Để startup Việt 'lớn' được cần có nhiều hơn quỹ đầu tư mạo hiểm nội

Tiềm năng phát triển của các startup, sự hỗ trợ từ các yếu tố vĩ mô và định giá hấp dẫn giúp Việt Nam trở thành điểm thu hút đầu tư từ các quỹ nước ngoài. Trong khi đó, các quỹ nội (theo định nghĩa là thành lập tại Việt Nam, với sự đóng góp từ các nhà đầu tư trong nước) hiện chưa có nhiều và chưa có quy mô lớn; số lượng quỹ nội được quản lý và dẫn dắt bởi đội ngũ đã từng làm và am hiểu về khởi nghiệp công nghệ còn hạn chế.

Theo Báo cáo của Quỹ đầu tư Nextrans về thị trường khởi nghiệp, dòng vốn đầu tư năm 2021, Việt Nam là điểm đến ưa thích của 208 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động, trong đó chỉ có gần 40 quỹ đầu tư trong nước.

Startup thiếu trợ lực trên “sân nhà”

"Tôi đã sang Singapore khoảng 2 lần, có đăng ký một công ty bên đó để sẵn sàng gọi vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Ở Việt Nam cũng có quỹ đầu tư nhưng cách định giá khác so với nước ngoài, do vậy chúng tôi thường hướng tới các quỹ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài hơn", ông Nguyễn Quang Thái – nhà sáng lập thương hiệu đồng hồ "made by Vietnam" Curnon chia sẻ.

Quy-dau-tu-ThinkZone-8823-1647675842.jpg

Nguồn lực hỗ trợ startup ở thị trường Việt Nam còn hạn chế, đa phần các quỹ đầu tư mạo hiểm hiện nay đều đến từ nước ngoài hoặc từ vốn ngoại (Ảnh: Int)

Năm 2021, khi các quỹ đầu tư và startup ngày càng thích nghi với quy trình làm việc trực tuyến, hàng loạt “thương vụ” đã được chốt ngay cả trong thời điểm giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Đặc biệt, trong nửa cuối năm 2021, các thương vụ gọi vốn thành công liên tiếp được công bố, gồm cả những thương vụ trăm triệu đô: Momo huy động thành công 200 triệu USD từ Mizuho, Ward Ferry, Goodwater Capital, Kora Management; VNLife (công ty sở hữu dịch vụ thanh toán VNPay) huy động hơn 250 triệu USD trong vòng Series B; Tiki có vòng tài trợ Series E trị giá 258 triệu USD do AIA dẫn đầu…

Báo cáo của DealstreetAsia cho thấy, Việt Nam ghi nhận tổng vốn đầu tư mạo hiểm lên tới 2,48 tỷ USD trong năm 2021, gấp gần 24 lần so với năm 2016 (105 triệu USD) và được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục tăng cao trong những năm tới. Còn theo báo cáo năm 2021 của Bain & Company, dự đoán Việt Nam sẽ là quốc gia có tốc độ phát triển nền kinh tế Internet nhanh nhất Đông Nam Á tính tới năm 2030 (đạt tăng trưởng quy mô thị trường gấp 11 lần hiện tại), mở ra cơ hội lớn thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư vào startup Việt.

Tuy nhiên, đa phần các quỹ đầu tư mạo hiểm hiện nay đều đến từ nước ngoài hoặc từ vốn ngoại, nên nguồn lực hỗ trợ startup ở thị trường Việt Nam còn hạn chế. Các startup cần thủ tục pháp lý khá phức tạp như thành lập công ty tại Singapore, hay làm thủ tục xin cấp phép đầu tư để nhận được vốn ngay từ giai đoạn sớm. Không chỉ tài chính, startup còn cần hỗ trợ rất nhiều từ một hệ sinh thái như kiến thức, kinh nghiệm hay kênh phân phối, tiếp cận khách hàng, pháp lý... - là thế mạnh mà các nhà đầu tư từ Việt Nam có thể mang lại.

Trên thực tế, thị trường tài trợ vào startup tại Việt Nam vẫn đang được dẫn dắt bởi các quỹ ngoại, vì các quỹ nội hiện chưa mạnh về nguồn lực, công nghệ. Quỹ nội hiện chưa có nhiều và chưa có quy mô lớn; số lượng quỹ nội được quản lý và dẫn dắt bởi đội ngũ đã từng làm và am hiểu về khởi nghiệp công nghệ còn hạn chế.

Trong khi đó, một chuyên gia khẳng định, quỹ ngoại và quỹ nội đều có những thế mạnh và hạn chế khác nhau. Nếu có sự kết hợp giữa các quỹ nội đủ tầm và các quỹ ngoại để cùng đầu tư vào các startup, chắc chắn sẽ tạo nên những câu chuyện hết sức thú vị trong thời gian tới.

Cú hích từ Quỹ ThinkZone II

Mới đây, ThinkZone Ventures đã công bố quỹ đầu tư khởi nghiệp Fund II cho các startup trong nước với quy mô đầu tư trải rộng từ giai đoạn tiền hạt giống (pre-seed) tới Series A, dự kiến có thể đầu tư tới 3 triệu USD/startup. 

