Xu hướng đầu tư mới của nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn đang chịu những tác động từ dịch Covid-19, nhưng các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn tiếp tục tìm cơ hội đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, dịch vụ, phi chế tạo, năng lượng sạch... Điều này cho thấy, nhà đầu tư Nhật Bản đặt niềm tin rất lớn vào khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Erex là một trong những tập đoàn hàng đầu Nhật Bản về điện sinh khối và hiện đang có 5 nhà máy điện sinh khối tại Nhật Bản đang tìm hiểu đầu tư vào Việt Nam. Trong buổi làm việc với doanh nghiệp này hôm 15/3, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói rằng, Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao sự quan tâm của các doanh nghiệp lớn, có nhiều kinh nghiệm trong việc việc đầu tư và phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam.

Đầu tư vào lĩnh vực giá trị cao

Ông Honna Hitoshi, Chủ tịch kiêm Giám đốc đại diện Tập đoàn Erex (Nhật Bản) nói rằng, Việt Nam có tiềm năng tài nguyên sinh khối rất lớn, chưa được khai thác nhiều. "Việc sử dụng hiệu quả điện sinh khối sẽ làm giảm phát thải CO2, đóng góp vào việc thực hiện cam kết giảm phát thải ròng CO2 của Việt Nam tại COP26", lãnh đạo Tập đoàn Erex nói.

img-top-message-3782-1647530470.png

Ông Honna Hitoshi, Chủ tịch kiêm Giám đốc đại diện Tập đoàn Erex cho biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên EREX cân nhắc đầu tư công nghệ phát điện sinh khối ngoài Nhật Bản.

Theo ông Honda Hitoshi, từ 2018, EREX đã trao đổi với các địa phương tại Việt Nam về kế hoạch trồng cây cao lương và sản xuất nhiên liệu điện để xuất khẩu sang Nhật Bản trong giai đoạn 2021-2026. Khu vực có điều kiện tự nhiên để trồng cây cao lương mới tại Việt Nam là Phú Yên, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hậu Giang.

Tổng diện tích dự kiến triển khai là 12.000ha, doanh nghiệp Nhật này đã trồng thử 30ha tại Phú Yên từ tháng 7/2021 và đang lên kế hoạch trồng thử nghiệm tại Việt Nam để tiến tới nghiên cứu cây sinh khối thân thảo khác nhằm mục đích làm nguyên liệu điện sinh khối theo công nghệ của Nhật Bản.

“Chúng tôi vừa đi khảo sát tại 16 tỉnh, thành ở Việt Nam và lập được danh sách các dự án tiềm năng. Nếu công việc được thuận lợi, dự kiến việc đầu tư xây dựng có thể diễn ra sau khoảng 1 năm chuẩn bị”. Ông Honna Hitoshi cho biết.

Thực ra, tập đoàn Erex chỉ là một trong số hàng chục tập đoàn của Nhật Bản đang tìm hiểu đầu tư hoặc mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian gần đây. Bất chấp những khó khăn của Covid-19 vẫn chưa hết, nhưng theo các doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam vẫn tiếp tục là một điểm đến đầy tiềm năng của các nhà đầu tư Nhật.

Sau 10 năm đầu tư vào Việt Nam, một doanh nghiệp sản xuất motor cho các thiết bị điện tử của Nhật Bản quyết định mở rộng đầu tư sản xuất.

"Chúng tôi quyết định mở rộng đầu tư là vì sau dịch, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tử trên thế giới tăng cao, nên đơn hàng của chúng tôi rất dồi dào. Hơn nữa, chất lượng tay nghề của các lao động Việt Nam rất tốt đáp ứng được yêu cầu sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao", Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nidec Servo Việt Nam, Araki Takahisa cho biết.

Đại gia bán lẻ Nhật Bản - Aeon cũng có kế hoạch mở khoảng 100 siêu thị MaxValu tại Việt Nam vào năm 2025, tăng mạnh so với chỉ 4 siêu thị ở Hà Nội hiện nay. Aeon cũng có kế hoạch mở thêm các cửa hàng có mặt sàn trên 500 m2. Ngoài ra, Aeon Mall, công ty con của Tập đoàn, có kế hoạch tăng từ 6 lên 16 trung tâm mua sắm tại Việt Nam từ nay đến năm 2025.

Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam nói, doanh nghiệp đã có một năm làm ăn nhiều thách thức vì Covid-19. Một trong những khó khăn được kể đến là các kế hoạch đầu tư, mở rộng thêm các trung tâm mua sắm, trung tâm bách hóa tổng hợp, siêu thị và các cửa hàng chuyên doanh mới của Aeon gặp nhiều trở ngại do bệnh dịch. Tuy nhiên, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam nói rằng, các kế hoạch này sẽ tiếp tục trong năm 2022.

"Trong 5-10 năm tới, kinh tế Việt Nam nói chung và ngành bán lẻ nói riêng đều rất tiềm năng với nhiều điều kiện phát triển thuận lợi. Aeon Việt Nam sẽ tập trung mở thêm nhiều địa điểm kinh doanh với mô hình bán lẻ đa dạng bao gồm trung tâm mua sắm, trung tâm bách hoá tổng hợp, siêu thị, cửa hàng tiện lợi và cửa hàng chuyên doanh", ông nói.

Lý giải việc nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng mở rộng đầu tư vào Việt Nam, ông Takeo Nakajama, Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cho rằng, thời gian gần đây dòng vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam cũng bắt đầu có sự điều chỉnh với sự tham gia nhiều của các dự án trong lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ hướng đến thị trường nội địa của Việt Nam và thị trường xuất khẩu nhằm tận dụng cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã tham gia.

“Điển hình của sự chuyển hướng này là sự kiện Uniqlo - thương hiệu thời trang toàn cầu đến từ Nhật Bản và Tập đoàn bán lẻ AEON liên tục mở rộng kinh doanh tại Việt Nam là ví dụ điển hình. Đây cũng là sự chuyển hướng tích cực nhằm vào thị trường bán lẻ tiềm năng với dân số gần 100 triệu dân của Việt Nam, cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế được dự báo khá tích cực trong năm 2022”, ông nói.

Hơn nửa doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam muốn mở rộng sản xuất

Trước đó, vào cuối tháng 1 vừa qua, JETRO cũng đã công bố kết quả khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2021. Kết quả cho thấy mặc dù Việt Nam chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19 trong năm 2021 nhưng các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn rất lạc quan với môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong năm 2021 và cả năm 2022. Tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản dự định sẽ mở rộng kinh doanh trong vòng 1-2 năm tới tại Việt Nam vẫn đạt 55,3%, đứng đầu khu vực ASEAN.

Screen-Shot-2022-01-19-at-4-45-7285-8919

Việt Nam đứng thứ tư trong ưu tiên mở rộng đầu tư của doanh nghiệp Nhật ra nước ngoài.

Ông Takeo Nakajima cho biết, JETRO đang có trong tay danh sách 39 doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam, nằm trong chương trình đa dạng hoá chuỗi cung ứng của chính phủ Nhật Bản.

"Cũng lưu ý, phần lớn doanh nghiệp này không phải là doanh nghiệp mới, mà đã có mặt tại Việt Nam từ trước và muốn dịch chuyển dây chuyền sản xuất từ thị trường khác sang Việt Nam", ông cho biết. Chương trình này đòi hỏi thời gian để triển khai và các doanh nghiệp đang bắt đầu ở bước đầu tư trang thiết bị.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), ông Inoue Soichi cho rằng, để thu hút hơn nữa dòng vốn của nhà đầu tư Nhật Bản, Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2022, đồng thời nối lại tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid-19 gây ra.

“Những hỗ trợ của Chính phủ vẫn đóng vai trò thiết yếu trong việc cải thiện tình hình tài chính và dòng tiền khi nền kinh tế phục hồi. Quản lý linh hoạt các khoản cho vay bằng ngoại tệ của các tổ chức tài chính trong nước tại Việt Nam; Cho vay lãi suất thấp, miễn thuế doanh nghiệp, trợ cấp cho các ngành dịch vụ và công ty startup; Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và tinh giản thủ tục giấy tờ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng như các cơ quan thuế và hải quan trên toàn quốc”, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật bản tại Việt Nam khuyến nghị.

Trà My

Lượt xem: 220
Tác giả: Đầu tư vào lĩnh vực giá trị cao
Tin liên quan