngân hàng tăng trong quý đầu năm nay phần lớn nhờ tín dụng cải thiện. Theo số liệu của NHNN, tính đến hết quý I, tăng trưởng tín dụng đạt 3,93%, gấp 2,5 lần so với mức tăng 1,42% vào cùng kỳ năm trước. Điều này đồng nghĩa có khoảng 613.700 tỷ đồng đã được bơm vào nền kinh tế, đưa tổng dư nợ tín dụng lên mức kỷ lục 16,23 triệu tỷ đồng. Các chuyên gia dự báo tín dụng năm nay có thể tăng trưởng 15-17%.

Báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho thấy, tất cả các ngân hàng trong danh sách theo dõi (chủ yếu là ngân hàng niêm yết) đều được dự báo lợi nhuận trước thuế tăng trưởng trong quý đầu năm 2025. Nổi bật là Sacombank, Techcombank, với kỳ vọng lợi nhuận tăng 25%, dự kiến đạt lần lượt 3.326 tỷ đồng và 9.752 tỷ đồng trong quý I.

Một số ngân hàng khác được kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng mạnh như MB tăng 22%, VietinBank tăng 20%, MSB tăng 17%, BIDV tăng 16%, HDBank và VIB cùng tăng 15%. Mức tăng trưởng lợi nhuận của VPBank, ACB và TPBank được dự báo lần lượt là 10%, 8% và 5%.

Nhiều yếu tố tạo nên lợi nhuận đột phá

Lãnh đạo nhiều ngân hàng đánh giá, lợi nhuận trong quý I tăng trưởng mạnh nhờ tín dụng khởi sắc. Theo Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ, lợi nhuận của VIB tăng tích cực trong quý đầu năm 2025 chủ yếu nhờ tín dụng tăng trưởng tốt so với toàn ngành.

“Tính đến ngày 10/3/2025, tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng khoảng 1,2% so với cuối năm 2024, dự báo đến hết quý I/2025 tăng gần 2%, còn VIB tăng khoảng 3%”, ông Vỹ nói.

Còn lãnh đạo TPBank cho biết, dư nợ cho vay khách hàng đang ghi nhận tăng trưởng đáng kể, đạt 263.920 tỷ đồng, ước tính đến cuối quý I/2025 tăng lên 269.000 tỷ đồng.

SSI Research dự báo BIDV sẽ đạt 8 - 8,5 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý I/2025, tăng 8% đến 15% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng tín dụng ổn định (tăng 2% so với đầu năm). MB ước đạt 6,5 - 6,7 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý I/2025, tăng 15% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng ở mức khá, NIM tương đối ổn định và gánh nặng trích lập dự phòng giảm.

Nhìn chung, với tín dụng được nhận định tích cực hơn khi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế cải thiện, các ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận tăng từ 10 - 15% trong năm nay, đi cùng với tăng trưởng tín dụng ở mức cao.

Chẳng hạn, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 5% so với năm trước, tương ứng 44.300 tỷ đồng; tăng trưởng tín dụng mục tiêu đạt 16,28%. MB đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng trưởng 26%, dự kiến đạt trên 1 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 8 - 10%. VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận từ 20 - 25% trong năm nay, tương đương với mức 24.000 - 25.000 tỷ đồng, đi cùng với đó là hướng đến tăng trưởng tín dụng 25%...

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, nếu vẫn giữ vững được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu từ 8 - 10%, củng cố được niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng tăng trưởng kinh tế, tín dụng sẽ tăng mạnh và là động lực chính cho lợi nhuận của ngân hàng trong năm nay, nhất là khi thu nhập ngoài lãi vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng thu nhập của các ngân hàng.

Các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Vietcap đưa ra nhận định, tín dụng năm 2025 sẽ vẫn được thúc đẩy nhiều hơn bởi mảng cho vay doanh nghiệp. Các ngân hàng có lợi thế cạnh tranh trong mảng cho vay doanh nghiệp và huy động vốn sẽ có cơ hội tăng trưởng.

Tuy nhiên, có chuyên gia cho rằng tăng trưởng tín dụng vẫn chưa đủ để tạo nên mức lợi nhuận đột phá của các ngân hàng trong quý I so với cùng kỳ mà còn những nguyên nhân khác như các hoạt động kinh tế sôi nổi hơn giúp thu nhập phi tín dụng lạc quan hơn.

"Bên cạnh đóng góp của tăng trưởng tín dụng tốt và thu nhập ngoài lãi, lợi nhuận quý đầu năm của một số nhà băng tăng mạnh là nhờ hiệu ứng của việc bắt đầu tiết giảm chi phí hoạt động từ quý IV năm ngoái tới nay", một chuyên gia phân tích.

Huyền Anh

Lượt xem: 9
Tác giả: Loạt ngân hàng xác lập kỷ lục