Cổ phiếu thủy sản 'dậy sóng' từ triển vọng tăng trưởng lợi nhuận

Nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản đã đặt mục tiêu lãi kỷ lục sau thời gian dài ảm đạm do dịch Covid-19. Các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu thủy sản sẽ là một trong những nhóm có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất năm 2022.

Từ đầu tháng 2 đến nay, cổ phiếu nhóm thủy sản từ tôm đến cá tra đều có sự bứt phá ngoạn mục, bất chấp thị trường chung chịu áp lực điều chỉnh trước hàng loạt thông tin tiêu cực.

Liên tục "ngược dòng"

Cụ thể, từ cuối tháng 1 đến chốt phiên ngày 13/4, cổ phiếu FMC (Thực phẩm Sao Ta) ghi nhận tăng 47% từ 47.200 đồng lên 69.500 đồng/cp. Cùng thời gian, cổ phiếu VHC (Vĩnh Hoàn) tăng 63% từ 60.000 đồng lên 97.900 đồng/cp; cổ phiếu ANV (Nam Việt) tăng gần 50% từ 27.200 đồng lên 40.700 đồng/cp; cổ phiếu IDI (CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I) tăng 154% từ 11.000 đồng lên 27.950 đồng/cp…

Co-phieu-thuy-san-7542-1649838149.jpg

Bất chấp thị trường chung đỏ lửa, cổ phiếu thủy sản liên tục "ngược dòng" nhờ triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp.

Đáng chú ý, trong phiên ngày 28/3, khi thị trường chung chìm trong “sắc đỏ” sau khi có những thông tin tiêu cực liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết, nhóm cổ phiếu thủy sản vẫn ghi nhận đà tăng, thậm chí một số cổ phiếu còn tăng trần.

Điển hình, thị giá cổ phiếu VHC đạt 96.200 đồng/cp, tăng 2,66% so với phiên trước và tăng 23,3% so với đầu tháng 3. Tương tự, cổ phiếu IDI chốt phiên ở mức 27.400 đồng/cp, tăng lần lượt là 6,61% và 66,5%.

Cùng thời điểm, cổ phiếu ACL (Thủy sản Cửu Long An Giang) tăng trần, đóng cửa ở mức 25.150 đồng/cp. Cổ phiếu ANV chốt phiên ở mức 44.800 đồng/cp, tăng 4,19%; MPC (Thủy sản Minh Phú) tăng 6,8%, lên 44.000 đồng/cp.

Hay như trong phiên 12/4, thị trường chung điều chỉnh giảm mạnh với hàng trăm mã giảm sàn từ nhiều nhóm ngành, thì cổ phiếu nhóm thủy sản vẫn giao dịch tích cực với nhiều mã ngược dòng như: CMX (Camimex Group), ACL, IDI tăng trần; VHC tăng 6,9%, MPC tăng 3,2%...

Một số chuyên gia nhận định, diễn biến của cổ phiếu thủy sản phản ánh triển vọng kết quả kinh doanh khả quan kéo dài từ quý cuối năm 2021 đến quý I năm nay. 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản trong tháng 3 ước đạt 900 triệu USD, lũy kế 3 tháng đầu năm ước đạt 2,4 tỷ USD (tăng 38,7%). Đây là mức tăng kỷ lục tính theo 1 tháng và quý của xuất khẩu thủy sản Việt Nam từ trước đến nay.

Trong đó, đóng góp lớn nhất cho sự tăng trưởng mạnh mẽ này là mặt hàng cá tra. Trong 3 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra đang trên đà hồi phục mạnh khi kim ngạch ước đạt 646 triệu USD (tăng 88% so với cùng kỳ năm ngoái). Cá tra cũng đang lấy lại vị thế trong cơ cấu sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu khi chiếm 27% giá trị xuất khẩu toàn ngành.

Đối với nhóm mặt hàng tôm, kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt trên 900 triệu USD (cao hơn 37% so với năm ngoái), chiếm 37% tỷ trọng xuất khẩu thủy sản.

Cũng theo VASEP, nhu cầu các mặt hàng thủy sản ở các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh… hiện đang rất lớn. Hàng loạt nhà hàng, siêu thị... ở các thị trường đang mở cửa trở lại, giúp các doanh nghiệp Việt Nam đầy ắp đơn hàng đến cuối năm.

Nhờ đó, các doanh nghiệp thủy sản cũng đặt mục tiêu lãi kỷ lục. Chẳng hạn, I.D.I đặt kế hoạch lãi 900 tỷ đồng (tăng đến 528% so với năm ngoái), Thủy sản Cửu Long An Giang kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng hơn 318% lên 200 tỷ đồng, hay Thủy sản Mê Kông kỳ vọng chỉ tiêu lợi nhuận tăng hơn 340%.

Các doanh nghiệp lớn khác như Thực phẩm Sao Ta, Vĩnh Hoàn cũng lên kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng hai chữ số.

Kỳ vọng lớn vào thị trường rộng

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 4 vẫn duy trì tăng trưởng 25%, đạt 934 triệu USD. Trong đó, tôm và cá tra tiếp tục là điểm sáng. Giá hai mặt hàng này dự báo tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao trong nửa đầu năm 2022 do tình trạng thiếu nguyên liệu, đặc biệt khi các hiệp định thương mại như EVFTA (Việt Nam - Liên minh châu Âu), UKVFTA (Việt Nam - Vương quốc Anh) ... bắt đầu phát huy tác dụng.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraina tiếp tục leo thang và các nước phương Tây áp dụng nhiều lệnh cấm vận với hàng hóa Nga, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có cơ hội giành thị phần của Nga ở các nước nhập khẩu cá thịt trắng như Mỹ, EU…

Trong báo cáo phân tích ngành thuỷ sản năm 2022, SSI Research nhận định, ngoài thị trường Mỹ, nhu cầu phục hồi tại châu Âu và Trung Quốc sẽ mạnh hơn do 2 năm liên tiếp ở mức thấp, nhờ tác động của Hiệp định EVFTA và nới lỏng hạn chế thủy sản tại các cảng của Trung Quốc. Do đó, SSI kỳ vọng giá bán bình quân sẽ tiếp tục xu hướng tăng khi nhu cầu phục hồi.

Tương tự, Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, Việt Nam là nước xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới, là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của cá Minh Thái từ Nga. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra và các thủy sản thay thế sẽ được hưởng lợi trực tiếp.

“Xuất khẩu thủy sản và xuất khẩu lương thực vẫn là hai nhóm có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất trong năm 2022”, Mirae Asset nhận định.

Măc dù ngành thủy sản có tiềm năng phát triển tốt vì thị trường rộng lớn, song một số chuyên gia lưu ý, các công ty lại phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu. Do đó, nếu công ty nào tổ chức tốt việc nuôi trồng, thu mua nguyên liệu để đảm bảo đầu vào đáp ứng được các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm thì công ty đó sẽ phát triển tốt.

“Nhà đầu tư nên lựa chọn những công ty có tốc độ tăng trưởng tốt hơn là chỉ nhìn riêng biệt vào một chỉ số tài chính nào như chỉ số P/E hiện tại hay trong quá khứ. Bởi, chỉ số P/E luôn thay đổi theo thị giá giao dịch của từng thời điểm khác nhau, cũng như EPS sẽ khác đi”, một chuyên gia khuyến nghị.

Hải Giang

Lượt xem: 189
Tác giả: Hải Giang
Tin liên quan