Ngân hàng số - động lực bứt phá

Các ngân hàng đi đầu trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia và đã đạt được những kết quả đầy tích cực, nhưng tới đây, sự cạnh tranh không chỉ là giá cả sản phẩm dịch vụ mà còn phải nâng cao trải nghiệm khách hàng thuận tiện, đơn giản, mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn. Đây sẽ trở thành yếu tố then chốt để mỗi nhà băng bứt phá trong cuộc đua ngày càng gay gắt này.

ngan hang so dong luc but pha
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng

Bước tiến đầy ấn tượng

Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xem đây là bước “bứt phá” trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0. Chuyển đổi số được coi là một trong những trụ cột chính trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Trong đó, Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 và Chiến lược chuyển đổi số quốc gia xác định ngân hàng là một trong số các ngành, lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao; có ảnh hưởng hàng ngày tới người dân, cần ưu tiên chuyển đổi số trước.

Nhận thức được điều này, thời gian qua, NHNN đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và ban hành các chính sách, kế hoạch lớn mang tính định hướng, tận dụng cơ hội cuộc CMCN 4.0, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng. Đồng thời, thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các đơn vị nâng cấp, xây dựng hạ tầng phục vụ hoạt động chuyển đổi số. Việc trở thành Ngành đầu tiên có Ngày chuyển đổi số riêng (11/5) đã phần nào thể hiện quyết tâm tiên phong của toàn ngành Ngân hàng trong công cuộc chung tay kiến thiết xã hội số, kinh tế số của cả dân tộc.

Ông Lê Anh Dũng – Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, đến nay nhiều ngân hàng đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; khoảng 68% người trưởng thành đã có tài khoản ngân hàng… trong đó đã có khoảng 5,6 triệu tài khoản và 8,9 thẻ ngân hàng được mở bằng e-KYC đang hoạt động; 2,2 triệu tài khoản Mobile Money đã được mở, trong đó hơn 67% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...; tăng trưởng bình quân giao dịch thanh toán qua kênh di động đạt 90%/năm trong nhiều năm gần đây. Nhiều TCTD đã tạo lập hệ sinh thái số các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; biến chiếc điện thoại với ứng dụng Mobile Banking trở thành “ngân hàng trong tầm tay” phục vụ nhiều nhu cầu thường nhật của người dân.

ngan hang so dong luc but pha
Hiện nhiều ngân hàng đã triển khai xác thực điện tử

Thành quả của công cuộc chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao. Người đứng đầu Chính phủ nhận định, lãnh đạo NHNN và toàn ngành Ngân hàng đã nhận thức rõ và chỉ đạo, triển khai quyết liệt vấn đề này nhằm chuyển đổi nhiều hoạt động quản lý nhà nước, dịch vụ sang môi trường số, đạt kết quả bước đầu rất đáng trân trọng; đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ kịp thời, hiệu quả người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Không chỉ đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân, bản thân các nhà băng cũng đã hưởng lợi nhờ vào chuyển đổi số mạnh mẽ. Minh chứng là chỉ số CIR (chi phí trên thu nhập) của nhiều TCTD đã giảm xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang nỗ lực hướng tới.

Điều này vô cùng có ý nghĩa trong bối cảnh nền kinh tế trải qua một năm 2022 với những khó khăn chưa từng có. Các ngân hàng vừa phải nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh vừa chắt chiu từng chút để có nguồn lực tiếp sức doanh nghiệp, người dân.

Là ngân hàng có tỷ lệ CIR “đẹp” trong hệ thống, Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng chia sẻ, sự đầu tư công nghệ bài bản từ sớm đã giúp ngân hàng giảm thiểu tối đa thời gian và chi phí vận hành. Hiện 80% hoạt động nghiệp vụ ngân hàng được thực hiện dựa trên nền tảng phân tích và ra quyết định bằng dữ liệu; 80% sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ, AI, Big Data... Hay như tại BIDV, tỷ trọng số lượng giao dịch trên kênh số của ngân hàng đã chiếm tới 93%, số lượng giao dịch trên kênh số năm 2021 bằng ba năm trước cộng lại, tốc độ tăng trưởng khách hàng theo cấp số nhân qua các năm.

