Xăng dầu hạ nhiệt vẫn chưa vơi nỗi lo lạm phát

Theo nhận định của các chuyên gia, giá xăng dầu "hạ nhiệt" đã vơi bớt nỗi lo tác động tăng giá. Song, để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm nay là 4%, đòi hỏi một sự cố gắng vượt bậc bằng nhiều giải pháp và chính sách cụ thể từ tầm vĩ mô cho đến các doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.

Ngày 18/4, trao đổi với báo chí, ông Võ Thành Hưng, thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đẩy giá cả hàng hóa, trong đó có lương thực, thực phẩm, xăng dầu, nguyên vật liệu tăng đột biến, qua đó gây áp lực lên lạm phát.

Hàng hoá ổn định nhưng vẫn “neo” cao

Số liệu công bố của Tổng cục Hải quan về kim ngạch xuất nhập khẩu, trong tháng 3, lượng nhập khẩu xăng dầu là 1,31 triệu tấn với trị giá 1,36 tỉ USD, cao gấp 3,2 lần lượng dầu xuất khẩu đi và tăng mạnh 75% về lượng nhập và tăng mạnh 114,8% về trị giá so với tháng trước.

la-m-pha-t-jpeg-6885-1650292498.jpg

Theo nhận định của các chuyên gia, giá xăng dầu "hạ nhiệt" đã vơi bớt nỗi lo tác động tăng giá, nhưng áp lực lạm phát vẫn chưa giảm do nhiều mặt hàng nguyên liệu khác vẫn có xu hướng tăng.

Tính trong cả quý I, cả nước nhập khẩu 2,66 triệu tấn xăng dầu các loại, với trị giá 2,45 tỉ USD, tăng 26,8% về lượng và tăng mạnh 128,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Thống kê cũng cho thấy, giá dầu thô nhập khẩu trong tháng 3 đạt 711 USD/tấn, mức cao nhất kể từ đầu năm 2020 đến nay. Hết quý I, giá dầu thô nhập khẩu trung bình đạt 683 USD/tấn, tăng gấp 1,3 lần giá dầu thô năm 2021 và gấp 2,1 lần giá dầu thô năm 2020. Ngược lại, giá dầu thô xuất khẩu trong quý 1 trung bình đạt 757 USD/tấn, tăng gấp 1,3 lần giá xuất khẩu dầu thô năm 2021.

Đặc biệt, trước bối cảnh giá xăng dầu nhập khẩu tăng cao, để giảm bớt áp lực tăng giá trong nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Nhờ đó, giá bán lẻ giảm 2.200 đồng/lít đối với xăng; 1.100 đồng/lít đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn… Sau 3 đợt điều chỉnh giảm liên tiếp, hiện giá xăng E5 RON 92 về mốc 26.470 đồng, xăng RON 95 là 27.310 đồng, đã giúp cho giá cả tiêu dùng không còn tăng nhưng vẫn khá cao so với thời điểm đầu năm nay.

Theo khảo sát tại thị trường Hà Nội, hoạt động mua bán tại các chợ truyền thống dân sinh đã thực sự trở lại bình thường, hàng hóa dồi dào, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm ổn định. Chị Nguyễn Thị Khuyên, một tiểu thương tại chợ Xanh (Linh Đàm) cho biết, do nguồn cung phong phú và do bớt chịu tâm lý tăng giá xăng nên giá thịt lợn, thịt gà từ đầu tháng đến nay ổn định.

Tuy nhiên, theo ghi nhận, dù giá cả nhiều mặt hàng không còn biến động so với thời điểm tháng 3, nhưng vẫn “neo” ở mức cao. Điển hình, tại các siêu thị, giá trứng gia cầm trong chương trình bình ổn bán ra ở mức 29.500 đồng/chục trứng gà, 35.000 đồng/chục trứng vịt. Thịt gà công nghiệp ở mức 60.000 - 90.000 đồng/kg; giá dầu ăn 45.000 - 80.000 đồng/ lít, tăng 10.000 - 15.000 đồng so với năm ngoái.

Tại các chợ dân sinh, giá thịt lợn dao động ở mức từ100.000 đồng/kg – 180.000 đồng/kg, tuỳ từng loại; cá trắm có giá 80.000 đồng/kg; súp lơ có giá 20.000 đồng/cây; cải canh giá 25.000 đồng/kg…

Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đảm bảo cung cầu

Để chỉ tiêu lạm phát trong năm 2022 đạt được mục tiêu đề ra, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chuyên gia Nguyễn Vinh Phú cho rằng, cơ quan quản lý không nên chủ quan, lơ là mà cần phải khắc phục những khó khăn là các yếu tố gây bất lợi lên mặt bằng giá.

Trong kỳ điều chỉnh ngày 21/4 tới, dự kiến giá xăng dầu sẽ tiếp tục giảm. Theo đó, xăng RON 95 có thể giảm 400-600 đồng mỗi lít; xăng E5RON92 giảm 500 – 700 đồng mỗi lít; dầu DO dự kiến giảm hơn 1.000 đồng/lít.

Muốn vậy, cần từng bước chủ động dự trữ năng lượng, tìm kiếm những nguyên vật liệu, phụ liệu ở trong nước cũng như ở các nước khác, tránh phụ thuộc vào một vài quốc gia khi có những biến động làm bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, cần sớm triển khai các gói hỗ trợ nền kinh tế nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Về đề xuất này, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết, Bộ Tài chính sắp trình Chính phủ giãn thu một số loại thuế và tiền thuê đất, ước tính khoảng 135.000 tỉ đồng, trong thời gian từ 3 - 9 tháng. Chính sách này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí vay, coi như đó là khoản hỗ trợ lãi suất 0% của Nhà nước cho người kinh doanh.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết thêm, cùng với các chính sách giảm thuế, phí được áp dụng từ đầu năm như: giảm 2% thuế VAT, giảm phí trước bạ ô tô, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay và xăng dầu… "Tất cả các yếu tố đó cộng hưởng vào làm giảm áp lực chi phí, kéo giá hàng hóa, giúp lạm phát trong quý 1 vừa qua chỉ tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước", ông Hưng nhận định.

Để kiểm soát lạm phát, từ nay đến cuối năm, đại diện Cục Quản lý giá khẳng định, thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đảm bảo cung cầu, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, tác động lớn đến hàng hóa, từ đó có phương án, giải pháp điều hành phù hợp.

Ngoài ra, cơ quan quản lý sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh xăng dầu; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lý.

Đồng thời các bộ phải có các chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển để tăng cung hàng hóa trong nước. Mặt khác, công tác điều hành thị trường phải được làm tốt để vận hành cung cầu thông suốt, không bị tắc nghẽn.

Thanh Hoa

Lượt xem: 122
Tác giả: Hàng hoá ổn định nhưng vẫn “neo” cao
Tin liên quan