Ngân hàng sẵn sàng cơ cấu nợ, nỗ lực tăng tín dụng chất lượng

Các ngân hàng đánh giá cao chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, vì trong bối cảnh hiện nay, chính sách này tốt cho cả các doanh nghiệp (DN) và ngân hàng. Nhiều ngân hàng đang tích cực triển khai các giải pháp tăng tốc tăng trưởng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế chủ tương của Chính phủ, NHNN.

Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024 - Ảnh: VGP/HT

Cơ cấu nợ ít ảnh hưởng đến quản trị ngân hàng

Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024 được tổ chức tại Hà Nội vừa qua, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, Thông tư 06/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn đã được ban hành.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước kéo dài thời gian thực hiện chính sách tại Thông tư 02 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết ngày 31/12/2024. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng theo dõi tình hình thực hiện Thông tư 06/2024/TT-NHNN, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị về tác động của việc tăng thêm thời gian gia hạn nợ, ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết: Qua đánh giá tác động, các DN nghiệp đang trong diện gia hạn nợ, cơ cấu nợ vẫn còn gặp khó khăn. Việc gia hạn nợ là cần thiết vì bối cảnh hiện tại, dù có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng các DN vẫn còn gặp không ít khó khăn về dòng tiền. Các DN nhờ không bị chuyển nhóm nợ xấu có thể duy trì được các quan hệ tín dụng tốt hơn với các ngân hàng khác nhau. Lãnh đạo MB kỳ vọng là hết năm 2024 mọi việc sẽ đi và ổn định nền kinh tế thế giới có chuyển biến

Tổng Giám đốc MB phân tích: Việc này về lý thuyết cũng làm giảm áp lực trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng đã cho DN đó vay. Tuy nhiên, lãnh đạo MB cho biết, quan điểm quản trị của ngân hàng này là ngay cả với các khoản được gia hạn cơ cấu nợ thì ngân hàng vẫn chủ động trích lập dự phòng rủi ro như bình thường (như trường hợp không được gia hạn nợ, chuyển nhóm nợ xấu hơn).

"Do đó, ban hành, triển khai Thông tư 06/2024/TT-NHNN không ảnh hưởng đến đến việc quản trị tín dụng cũng như khách hàng của MB", ông Phạm Như Ánh nói.

Ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) - Ảnh: VGP/HT

Theo các chuyên gia, việc hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong bối cảnh cộng đồng DN gặp vô vàn khó khăn, từ tác động của dịch bệnh đến ảnh hưởng của kinh tế thế giới. Theo Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2024, cả nước có 98,8 nghìn DN đăng ký thành lập và trở lại hoạt động, nhưng cũng có tới 97,3 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Như vậy, bình quân mỗi tháng có 19,8 nghìn DN thành lập mới và trở lại hoạt động, trong khi có 19,5 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Số liệu này phản ánh, cộng đồng DN cần được hỗ trợ đồng bộ, thường xuyên, liên tục và nhiều hơn nữa. Việc hỗ trợ DN về tín dụng sẽ thiết thực và hiệu quả hơn khi DN được hỗ trợ để nhanh chóng khai thác cơ hội kinh doanh.

Để điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ngoài vốn, DN cần môi trường đầu tư, kinh doanh phải thông thoáng hơn, hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng, các thủ tục hành chính công khai, minh bạch, không còn rào cản khiến DN mất đi cơ hội phát triển.

Triển khai các giải pháp đưa vốn tín dụng tới đúng địa chỉ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến ngày 14/6, tín dụng tăng 3,79% so với cuối năm 2023; tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần qua các tháng, doanh số tín dụng mà các ngân hàng đã cung ứng ra nền kinh tế cao hơn doanh số của cùng kỳ 3 năm trước.

Trong đó, với khối ngân hàng có vốn nhà nước, tín dụng tính đến thời điểm giữa tháng 6/2024, VietinBank đang có tốc độ tăng tín dụng cao nhất trong nhóm này, tăng 4,9% so với cuối năm trước và cố gắng hoàn thành mục tiêu 14% mà NHNN cấp cho đầu năm nay.

Các ngân hàng đã mạnh tay hạ lãi vay để kích cầu tín dụng. Lãnh đạo VietinBank cho hay, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng đã 8 lần giảm lãi vay. Hiện có những khách hàng được cho vay ngắn hạn với lãi suất thấp hơn lãi suất huy động.

Tổng giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm - Ảnh: VGP/HT

Tổng giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm cho biết, bên cạnh thuận lợi Chính phủ, NHNN quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, kinh tế có sự phục hồi nhất định, FDI tăng, mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp là động lực thúc đẩy tăng trưởng, song thực tế tín dụng đang gặp nhiều khó khăn.

"Dù bản thân ngân hàng rất muốn cho vay thậm chí là đang sốt ruột nhưng, sức hấp thụ vốn kém nên tín dụng tăng trưởng chậm. Nhìn số liệu DN rút khỏi thị trường hoặc tạm ngừng kinh doanh tăng cao giải thể tăng do gặp phải khó khăn thời hậu COVID-19 cho thấy sức khỏe DN đã giảm sút nhiều do khó khăn kéo dài dẫn đến cầu tín dụng giảm", ông Lê Ngọc Lâm nói.

Còn ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank cho biết tiếp tục triển khai quyết liệt, các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank cho biết, Agribank tiếp tục triển khai quyết liệt, các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; tập trung vốn tín dụng đối với các lĩnh vực là động lực phát triển (xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng), tiếp tục tiếp cận và đầu tư vốn đối với các dự ấn nhà ở xã hội, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (lúa gạo, lâm thuỷ sản ); tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất cho từng đối tượng khách hàng và có chính sách lãi suất phù hợp nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng; tăng cường công tác giám sát và thực hiện nghiêm túc kỷ luật trong xử lý vi phạm trong công tác cho vay.

Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank - Ảnh: VGP/HT

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, đến hết ngày 17/6, tín dụng của Vietcombank tăng 2,1%. Nguyên nhân tín dụng tăng chậm là tín dụng cá nhân - chủ yếu là vay mua bất động sản - tăng chậm (thậm chí tăng trưởng âm quý I/2024). Khó khăn pháp lý, nguồn cung bất động sản hạn chế, thu nhập người dân giảm, thị trường bất động sản chưa hồi phục… khiến người dân còn e dè. Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, việc giảm lãi vay là rất khó khăn trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường đang tăng lên. Dù vậy, Vietcombank sẽ tiên phong giảm lãi vay để hỗ trợ nền kinh tế. Vietcombank tuy tăng trưởng tín dụng tới ngày 17/6 mới đạt 2,1%, song dự kiến hết ngày 30/6 tăng 4,3%, đến ngày 30/9 tăng 8,2% và cả năm tăng 12%.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank - Ảnh: VGP/HT

Sở dĩ, một số lãnh đạo ngân hàng kỳ vọng vào sự đột phá bởi nhiều hợp đồng tín dụng đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị và sẽ sớm được ký kết, giải ngân trong nửa cuối tháng 6/2024.

Ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc MB cho biết: tăng trưởng còn hạn chế do các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, một trong những nguyên nhân là sự trầm lắng của một số thị trường trong đó có thị trường bất động sản. Hy vọng thời gian tới với việc các quy định mới như Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/8, sẽ có những tháo gỡ về mặt pháp lý.

Cho đến cuối tháng 6 mới đạt 5%, nhưng thực tế tín dụng sẽ tăng mạnh hơn vào các quý 2, 3, 4, do đó, đại diện MB vẫn kỳ vọng vàomục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%. Đặc biệt khi kinh tế vĩ mô tốt lên, mức lãi suất hiện tại là ở mức khá hợp lý, khi sức hấp thụ của nền kinh tế sẽ bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt hơn.

Lãnh đạo MB cho biết, sẽ tiếp tục tinh chỉnh các quy trình thủ tục. Trong đó, sẽ dựa trên các nền tảng ứng dụng(app) cho các khách hàng cá nhân và DN tiếp tục cho vay phê duyệt tự động đẩy nhanh quá trình thẩm định, phê duyệt.

Khách hàng trải nghiệm trực tiếp trên quy trình tự động rút ngắn quy trình giảm can thiệp của con người vào quy trình tự động, với các trải nghiệm tốt nhất.

Về lãi suất, lãnh đạo MB cho rằng, trong bối cảnh sức ép từ bên ngoài, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn còn duy trì lãi suất, gây áp lực lên tỉ giá trong nước, thì việc NHNN duy trì mức lãi suất ổn định là rất nỗ lực. NHNN đã có nhiều sách công cụ tiền tệ để điều hành linh hoạt giữ được tỉ giá giữ được mặt bằng lãi suất thấp hỗ trợ nền kinh tế.

"Trong giai đoạn 6 tháng tiếp theo, việc duy trì cái mặt bằng lãi suất có thể không như 6 tháng đầu năm là khá khó khăn, nhưng tôi nghĩ NHNN sẽ cố gắng duy trì để giảm thiểu tác động của lãi suất, tỉ giá tới các ngân hàng, DN cũng như nền kinh tế", ông Phạm Như Ánh nói.

Lưu ý các ngân hàng thương mại, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh: NHNN chủ trương thúc đẩy tín dụng hỗ trợ nền kinh tế, nhưng không tăng tín dụng bằng mọi giá, tín dụng phải đi kèm với chất lượng. Điều quan trọng nhất là, các ngân hàng phải hiểu rõ được nguyên nhân tín dụng khó khăn, ách tắc để tìm đúng giải pháp tháo gỡ.

Lượt xem: 2
Tác giả:  Anh Minh
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật