Nâng cao hiệu quả nguồn vốn viện trợ

Chính phủ cần thống nhất số liệu của Kiểm toán nhà nước, kể cả các khoản phát sinh trong thời gian vừa qua liên quan đến viện trợ nước ngoài, liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản pháp luật, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với nguồn viện trợ không hoàn lại, đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch và cả phần giá trị và phần hiện vật theo các quy định.

Tiếp tục phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên) năm 2020; bổ sung dự toán NSNN vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, UBTVQH thống nhất bổ sung dự toán NSNN nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài, nguồn chi thường xuyên năm 2020 vào năm 2021 để đảm bảo các khoản viện trợ không hoàn lại này đủ điều kiện hạch toán, quyết toán NSNN.

“Về quan điểm, UBTVQH thấy rằng đây là khoản bổ sung dự toán trình Quốc hội để đảm bảo đúng thẩm quyền”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết và đề nghị Chính phủ quản lý chặt chẽ các khoản viện trợ không hoàn lại, không để xảy ra thất thoát, lãng phí và xác định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc tiếp nhận các khoản viện trợ không hoàn lại; rút kinh nghiệm trong việc chậm phân bổ dự toán được Quốc hội giao, chậm báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự toán thu, chi NSNN; khẩn trương cập nhật, rà soát chính xác số liệu để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

nang cao hieu qua nguon von vien tro
Cần quản lý chặt chẽ các khoản viện trợ không hoàn lại, không để xảy ra thất thoát, lãng phí

Chính phủ cũng cần thống nhất số liệu của Kiểm toán nhà nước, kể cả các khoản phát sinh trong thời gian vừa qua liên quan đến viện trợ nước ngoài, liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản pháp luật, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với nguồn viện trợ không hoàn lại, đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch và cả phần giá trị và phần hiện vật theo các quy định.

Tại Tờ trình số 50/TTr-CP ngày 15/02/2022 về việc bổ sung dự toán NSNN nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2020, Chính phủ cho biết, khoản viện trợ 1.413,387 tỷ đồng là khoản phát sinh trong năm 2020 đã được các cơ quan trung ương thực nhận, nhưng chưa có dự toán được giao. Vì vậy đề nghị UBTVQH bổ sung dự toán thu, chi ngân sách trung ương (NSTW) nguồn viện trợ nước ngoài (chi thường xuyên) và phân bổ chi tiết số tăng thu năm 2020 là 1.413,387 tỷ đồng.

UBTVQH đề nghị Chính phủ rà soát số liệu thống nhất với Kiểm toán Nhà nước hoàn chỉnh hồ sơ để trình Quốc hội xem xét bổ sung dự toán thu, chi phân bổ chi tiết cho bộ, ngành, địa phương khi trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Đối với Tờ trình số 49/TTr-CP ngày 15/02/2022 về việc bổ sung dự toán NSNN nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021, Chính phủ cho biết số vốn đã tiếp nhận nhưng chưa đủ điều kiện hạch toán chi NSNN do chưa có dự toán là khoảng 10.558 tỷ đồng. Chính phủ đề nghị UBTVQH cho phép bổ sung dự toán thu, chi NSTW nguồn viện trợ nước ngoài (chi thường xuyên) và phân bổ chi tiết số tăng thu năm 2021 là 4.217,777 tỷ đồng. UBTVQH yêu cầu Chính phủ cũng phải rà soát, tổng hợp đầy đủ số liệu, thống nhất với Kiểm toán Nhà nước, hoàn chỉnh hồ sơ để báo cáo lại UBTVQH xem xét bổ sung dự toán, phân bổ chi tiết cho các bộ, ngành, địa phương. Thời gian trình chậm nhất là trước kỳ họp thứ tư, tháng 10/2022.

Trước đó, giải trình về các nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đây là những khoản rất minh bạch, chủ yếu liên quan đến thủ tục. Tuy nhiên các nhà đầu tư tài trợ theo từng đợt và phát sinh nhiều đợt, do vậy Bộ trưởng đề nghị UBTVQH cho ý kiến với từng đợt tài trợ, rồi sau đó khi quyết toán ngân sách thì trình với Quốc hội đồng thời cùng với quyết toán ngân sách. Như vậy sẽ thuận lợi hơn.

“Nên trình ra Quốc hội những việc lớn, những việc mang tính chất quyết sách, những khoản nho nhỏ thế này phải báo cáo một cách thường xuyên, minh bạch, quản lý chặt chẽ và cuối cùng khi quyết toán ngân sách thì thanh toán một lần hợp lý hơn, lại đúng thẩm quyền”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề xuất.

Không đồng tình với quan điểm như vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, quan điểm của Ủy ban đây là khoản thu từ viện trợ và chi cho các cơ quan, nên đã làm tăng dự toán thu và tăng dự toán chi. Như vậy phải trình Quốc hội chứ không thể gọi là khoản tăng thu, tiết kiệm chi để trình UBTVQH. Riêng về khoản viện trợ, thời gian tới Chính phủ và Bộ Tài chính cần quản lý chặt chẽ hơn.

“Như của Trung tâm đổi mới sáng tạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, người ta viện trợ cho mình 30 triệu USD nhưng không phải làm trong một năm, mà có thể làm trong 3 năm. Nếu chờ đến 3 năm sau đủ điều kiện quyết toán, chúng ta mới làm thủ tục ghi thu, ghi chi là không ổn. Cho nên khi tiền về phải làm thủ tục với Bộ Tài chính và phải ghi thu viện trợ hàng năm. Chúng ta phải quản lý chặt chẽ và đồng thời phải trình Quốc hội để bổ sung dự toán”, ông Cường đề nghị.

Đồng quan điểm với Ủy ban Tài chính Ngân sách, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phải làm theo quy định pháp luật. Nếu muốn thay đổi thì phải sửa luật.

“Đây không phải là khoản tăng thu, đây là chênh lệch giữa dự toán hoặc chưa lập dự toán. Trước đây như thế nào thì bây giờ cũng như thế, phải đi vào quyết toán ngân sách. Thẩm quyền của Quốc hội. UBTVQH chỉ chuẩn bị ý kiến để Quốc hội quyết định”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Dương Công Chiến

Lượt xem: 235
Tác giả: admin1
Nguồn:thoibaonganhang.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan