Mở rộng tài chính thương mại bền vững trong ngành Ngân hàng
Trong ấn bản Sách Trắng 2025 được công bố mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) cho biết, 40% ngân hàng Việt Nam đã bắt đầu tích hợp tiêu chí ESG vào hoạt động cho vay, hỗ trợ nhiều doanh nghiệp hơn áp dụng các hoạt động thương mại bền vững.
Thương mại bền vững toàn cầu trong giai đoạn 2023 - 2030 dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức CAGR là 8%, mở ra cơ hội đáng kể cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Theo EuroCham, với một thị trường tài chính thương mại qua trung gian ngân hàng trị giá 150 tỷ USD, lĩnh vực tài chính thương mại của Việt Nam có ảnh hưởng đáng kể. Đáng chú ý, hiện tại, 76% ngân hàng đã tích hợp các yếu tố ESG vào khung quản trị rủi ro của mình, phản ánh một sự chuyển biến lớn hướng tới tính bền vững trong lĩnh vực tài chính thương mại.
Mặc dù có sự chuyển biến trong ngành tài chính nhưng trọng tâm vẫn nằm ở các ngành công nghiệp phát thải nhiều như nông nghiệp, xây dựng và kim loại, điều này làm nổi bật thách thức quan trọng về tính cấp thiết của quá trình chuyển đổi bền vững.
Tỷ lệ các ngân hàng tại Việt Nam cung cấp tài chính thương mại cho các MSME do phụ nữ làm chủ hoặc lãnh đạo và cho các hoạt động liên quan đến khí hậu, tổng hợp và theo nền kinh tế, năm 2022 (%)
Tuy nhiên, EuroCham cũng chỉ ra rằng, chỉ một phần nhỏ (29%) ngân hàng tham gia tài trợ cho các hoạt động liên quan đến khí hậu, đây là rào cản lớn với việc thúc đẩy các sáng kiến bền vững. Ngoài ra, 47% ngân hàng chưa có hệ thống theo dõi các hoạt động bền vững, điều này cản trở tính minh bạch và gây khó khăn trong việc đánh giá tác động của tài chính thương mại đối với môi trường.
“Những rào cản này làm nổi bật sự cần thiết phải có các chính sách mạnh mẽ hơn và cơ sở hạ tầng tốt hơn để mở rộng tài chính bền vững trong toàn ngành Ngân hàng”, Sách Trắng 2025 lưu ý.
Bên cạnh đó, nhận thức về vấn đề này của các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, khi chỉ khoảng 25% các nhà xuất khẩu Việt Nam quen thuộc với các sản phẩm tài chính thương mại bền vững, dẫn đến tỷ lệ áp dụng thấp. Các khoảng trống trong quy định càng làm tình hình thêm phức tạp, khi Việt Nam thiếu các quy định toàn diện hướng dẫn tài chính thương mại bền vững, không giống như các khu vực như Liên minh châu Âu (EU).
Theo EuroCham, các đối tác quốc tế, chẳng hạn như IFC, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để phát triển các sản phẩm tài chính thương mại xanh, giúp nâng cao năng lực của Việt Nam. Bên cạnh đó, các sản phẩm tài chính xanh, bao gồm trái phiếu xanh, đã thu hút được sự quan tâm.
Với 1 tỷ USD trái phiếu xanh được phát hành trong năm 2023, cho thấy tiềm năng mở rộng mạnh mẽ. Những tiến bộ công nghệ, chẳng hạn như Blockchain, giúp cải thiện hơn nữa tính minh bạch và hiệu quả của hoạt động tài chính thương mại bền vững, trong khi 40% ngân hàng Việt Nam đã bắt đầu tích hợp tiêu chí ESG vào hoạt động cho vay, hỗ trợ nhiều doanh nghiệp hơn áp dụng các hoạt động thương mại bền vững.
Để gỡ bỏ được những rào cản, EuroCham cho rằng, cần khuyến khích phát triển nhiều sản phẩm tài chính xanh hơn, chẳng hạn như thư tín dụng xanh, khoản vay liên kết bền vững và bảo hiểm tín dụng thương mại xanh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng chiến lược xuất khẩu xanh với trọng tâm thúc đẩy các sản phẩm bền vững trên thị trường quốc tế. EuroCham lấy dẫn chứng, Costa Rica đã triển khai Kế hoạch quốc gia về giảm phát thải carbon, bao gồm các ưu đãi về xuất khẩu xanh, giúp quốc gia này trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về xuất khẩu nông sản bền vững.
Mặt khác, cần thiết cung cấp các biện pháp ưu đãi về thuế, trợ cấp hoặc lãi suất thấp cho 10 ngân hàng lớn nhất để thúc đẩy việc sử dụng các nền tảng số, Blockchain và các giải pháp công nghệ tài chính trong tài chính thương mại bền vững, đồng thời thúc đẩy tạo việc làm và phát triển bền vững.
“Việt Nam có thể dựa trên hệ thống phân loại xanh của Liên minh châu Âu để thiết lập các tiêu chí chuẩn hóa cho tài chính thương mại xanh và tính minh bạch dữ liệu, xây dựng khung phù hợp với các quy định của Liên minh châu Âu nhằm thu hút đầu tư từ châu Âu, đồng thời lồng ghép những thông tin chuyên sâu thu được từ Khung tài chính thương mại xanh và bền vững (GTF) của Singapore”, EuroCham gợi mở.