Giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao, người chăn nuôi vẫn mạnh dạn tái đàn

Ước tính tổng đàn lợn tăng khoảng 4,2% so với quý I/2021; đàn gia cầm của cả nước tăng khoảng 2,4%... Điều này cho thấy người chăn nuôi vẫn đang đẩy mạnh tái đàn, dù giá thức ăn chăn nuôi có xu hướng tăng cao.

Theo bản tin thị trường nông lâm thủy sản của Bộ Công Thương, từ đầu tháng 4/2022 đến nay, giá lợn hơi tại thị trường trong nước có xu hướng giảm do nhu cầu vẫn chậm, trong khi đàn lợn tiếp tục phục hồi.

Anh-chup-Man-hinh-2022-04-15-l-7512-9805

Nguồn: Trung tâm Công nghiệp và Thương mại tổng hợp.

Theo đó, giá lợn hơi trên toàn quốc dao động trung bình trong khoảng 52.000 - 56.000 đồng/kg, giảm 1.000 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 3/2022.

Trong quý I/2022, sản xuất chăn nuôi cả nước vẫn gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, giá nguyên vật liệu đầu vào ở mức cao, giá thức ăn chăn nuôi biến động mạnh, thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài ở các tỉnh phía Bắc đã ảnh hưởng đến sự phát triển của vật nuôi, thêm vào đó là giá xăng dầu tăng cao đã gây áp lực đến các hoạt động sản xuất chăn nuôi cả nước.

Tuy nhiên, trong quý I/2022, đàn lợn tiếp tục hồi phục, dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát và đàn gia cầm cả nước phát triển ổn định.

Ước tính tổng đàn lợn tăng khoảng 4,2% so với quý I/2021; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I/2022 ước đạt 1.041,6 nghìn tấn, tăng 4,3% so với quý I/2021, đạt 24% kế hoạch năm 2022; đàn gia cầm của cả nước tăng khoảng 2,4%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng quý I/2022 ước đạt 507,3 nghìn tấn, tăng 5,3% so với quý I/2021 và đạt 25% kế hoạch cả năm 2022.

Theo Bộ Công Thương, hiện xung đột giữa Nga - Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt, khiến giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao, trong khi nguy cơ tái phát dịch tả lợn châu Phi rất lớn, dịch cúm gia cầm vẫn xảy ra rải rác tại một số địa phương... sẽ có tác động đến hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm trong nước.

Trước đó mặc dù Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã bày tỏ mong muốn trong bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi không vội tăng giá, nhưng kể từ ngày 1/4, nhiều doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi lớn như CJ Vina Agri, Greenfeed, MNS Feed đã điều chỉnh tăng giá. Tính từ cuối năm 2020 đến nay, đây là lần tăng giá thứ 11. 

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm cũng đang tác động tới kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm thịt trong những tháng đầu năm nay. Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 87,81 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 197,04 triệu USD, giảm 7,9% về lượng, nhưng tăng 0,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 39 thị trường trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam. 2 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ Ấn Độ đạt 25,68 nghìn tấn, trị giá 77,96 triệu USD, tăng 9,1% về lượng và tăng 2,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; chiếm 29,2% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2022.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là các chủng loại như: Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05, tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt trâu tươi đông lạnh; thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh... Trong đó, nhập khẩu thịt gia cầm và thịt lợn tiếp tục xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 15,4 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 33,08 triệu USD, giảm 18% về lượng và giảm 26,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; giá nhập khẩu trung bình đạt 2.149 USD/tấn, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được nhập khẩu từ 22 thị trường, trong đó chủ yếu được nhập khẩu từ Brazil chiếm 40,3%; Nga chiếm 19,2% và Canada chiếm 15,3%...

Thy Lê 

Lượt xem: 142
Tác giả: Thy Lê 
Tin liên quan