Ngân hàng "đua" bán vốn tại công ty tài chính
Năm 2025, thị trường tín dụng tiêu dùng kỳ vọng sẽ có sự khởi sắc, 3 yếu tố là tiêu dùng nội địa, đầu tư công, xuất khẩu tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng. Khối ngoại vẫn tìm cách tiến sâu và gấp rút "bành trướng" thị phần tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam.
Với tổng dư nợ ước tính lên tới 3 triệu tỷ đồng, cho vay tiêu dùng tại Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng và thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây cũng là phân khúc sôi động với hàng loạt thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) đáng chú ý thời gian qua.
Thêm thương vụ M&A nghìn tỷ trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chấp thuận thương vụ chuyển nhượng 100% vốn góp của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) tại Công ty Tài chính Bưu điện (PTF) cho Aeon Financial - một thành viên của Aeon Group (Nhật Bản).
Đây là thương vụ mua bán lớn trong mảng tài chính tiêu dùng với tổng giá trị 4.300 tỷ đồng, hoàn tất sau hơn một năm kể từ khi hợp đồng chuyển nhượng vốn được hai bên ký kết vào tháng 10/2023.
“Miếng bánh” cho vay tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn rất hấp dẫn |
Theo SeABank, việc chuyển nhượng PTF là một phần trong lộ trình cơ cấu lại nguồn vốn, nhằm tăng cường năng lực tài chính, đầu tư vào công nghệ và mở rộng quy mô hoạt động.
Vào cuối năm 2024, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng cho biết Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) - thành viên thuộc Tập đoàn MUFG của Nhật Bản, đã đề nghị mua lại trước hạn 50% vốn điều lệ còn lại của SHBFinance. SHB sau đó công bố nghị quyết thông qua việc chuyển nhượng phần vốn này theo thỏa thuận đã ký với Krungsri, đánh dấu giai đoạn 2 của thương vụ.
Trong khi đó, Tập đoàn công nghệ tài chính SCB X của Thái Lan cũng tiết lộ kế hoạch hoàn tất thương vụ mua lại Home Credit Việt Nam trong nửa đầu năm 2025, sau khi nhận được sự chấp thuận từ các cơ quan quản lý. Giá trị thương vụ này ước tính đạt gần 900 triệu USD.
Trước đó, thị trường tài chính tiêu dùng cũng ghi nhận thương vụ VPBank bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) với giá 1,4 tỷ USD.
Có thể thấy, thời gian gần đây, kể cả vào thời điểm tài chính tiêu dùng gặp khó khăn, việc mua bán sáp nhập công ty tài chính tiêu dùng vẫn diễn ra âm ỉ. Đã có nhiều thương vụ được “sang tay” thành công, trong đó có những thương vụ đình đám như: Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC - FE Credit, Shinhan Card - Công ty tài chính Prudential Việt Nam; TechcomFinance - Lotte Card; HDFinance - Tập đoàn tài chính Credit Saison, Mcredit - Shinshei…
Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hùng nhận định: “Cho vay tiêu dùng tại Việt Nam vẫn là một thị trường hết sức tiềm năng. Mặc dù thị trường này đang gặp khó khăn tạm thời, song vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển. Chính vì vậy, các nhà đầu tư có tiềm lực nhìn vào triển vọng thị trường, tin tưởng vào chính sách của Chính phủ vẫn sẵn sàng đổ vốn vào lĩnh vực này”.
Luôn hấp dẫn vốn ngoại
Theo các chuyên gia, hơn 10 năm phát triển, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam ngày càng cho thấy tiềm năng và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng do tỷ lệ thâm nhập hiện tại còn thấp.
NHNN cho biết, hiện nay, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng bình quân giai đoạn từ 2010 đến nay luôn cao hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung của toàn nền kinh tế.
Các chuyên gia cũng đánh giá ngành tài chính tiêu dùng Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuẩn bị cho một chu kỳ tăng trưởng mới, sau khi vượt qua những thử thách do Covid-19 năm 2022 và kinh tế khắc nghiệt của năm 2023. Trong năm 2024, tín dụng tiêu dùng đã bước vào sự khởi sắc.
Sang năm 2025, tín dụng tiêu dùng được dự báo sẽ bứt phá do nhận được nhiều yếu tố hỗ trợ. Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), sự phục hồi của nền kinh tế, với tăng trưởng GDP được thúc đẩy mạnh mẽ và thu nhập hộ gia đình cải thiện, nhu cầu tài chính tiêu dùng dự kiến sẽ tăng đáng kể.
Một điểm đáng chú ý là các khoản vay dưới 100 triệu đồng sẽ không yêu cầu khách hàng cung cấp phương án sử dụng vốn chi tiết, chỉ cần cung cấp thông tin cơ bản về mục đích vay và khả năng trả nợ, giúp đơn giản hóa quy trình và kích cầu vay vốn.
Trong năm 2025, nhiều chuyên gia dự báo nhu cầu vay tiêu dùng khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng cao, có thể tăng khoảng 15%. Đây là lý do thời gian qua, rất nhiều ngân hàng trong nước đã nhiều lần hé lộ kế hoạch "săn tìm" và mua lại công ty tài chính. Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài cũng cho thấy sự quan tâm đặc biệt tới thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam. Do đó, những thương vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực này sẽ còn sôi động thời gian tới.
Bên cạnh những góc nhìn tích cực, vẫn còn sự hoài nghi liệu có phải công ty tài chính đang trong cảnh “trong chán, ngoài thèm”, khi ngân hàng mẹ liên tục rao bán, còn đối tác ngoại vẫn tấp nập hỏi mua?
Về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, ngân hàng bán công ty tài chính là “một mũi tên trúng nhiều đích”, vừa thu về một khoản tiền lớn để nâng cao năng lực tài chính, vừa chia sẻ rủi ro.
Có thể nói, đối với các ngân hàng, việc thoái vốn khỏi các công ty tài chính không chỉ mang lại nguồn thu nhập lớn, giúp ngân hàng gia tăng hệ số an toàn vốn, mà còn tập trung vào những mảng kinh doanh cốt lõi, cũng như hạn chế chồng chéo trong chiến lược phát triển kinh doanh, khi mà không ít ngân hàng vẫn phát triển mảng cho vay bán lẻ, trong đó bao gồm cả khách hàng hộ gia đình, cá nhân và gia tăng mảng ngân hàng số để phục vụ nhóm khách hàng này.
Điển hình, tại thương vụ SeABank bán vốn PTF cho Aeon Financial, khi hoàn thành việc chuyển nhượng sẽ giúp SeABank có thêm nguồn vốn để tăng cường năng lực tài chính, mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh ở các phân khúc trọng tâm, hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ được yêu thích nhất.
Thanh Hoa