HTX chạy nước rút phục vụ thị trường Tết

Bắt đầu bước vào cao điểm mua sắm Tết, các HTX, liên hiệp HTX đang đẩy mạnh các hoạt động cung ứng, liên kết để tiêu thụ hàng hóa, kích cầu tiêu dùng.

Còn chưa đầy 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các thành viên HTX Mạnh Hương (Lào Cai) đang hoạt động hết công suất không kể ngày đêm để cung ứng hàng hóa cho nhà phân phối, khách hàng ở trong và ngoài tỉnh.

Đa dạng hình thức tiêu thụ

Chuẩn bị phục vụ mùa Tết, ngay từ đầu quý IV/2024, HTX đã chủ động nguồn nguyên liệu bằng việc tự sản xuất hoặc liên hệ với những hộ sản xuất đủ điều kiện để thu mua chế biến. Ngoài thế mạnh về những sản phẩm dược liệu, mùa Tết này, HTX còn đẩy mạnh tiêu thụ những sản phẩm truyền thống được ưa chuộng như măng rừng, mộc nhĩ rừng, hạt dổi nếp rừng, nấm hương rừng, miến đao sâm…

Không chỉ tập trung vào chất lượng và số lượng với danh sách sản phẩm lên đến hàng chục, HTX Mạnh Hương còn đầu tư vào khâu bao bì, nhãn mác bắt mắt và hầu hết các sản phẩm của HTX bán ra thị trường đều được chứng nhận từ 3 sao OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Trong khi đó, tại Tiền Giang, HTX nông nghiệp công nghệ cao Tân Phước hiện có vùng trồng khóm (dứa) Queen với nguồn cung ứng ổn định. Vào dịp Tết này, ngoài sơ chế trái khóm cung ứng cho các doanh nghiệp, HTX còn thu mua, nhập khẩu hành tím Ấn Độ cung ứng cho thị trường gia vị. Do đó, HTX rất sẵn sàng hợp tác với khách hàng, doanh nghiệp để thương mại và chế biến theo chuỗi.

Còn tại HTX Ngư Trung (Quảng Bình), sản phẩm mực một nắng được người tiêu dùng mua làm quà biếu vào dịp cuối năm rất lớn, có thể lên đến 3-4 tấn. Tuy nhiên, điều khiến HTX lo lắng là dù nhu cầu thị trường lớn, các thành viên làm việc hết công suất nhưng năm nay, nguồn lợi hải sản bị giảm nên nguyên liệu đầu vào chưa thực sự dồi dào.

Có thể thấy, thay vì những sản phẩm nhập ngoại đắt tiền thì năm nay, người tiêu dùng thường ưa chuộng những sản phẩm bản địa, sản phẩm đặc trưng của địa phương với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đây chính là thế mạnh của không ít HTX.

-1897-1736759652.jpg

Liên kết tiêu thụ đặc sản địa phương là thế mạnh của nhiều HTX.

Để phục vụ và cung ứng hàng hóa dịp Tết được thuận lợi, các HTX đã tích cực tham gia bán hàng theo hình thức đa kênh như tham gia các chợ Tết, nhóm bán hàng trên Zalo, Facbook, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử…

Đặc biệt, để giúp các HTX tiêu thụ, phân phối và trao đổi hàng hóa thuận lợi, các ngành chức năng đã không ngừng hỗ trợ trong quảng bá, ứng dụng công nghệ. Điển hình như Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang giữa tháng 12/2024 đã khai trương siêu thị bán hàng OCOP ở TP Bắc Giang. Siêu thị này bán các nguồn hàng OCOP, nông sản đặc trưng được sản xuất và chứng nhận theo tiêu chuẩn OCOP, VietGAP, GlobalGAP và tuân thủ chặt chẽ theo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm từ sản xuất đến sơ chế, giết mổ, tiêu thụ…

Hay HTX Mạnh Hương và hàng trăm HTX đã tham gia chương trình Chợ tết công đoàn năm 2025 do Liên minh HTX TP Hải Phòng phối hợp với 19 Liên minh HTX các tỉnh thành khác tổ chức từ ngày 11/1-17/1/2025. Hoạt động này đã tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp tiêu thụ, giao lưu, trao đổi hàng hóa mùa Tết một cách thuận lợi.

Các HTX cũng có các chương trình ưu đãi, chính sách hỗ trợ khách hàng về vận chuyển, hỗ trợ giá. Đặc biệt, nhiều HTX vẫn giữ nguyên giá để bảo đảm thương mại và kinh doanh bền vững, lâu dài.

Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T nông sản Cao Phong (Hòa Bình) cho biết, các sản phẩm của HTX vẫn được giữ giá như trước cao điểm mùa Tết để bảo đảm bình ổn thị trường. Cụ thể như cam lòng vàng vẫn giữ ở mức giá 50.000 đồng/kg, cam đường canh vẫn ở mức 60.000 đồng/kg.

Sản phẩm hồng treo gió của HTX nông sản Toàn Thương (Lạng Sơn) đã có mặt ở 50/63 tỉnh thành, cũng giữ nguyên giá 360.000 đồng/kg và có những chiết khấu phù hợp cho từng đơn hàng. Sản phẩm của HTX có hộp đẹp phù hợp cho khách dùng biếu tặng vào dịp Tết.

Liên kết để tăng sức cạnh tranh

Có một điều dễ nhận thấy là năm nay, các HTX đã tích cực liên kết cùng nhau cung ứng hàng hóa ra thị trường.

Tiêu biểu như HTX Mạnh Hương đã liên kết với HTX Sun Gold (Lào Cai) để cung ứng sản phẩm tương ớt Mường Khương bản Mường ra thị trường; HTX Minh Trung (Tây Ninh) liên kết với HTX Thạch Tân (Tây Ninh) để cung ứng mãng cầu; HTX Tân Thịnh (Yên Bái) cùng liên kết với HTX chế biến và kinh doanh tổng hợp Đoàn Lương (Yên Bái) cung ứng sản phẩm macca đóng hộp...

Theo đó, hầu hết các HTX ở cùng địa phương sẽ liên kết cùng nhau nhằm tạo ra những nhóm sản phẩm, giỏ quà phù hợp để đáp ứng nhu cầu thị trường Tết. Điều này giúp các HTX cùng quảng bá, giới thiệu sản phẩm của địa phương mình đến khách hàng gần xa, vừa giúp đa dạng danh sách hàng hóa dịp Tết, giúp các HTX đa dạng được nguồn khách hàng. Đặc biệt, các HTX ở gần nhau, trong cùng một địa phương sẽ giúp việc vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn, từ đó giúp giảm chi phí phân phối hàng hóa.

Đại diện của một số HTX chia sẻ, nếu các HTX chỉ có 1 vài sản phẩm đặc sản của địa phương thì rất khó tiếp cận khách hàng. Đơn giản là bởi sản phẩm đặc trưng địa phương là sản phẩm vùng miền nên có thể vừa khẩu vị người này nhưng lại không hợp với người khác. Do đó, việc liên kết với các HTX khác không chỉ giúp tăng số lượng, đảm bảo các đơn hàng với số lượng lớn mà còn đáp ứng được khẩu vị, nhu cầu của nhiều thực khách hơn, từ đó giúp HTX có thể tạo ra những giỏ hàng hóa với những sản phẩm cùng loại hoặc khác loại theo ý khách hàng một cách dễ dàng.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, liên kết để đang dạng danh sách sản phẩm hàng hóa là bước đi thông minh nhằm đáp ứng nhu cầu lớn và đa dạng của người tiêu dùng trong dịp Tết. Liên kết cùng tiêu thụ là hình thức phù hợp khi các HTX còn gặp những khó khăn nhất định trong đầu tư mở rộng từ khâu sản xuất đến chế biến bất cứ một mặt hàng nào, vì những hoạt động này cần nguồn vốn lớn.

Khi các HTX hỗ trợ nhau trong phân phối, tiêu thụ sẽ giúp tăng sức cạnh tranh, tăng khả năng thu hút khách hàng mua sản phẩm theo combo hoặc mua hàng với số lượng lớn, từ đó tăng doanh thu mùa Tết.

Huyền Trang

Lượt xem: 2
Tác giả: Đa dạng hình thức tiêu thụ