Trải nghiệm khách hàng – yếu tố cốt lõi

Có thể thấy, thói quen và hành vi của các “thượng đế” đang ngày càng thay đổi. Trước đây, khách hàng mua sản phẩm, ngày nay họ không chỉ mua sản phẩm mà mong muốn mua cả trải nghiệm. Chính sự thay đổi trong hành vi của người dùng đòi hỏi các ngân hàng phải điều chỉnh để đáp ứng các nhu cầu mới. Trải nghiệm đa kênh liền mạch và cá nhân hoá là những xu hướng mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực ngân hàng.

Ông Donovan Yong - Phó Chủ tịch phụ trách Sản phẩm, Bộ phận Dữ liệu và Dịch vụ của Mastercard cho rằng, trong 3-5 năm tới, tất cả dịch vụ ngân hàng đều sẽ được đưa lên một App và câu chuyện của các nhà băng cần giải quyết là phải làm thế nào để tạo sự khác biệt. Muốn vậy, mọi trải nghiệm dịch vụ ngân hàng phải được cá nhân hoá, nhanh nhất, tiện lợi nhất. Có thể thấy bài học từ việc nhiều ngân hàng trên thế giới đã tạo ra những trải nghiệm mới cho khách hàng. Ví dụ như ngân hàng tích hợp quán cafe, có các trò chơi giải trí cho người dùng...

Lãnh đạo một ngân hàng cũng thừa nhận, để khách hàng thích thú và sử dụng nhiều dịch vụ hơn của ngân hàng, cần các chuyên gia có kinh nghiệm về AI, Big data và Blockchain để có thể phân tích dữ liệu của hệ sinh thái số. Từ đó đưa ra sản phẩm dịch vụ trên góc nhìn toàn diện về khách hàng, giúp khách hàng gắn kết hơn với ngân hàng.

ngan hang so dong luc but pha

Dữ liệu trong nền kinh tế số được coi như “kim cương”, tuy nhiên bà Nguyễn Minh Nguyên Thành - Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á akaBot (FPT Software) cũng lưu ý, bảo mật thông tin là yếu tố quan trọng để khách hàng quyết định có sử dụng sản phẩm ngân hàng hay không. Vì vậy, khi nắm trong tay nguồn nguyên liệu “kim cương” này, ngân hàng cần sử dụng thông minh hiệu quả, đặt sự an toàn, bảo mật, tôn trọng lợi ích khách hàng lên trên hết.

Dù cho chặng đường vươn tới mục tiêu về một ngân hàng số hoàn toàn còn rất nhiều chông gai, nhưng với những kết quả đã đạt được và nỗ lực hướng tới trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hành lang pháp lý, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, NHNN và ngành Ngân hàng sẽ phát huy hơn nữa, vượt qua các khó khăn, thách thức, giữ vững ngọn cờ tiên phong trong chuyển đổi số, nỗ lực triển khai vượt tiến độ tiến trình chuyển đổi số của Ngành, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng:

Gia tăng trải nghiệm, đáp ứng nhu cầu khách hàng là thước đo hiệu quả chuyển đổi số

Ngân hàng là ngành đầu tiên ban hành Kế hoạch chuyển đổi số, với mục tiêu rõ ràng: Nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; có doanh thu từ kênh số đạt trên 30%... Đặc biệt, các dịch vụ thanh toán số hóa 100%, còn về giải ngân cho vay của các công ty tài chính với các khoản cho vay nhỏ lẻ lên tới 70%.

Những con số về chuyển đổi số ngành Ngân hàng đạt được cách đây vài ba năm tôi không bao giờ nghĩ đến, đó là tỷ lệ người trưởng thành mở tài khoản ngân hàng đạt tới 68%. Ước mơ của tôi là đưa tất cả dịch vụ lên mobile và thực tế nhiều ngân hàng giao dịch trên kênh số đạt 90%, giúp tiết giảm chi phí, phục vụ tốt hơn cho khách hàng.

Kim chỉ nam của công tác chuyển đổi số ngành Ngân hàng là bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ; cải cách, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là nhân tố quan trọng; đổi mới sáng tạo, gia tăng trải nghiệm, đáp ứng nhu cầu khách hàng là thước đo hiệu quả chuyển đổi số. Chuyển đổi số đi liền với công tác đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp khách hàng, sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng. Nghiên cứu, khai thác thông tin dân cư tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân gắn chip, tài khoản định danh và xác thực điện tử (VNeID) trong các nghiệp vụ...

Quỳnh Trang

Nguồn:

 

 

Lượt xem: 5
Nguồn:thoibaonganhang.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật