Dòng tiền từ đầu tư cá nhân vẫn dẫn dắt thị trường

Trái ngược với xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức trong nước, các cá nhân trong nước vẫn mua ròng 4 tuần liên tiếp. Đặc biệt, trong phiên thị trường tái lập mốc 1.500 điểm (23/3), thị trường vẫn ghi nhận sự tham gia mạnh mẽ từ dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân. 

Trước những biến động của tình hình thế giới, VN-Index liên tục lên xuống trong biên độ hẹp từ 1.430 đến 1.530 điểm cùng thanh khoản sụt giảm.

Theo dữ liệu của FiinPro, sau tuần bùng nổ thanh khoản 7-11/3 với giá trị trên 35.500 tỷ đồng/phiên, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã tỏ ra thận trọng hơn trong tuần vừa qua (14-18/3) khi thanh khoản thị trường ghi nhận mức bình quân hơn 27.400 tỷ đồng/phiên, giảm tương ứng 23%. Trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân mỗi phiên là hơn 25.150 tỷ đồng, cũng giảm gần 26%.

Đối ứng dòng tiền

Bất chấp sự sụt giảm về thanh khoản này, thị trường vẫn ghi nhận xu hướng mua ròng mạnh mẽ của các nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Tuần qua, các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mua ròng 3.259 tỷ đồng trên HoSE, trong đó, 1.765 tỷ là giao dịch khớp lệnh trên sàn. Dù đã giảm 50% so với giá trị mua tuần liền trước, nhưng đây đã là tuần mua ròng thứ 4 liên tiếp của nhóm nhà đầu tư này.

Dong-tien-nha-dau-tu-trong-nuo-8735-6642

Giá trị mua ròng của nhà đầu tư cá nhân đang đóng vai trò "cân tiền" với xu hướng bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức trong nước. (Ảnh: Int)

Tính trong 1 tháng gần nhất, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mua ròng tổng cộng 11.124 tỷ đồng giá trị chứng khoán.

Trái ngược, tuần qua khối ngoại cùng với các tổ chức trong nước (bao gồm cả tự doanh công ty chứng khoán) đã bán ròng lần lượt 1.532 tỷ và 1.727 tỷ đồng. Đây cũng là tuần thứ 4 liên tiếp khối ngoại bán ròng trên thị trường với giá trị tổng cộng gần 7.200 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị bán ròng của các nhà đầu tư tổ chức trong nước bao gồm cả tự doanh công ty chứng khoán giai đoạn này là 3.961 tỷ.

Cụ thể, tuần qua, các nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục đổ tiền vào cổ phiếu VIC (Vingroup) với giá trị mua ròng gần 1.610 tỷ. Theo sau là các cổ phiếu MSN (Masan) với 525 tỷ và NVL (Novaland) với 410 tỷ đồng. Ngược lại, cổ phiếu STB (Sacombank) lại bị nhóm này bán mạnh nhất với giá trị giao dịch ròng 681 tỷ; DGC (Hóa chất Đức Giang) bị bán ròng 229 tỷ và DPM (Phân bón hóa chất Dầu khí) bị bán 220 tỷ đồng.

Xu hướng giao dịch trái ngược của các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước cũng ghi nhận trong cơ cấu giao dịch mua - bán ròng của hai nhóm này. Trong đó, các tổ chức trong nước bao gồm cả tự doanh công ty chứng khoán đã bán ròng VIC mạnh nhất, đạt 1.167 tỷ đồng.

Cũng trong thời gian này, các nhà đầu tư tổ chức trong nước lại mua DGC với giá trị 194 tỷ đồng, theo sau là MSB (Ngân hàng MSB) và GEX (Gelex) với giá trị mua ròng lần lượt là 192 tỷ và 179 tỷ đồng.

Trong khi đó, cổ phiếu bị các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất tuần qua là MSN với 496 tỷ, theo sau là VIC với giá trị bán ròng 444 tỷ đồng. Tương tự, hai cổ phiếu NVL và HPG (Hòa Phát) đều bị bán ròng hơn 300 tỷ đồng.

Ngược lại, khối ngoại đã mua gom STB từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước tuần qua với giá trị 536 tỷ và DPM với 221 tỷ đồng.

Như vậy, trong 1 tháng đã qua, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức trong nước đã bán ròng hơn 11.100 tỷ đồng, bên mua đối ứng dòng tiền này chính là các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Nói cách khác, giá trị mua ròng của nhà đầu tư cá nhân đang đóng vai trò "cân tiền" với xu hướng bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức trong nước.

Động lực cho thị trường chứng khoán

Trong báo cáo "Looking Ahead at 2022", VinaCapital dự báo, kinh tế Việt Nam năm 2022 sẽ được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố tích cực và sự hồi phục trong nhiều lĩnh vực.

“Với triển vọng tăng trưởng GDP khoảng 7-7,5%, thậm chí có thể vượt trên 7,5%. Cùng với đó, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ đạt mức 26% trong năm 2022. Vì vậy, thị trường có thể sẽ được thúc đẩy bởi tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp bền vững hơn”, ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng của VinaCapital nhận định.

Mặc dù không thể phủ nhận dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài là rất quan trọng đối với TTCK Việt Nam, nhưng thực tế cũng cho thấy mức độ ảnh hưởng của nhà đầu tư trong nước đối với sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của thị trường.

Cụ thể, năm 2021, VN-Index đã tăng mạnh gần 36% giá trị nhờ đóng góp từ tăng trưởng lợi nhuận gần 35% của các cổ phiếu niêm yết trên HoSE và sự bùng nổ của nhà đầu tư cá nhân với số lượng tài khoản giao dịch tăng đến 60%.

Mới đây, trong phiên 23/3, VN-Index tái lập mốc 1.500 điểm sau chuỗi ngày dài “dập dìu” cùng thanh khoản giảm mạnh, dòng tiền đổ sầm sập vào thị trường đã đẩy thanh khoản quay trở lại ngưỡng trên 30 ngàn tỷ đồng (tính riêng khớp lệnh của HoSE và HNX) là của hầu hết nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Hiện tại, TTCK Việt Nam vẫn là thị trường cận biên (frontier market), có nhiều dư địa để phát triển trong bối cảnh số tài khoản còn thấp và nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 90% khối lượng giao dịch hàng ngày trên TTCK.

Các chuyên gia của Chứng khoán MBS kỳ vọng “số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, đặc biệt giữa bối cảnh tỷ lệ số lượng tài khoản/dân số còn ở ngưỡng thấp. Và đây cũng sẽ là động lực chính của thị trường”.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lưu ý, tăng trưởng của thị trường chứng khoán những tháng tới đây dự báo khó dần và mức độ không còn lớn bằng giai đoạn trước. Vì vậy, dù tốc độ tăng trưởng tài khoản chứng khoán mở mới những tháng qua vẫn cao nhưng tới đây số lượng tài khoản mở mới có thể giảm hơn.

“Thanh khoản trên thị trường có thể suy giảm để trở về mức cân bằng hơn, chứ không tăng “nóng” như giai đoạn trước”, ông Trần Xuân Bách, phụ trách mảng phân tích thị trường Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định.

Hải Giang

Lượt xem: 251
Tác giả: Hải Giang
Tin liên quan