Diễn biến mới xung quanh bảng giá đất sắp ban hành của TP. Hồ Chí Minh
Bảng giá đất mới dự kiến điều chỉnh 4.488 tuyến đường, tăng 593 tuyến so với 3.895 tuyến đường theo quyết định số 02/2020-QĐ-UBND của UBND TPHCM; trong đó, có 158 tuyến đường giáp ranh giữa các quận, huyện đã được cân chỉnh giá.
Bảng giá đất mới dự kiến điều chỉnh 4.488 tuyến đường, tăng 593 tuyến so với 3.895 tuyến đường theo quyết định số 02/2020-QĐ-UBND của UBND TPHCM; trong đó, có 158 tuyến đường giáp ranh giữa các quận, huyện đã được cân chỉnh giá.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Bảng giá đất TP. Hồ Chí Minh mới đây đã giao Thường trực Hội đồng Thẩm định Bảng giá đất Thành phố khẩn trương rà soát tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường để hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo kết quả thẩm định dự thảo Quyết định điều chỉnh Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 của UBND Thành phố quy định về bảng giá đất, trình Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Bảng giá đất Thành phố.
Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng Thẩm định Bảng giá đất Thành phố, hoàn chỉnh hồ sơ trình Ban Chỉ đạo xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất cho ý kiến đối với bảng giá đất sửa đổi, bổ sung, trình UBND Thành phố.
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp các nội dung về định hướng, quá trình, kết quả xây dựng Quyết định điều chỉnh Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 của UBND TP.HCM để tuyên truyền, phổ biến đến tổ chức cá nhân trên địa bàn thành phố có thông tin chính xác, hiểu và đánh giá đúng về chủ trương chính sách, quy định pháp luật…
Trước đó, ngày 14/10, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có tờ trình trình Hội đồng Thẩm định Bảng giá đất Thành phố về ban hành Quyết định điều chỉnh Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 của UBND TP. Hồ Chí Minh quy định về bảng giá đất trên địa bàn thành phố.
Đây là tờ trình lần thứ 4 sau khi tiếp thu nội dung tại cuộc họp Hội đồng Thẩm định Bảng giá đất Thành phố ngày 14/10/2204.
Được biết, bảng giá đất mới dự kiến điều chỉnh 4.488 tuyến đường, tăng 593 tuyến so với 3.895 tuyến đường theo quyết định số 02/2020-QĐ-UBND của UBND TPHCM; trong đó, có 158 tuyến đường giáp ranh giữa các quận, huyện đã được cân chỉnh giá.
Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế TP. Hồ Chí Minh, dẫn đến mức độ tăng trưởng không đạt theo chỉ tiêu từ 7,5-8%.
Hiện nay, nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi, nhằm tạo điều kiện lấy lại đà tăng trưởng như trước đây và phát triển theo mục tiêu đã đặt ra cho giai đoạn 2021-2025, các sở ngành, quận, huyện, TP. Thủ Đức và đơn vị tư vấn đã thống nhất đề xuất mức giá đất ở phù hợp với tình hình hiện nay và có xem xét đến các đối tượng bị ảnh hưởng bởi công tác điều chỉnh, đặc biệt là các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân.
Ví dụ, đường Bàu Trâm (xã Trung An, huyện Củ Chi), thông tin giao dịch thành công có giá khoảng 15,2 triệu đồng/m2, mức giá đề xuất đưa vào bảng giá đất điều chỉnh sắp tới là 7,2 triệu đồng/m2, chỉ bằng 48% mức giá theo thông tin thu thập.
Hay đường Cây Bài (xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi), thông tin giao dịch thành có giá khoảng 14,2 triệu đồng/m2, mức giá đề xuất đưa vào bảng giá đất mới chỉ là 8,64 triệu đồng/m2, bằng 60% mức giá theo thông tin thu thập.
UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc thực hiện điều chỉnh nêu trên là phù hợp với quy định của pháp luật, thuộc thẩm quyền của UBND TPHCM và đảm bảo 5 nguyên tắc, gồm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; tác động tích cực đến nền kinh tế; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án trọng điểm; tạo sự công bằng giữa các nhóm đối tượng sử dụng đất; hợp với tình hình thực tế về giá đất và tình hình kinh tế, xã hội tại và tuân thủ quy định pháp luật.