Với tổng vốn có thể cam kết đầu tư lên tới 60 triệu USD, ThinkZone II là quỹ đầu tư mạo hiểm vào startup công nghệ có quy mô lớn nhất do các tập đoàn và doanh nhân Việt Nam góp vốn.

Bên cạnh nguồn lực tài chính, điểm khác biệt lớn nhất của ThinkZone Fund II so với các quỹ đầu tư khác là nguồn hỗ trợ khổng lồ từ những tập đoàn, doanh nhân tầm cỡ từ nhiều lĩnh vực tại thị trường Việt Nam như IPA Investments, Phú Thái Holdings, Stavian Group.

Theo đó, Quỹ này sẽ tập trung đầu tư vào các startup công nghệ từ nhiều lĩnh vực như fintech, edtech, vận tải, chuyển đổi số, công nghệ…, với quy mô đầu tư trải rộng từ giai đoạn pre-seed tới series A. Trong đó, vòng đầu tư thứ nhất có thể lên đến 1 triệu USD/startup và tiếp tục đầu tư tới 3 triệu USD ở các vòng gọi vốn tiếp theo. ThinkZone sẽ linh hoạt đầu tư để có thể hỗ trợ tối đa cho các startup.

Bên cạnh đó, mạng lưới đối tác của ThinkZone Ventures cũng mang lại cho startup nhiều hỗ trợ về sales và marketing, công nghệ, tuyển dụng… giúp startup tiết kiệm hàng tỷ đồng chi phí. Tổng giá trị các gói hỗ trợ lên tới 150.000 USD/startup, đến từ 24 đối tác lớn như Amazon Web Services, Goldsun Media Group, FPT Play, Deloitte, MISA, HubSpot…

Ngoài ra, các startup nhận được hỗ trợ của Quỹ còn được hỗ trợ bởi các chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực trong mạng lưới của ThinkZone Ventures, cũng như kết nối với các doanh nghiệp như Viettel, Be Group, G-Group… để thúc đẩy tăng trưởng.

Các startup nhận đầu tư từ ThinkZone Ventures sẽ có tiềm năng lớn được hợp tác, hỗ trợ bởi nguồn lực "khủng" về tài chính, sản xuất, phân phối, bán lẻ… bởi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn này.

Một chuyên gia bình luận, động thái của ThinkZone Ventures cho thấy, các quỹ đầu tư nội đang tận dụng cơ hội từ đại dịch Covid-19 để tham gia sâu vào thị trường đầu tư mạo hiểm.

Tuy nhiên, để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, điều quan trọng hơn cả là Việt Nam cần mở thể chế cho sự xuất hiện các quỹ đầu tư mạo hiểm của tư nhân, bởi đầu tư mạo hiểm 10 đồng thì có thể mất 9 đồng, thậm chí mất cả...

"Việt Nam cần phát triển và nâng cao hoạt động hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Theo đó, Việt Nam cần khuyến khích bỏ vốn thiên thần và đầu tư mạo hiểm", ông Cung nói.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, mọi tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đều có quyền hỗ trợ vốn thiên thần cho những người khởi nghiệp tiềm năng, có quyền cấp vốn đầu tư mạo hiểm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo một cách không hạn chế, không yêu cầu thực hiện bất kỳ một thủ tục hành chính nào.

Trong khi đó, theo đại diện ThinkZone Ventures - CEO Bùi Thành Đô, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các quỹ đầu tư nội địa cũng như áp dụng cơ chế sandbox để quản lý các startup

Vấn đề huy động vốn cho khởi nghiệp đã được giới chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có đề xuất phải ban hành Luật Đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, vấn đề mà các quỹ đầu tư gặp phải hiện nay không chỉ dừng lại ở mặt pháp lý của quỹ đầu tư trong và ngoài nước, các thủ tục hành chính, mà còn ở cơ chế về thuế khi thoái vốn. Việc khá nhiều startup tiềm năng của Việt Nam đang đặt trụ sở ở nước ngoài như tại Singapore là nhằm dễ huy động vốn, và các nhà đầu tư cũng dễ thoái vốn để tránh rủi ro.

Thành lập từ năm 2019, ThinkZone Ventures là quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên rót vốn vào các startup công nghệ trong giai đoạn từ pre-seed đến Series A. ThinkZone Ventures đầu tư đa dạng nhiều lĩnh vực như công nghệ tài chính, công nghệ giáo dục, công nghệ y tế, công nghệ vận tải, thương mại điện tử, chuyển đổi số  doanh nghiệp…

Tính đến thời điểm hiện tại, ThinkZone Ventures đã đầu tư cho 11 startup, tổng định giá 110 triệu USD với số vốn là 20 triệu USD, cùng 24 gói hỗ trợ.

ThinkZone Ventures đã kết nối mạng lưới gồm 200 quỹ đầu tư trong và ngoài nước, hơn 100 đối tác là các doanh nghiệp để hỗ trợ startup Việt.

Phương Linh

Lượt xem: 186
Tác giả: Phương Linh
Tin liên quan