Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc: Thực hiện nhiệm vụ vượt khỏi khuôn khổ chính sách tiền tệ

Sự phát triển vượt bậc của Hàn Quốc từ một trong những nước nghèo nhất thế giới thành một trong những nước giàu nhất là điều chưa từng có trong lịch sử gần đây. Tuy nhiên, trong khi dữ liệu chính thức cho thấy tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và tỷ lệ thất nghiệp thấp, nền kinh tế Hàn Quốc vẫn bị bao vây bởi những thách thức cơ cấu sâu sắc, có thể tác động lớn đến sự thịnh vượng trong tương lai của nước này.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc: Thực hiện nhiệm vụ vượt khỏi khuôn khổ chính sách tiền tệ

Sự phát triển vượt bậc của Hàn Quốc từ một trong những nước nghèo nhất thế giới thành một trong những nước giàu nhất là điều chưa từng có trong lịch sử gần đây. Tuy nhiên, trong khi dữ liệu chính thức cho thấy tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và tỷ lệ thất nghiệp thấp, nền kinh tế Hàn Quốc vẫn bị bao vây bởi những thách thức cơ cấu sâu sắc, có thể tác động lớn đến sự thịnh vượng trong tương lai của nước này.

Nhiều người Hàn Quốc đang bi quan về tương lai, điều này phản ánh sự cạnh tranh khốc liệt định hình cuộc sống của họ, từ giáo dục đến việc làm. Trẻ nhỏ dành phần lớn thời gian ở trường hoặc với gia sư riêng thay vì vui chơi bên ngoài với bạn bè. Thanh thiếu niên phải chịu áp lực rất lớn để đảm bảo một suất vào một trường đại học danh tiếng. Không có gì ngạc nhiên khi hơn 27% học sinh trung học ở Hàn Quốc có triệu chứng trầm cảm.

Hơn nữa, khoản đầu tư khổng lồ này vào giáo dục, đặc biệt là việc chuẩn bị vào đại học, không phải lúc nào cũng mang lại thành công trong sự nghiệp. Thông thường, sinh viên tốt nghiệp - ngay cả ở các trường danh tiếng - phải mất nhiều năm mới tìm được việc làm ổn định, dẫn đến nhiều người phải kéo dài thời gian học đại học hoặc đăng ký các chương trình cấp bằng thạc sĩ. Nghiên cứu gần đây cho thấy, trung bình những sinh viên tốt nghiệp đại học Hàn Quốc tìm được công việc toàn thời gian đầu tiên ở tuổi 31, để rồi bị đẩy ra khỏi những vị trí an toàn này khi họ 49 tuổi. Những người lao động trung niên thất nghiệp buộc phải chấp nhận mức lương thấp, việc làm tạm thời hoặc phải rời thị trường lao động.

Trong khi đó, chi phí sinh hoạt đã tăng mạnh. Tháng 6/2024, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) cho biết, giá thực phẩm của nước này cao hơn 55% so với mức trung bình của các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong khi giá quần áo và nhà ở đắt hơn lần lượt là 61% và 20%. Thị trường nhà đất ở Seoul cũng khốc liệt tương tự: tỷ lệ giá trên thu nhập ở mức gần 27, cao hơn cả New York và Tokyo.

Sức ép tài chính do giá cả cao và lương thấp khiến nhiều người Hàn Quốc không muốn có con - một xu hướng đã tăng tốc trong 20 năm qua. Năm 2021, tỷ lệ sinh của nước này là 0,81, thấp nhất trong nhóm OECD, sau Tây Ban Nha (1,19), Ý (1,25) và Nhật Bản (1,30). Sự suy giảm này cùng với tuổi thọ ngày càng tăng có nghĩa là dân số Hàn Quốc đang già đi nhanh hơn so với các nước phát triển khác.

Những thách thức về cơ cấu như thiếu việc làm có chất lượng, chi tiêu quá mức cho giáo dục, giá nhà đất tăng cao và dân số già thường không phải là mục tiêu của các ngân hàng trung ương, mà nhiệm vụ chính của ngân hàng trung ương là tập trung vào mục tiêu lạm phát và việc làm. Nhưng BOK ngày càng đang phải tập trung các nguồn lực của mình vào việc giải quyết những vấn đề này, bao gồm cả việc xác định các phản ứng chính sách tiềm năng và xem xét cách kết hợp chúng vào hoạt động của ngân hàng trung ương.

Vào tháng 10/2024, Ủy ban Chính sách tiền tệ của BOK lần đầu tiên đã cắt giảm lãi suất chuẩn sau hơn 3 năm kể từ khi bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 8/2021, từ 3,5% lên 3,25%. Hội đồng lần đầu tiên xem xét việc cắt giảm lãi suất vào tháng 8, khi lạm phát có dấu hiệu giảm nhẹ rõ ràng và đồng won Hàn Quốc ổn định so với đồng đô la Mỹ. Tuy nhiên, nợ hộ gia đình tăng nhanh và giá nhà đất cao đã làm dấy lên lo ngại về sự ổn định tài chính, khiến quyết định này bị trì hoãn.

Thị trường nhà đất là một vấn đề đặc biệt nhức nhối đối với các nhà hoạch định chính sách tiền tệ. Khoảng 64% tài sản hộ gia đình Hàn Quốc được nắm giữ dưới dạng bất động sản và chỉ 36% là tài sản tài chính, trong khi tỷ lệ này thường ngược lại ở Mỹ và Nhật Bản. Hơn nữa, nhiều người Hàn Quốc thuê bất động sản thông qua một hệ thống gọi là jeonse, theo đó người thuê phải đặt cọc trước một khoản lớn, thường khoảng 50% giá trị tài sản, thay cho tiền thuê hàng tháng. Với số tiền phải bỏ ra nhiều như vậy, người thuê nhà thường dựa vào khoản vay của ngân hàng, khiến họ dễ lâm vào tình cảnh nợ nần liên quan đến nhà ở, trái ngược với các quốc gia như Mỹ, nơi chỉ có chủ nhà mới phải chịu loại rủi ro như vậy. Vì vậy, ở Hàn Quốc, mối tương quan chặt chẽ giữa tính thanh khoản của thị trường tài chính, giá nhà đất tăng và nợ hộ gia đình cao hơn.

Đầu năm 2024, thị trường nhà đất đang nóng lên, đặc biệt là ở các khu dân cư cao cấp ở Seoul. Đồng thời, các chương trình của chính phủ cung cấp trợ cấp và thanh khoản cho thị trường nhằm giúp các gia đình trẻ tìm nhà dễ dàng hơn, bắt đầu thúc đẩy tình trạng giá nhà ở cao lan rộng đến các khu vực khác của Seoul và các khu vực lân cận. BOK đã sớm phát hiện ra những xu hướng này và làm việc với các bộ liên quan để đưa ra các biện pháp an toàn vĩ mô được thực hiện vào tháng 9.

Việc điều chỉnh lãi suất của nước này chỉ được thực hiện sau khi có dấu hiệu cho thấy thị trường nhà đất đã ổn định và tốc độ tăng trưởng dư nợ hộ gia đình chậm lại.

Các biện pháp chủ động của BOK là một thách thức đối với hiện trạng, gây ra sự phản đối từ một số nhà hoạch định chính sách và chuyên gia. Để tăng tính minh bạch và độ tin cậy, BOK đang dành nhiều nguồn lực hơn để thu hút trực tiếp công chúng và những người tham gia thị trường. Việc thiết lập các đường dây liên lạc trực tiếp sẽ tạo dựng niềm tin vào các hành động của BOK, nếu không có điều này BOK sẽ không thể thực hiện được nhiệm vụ của mình một cách hiệu quả.

Khi các quốc gia ngày càng phải vật lộn với chi phí nhà ở tăng cao, tỷ lệ sinh giảm và tăng trưởng tiền lương chậm, nhiều ngân hàng trung ương có thể mở rộng quyền hạn của mình và giải quyết những thách thức cơ cấu mà xã hội phải đối mặt ngày nay. Cách tiếp cận của BOK cho thấy các nhà hoạch định chính sách tiền tệ có thể – và có lẽ nên – đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề sâu sắc hơn này nhằm đảm bảo khả năng phục hồi kinh tế cao hơn.