8 tháng, CPI tăng 4,04% so với cùng kỳ năm trước
Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 8/2024 tăng 0,24% so với tháng trước, tăng 2,53% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân 8 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2023. Các yếu tố tác động làm tăng CPI là do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu.
CPI tháng 8/2024 ổn định so với tháng trước. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng như: Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,29%, do giá thuê nhà tăng 0,45% khi nhu cầu thuê nhà tại một số địa phương tăng, chuẩn bị vào năm học mới; giá gas tăng 0,67% do từ ngày 01/8, giá gas trong nước điều chỉnh tăng theo giá gas thế giới.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,27%, trong đó lương thực tăng 0,19%; thực phẩm tăng 0,28%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,26%.
Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,18%, trong đó giá khám chữa bệnh nội trú tăng 0,29%; dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú tăng 0,11%. Nguyên nhân là do trong tháng 8/2024 tiếp tục có địa phương triển khai áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.
Nhóm giáo dục tăng 0,14%, trong đó giá bút viết các loại tăng 0,5%; sản phẩm từ giấy tăng 0,45%; văn phòng phẩm, đồ dùng học tập khác tăng 0,2%. Giá dịch vụ giáo dục tăng 0,13% do một số trường đại học công lập, trung học dân lập, mầm non tư thục ở một số tỉnh tăng học phí năm học 2024 - 2025...
Trong khi đó, nhóm giao thông lại giảm 1,98% (tác động làm giảm CPI chung 0,19 điểm phần trăm), do giá dầu diezen giảm 7,05%; giá xăng trong nước giảm 5,83% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng; giá vận tải hành khách bằng đường sắt giảm 4,09%; xe ô tô đã qua sử dụng giảm 0,28%.