Anh hùng Lao động Thái Hương: “10 năm nữa, Việt Nam sẽ chiếm vị thế tốp đầu thế giới về thảo dược”

“Đi sau, đi hơi muộn nhưng không thể về sau, đó là quan điểm của tôi. Trong vòng 10 năm nữa, TH sẽ chiếm vị trí tốp đầu trong bảng danh dự về thảo dược của thế giới. Trong đó, 5 năm đầu tôi đặt mục tiêu thế giới sẽ phải biết đến những sản phẩm tốt nhất về thảo dược của Việt Nam được kết hợp trong sữa, trong nước uống”, bà Thái Hương - Anh hùng Lao động, nhà sáng lập và Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH khẳng định.

Tính cách mạng là đặc điểm dễ nhận thấy, rất “đậm đặc” trong tinh thần làm việc, phụng sự và các quyết định của doanh nhân Thái Hương - người vừa được vinh danh Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Bất cứ lĩnh vực nào bà tham gia, bất cứ vùngđất nào bà dẫn dắt TH đặt chân tới, đất đều “nở hoa” dưới bàn tay kiến tạo của vị “kiến trúc sư trưởng” tài ba của TH. Không chỉ thành công đột phá trong sản xuất sữa tươi với trang trại bò sữa tập trung công nghệ cao lớn nhất Châu Á (xác lập kỷ lục năm 2015), người ta cũng biết nhiều đến việc bà xây dựng hệ thống trường học, bệnh viện quốc tế 5 sao. Song không nhiều người biết rằng, bà và TH còn có những bước đi vững chắc suốt gần 10 năm qua trong lĩnh vực thảo dược, với cuộc cách mạng kinh tế xanh - trồng thảo dược dưới tán rừng.

Từ “Người đàn bà sữa”…

Bước vào ngành sữa với những mục tiêu quyết liệt vì tầm vóc và giống nòi Việt, với trái tim ấm nóng của một người mẹ đầy bản năng yêu thương và vô cùng bản lĩnh, bà Thái Hương đã tạo nên cuộc cách mạng trên thị trường sữa Việt Nam. Các chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn của sản phẩm sữa tươi được thay đổi, người tiêu dùng được hưởng lợi từ sự phân định rõ ràng khái niệm sữa tươi với sữa bột pha lại, sữa hoàn nguyên, giảm một cách ấn tượng tỷ lệ sữa dạng lỏng pha lại từ sữa bột.

Bà Thái Hương - Anh hùng Lao động, nhà sáng lập và Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH
Bà Thái Hương - Anh hùng Lao động, nhà sáng lập và Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH

Bà Thái Hương đã được tạp chí Forbes bình chọn Top 50 nữ doanh nhân quyền lực Châu Á, mệnh danh “người đàn bà sữa” - một doanh nhân có tầm ảnh hưởng quốc gia và châu lục, với sự nhân văn và tâm hồn của một người mẹ khát khao phụng sự cộng đồng. Sau 10 năm từ khi bà Thái Hương bước chân vào ngành sữa và thực phẩm sạch, y tế, giáo dục… đất nước Việt Nam gọi tên thêm một Anh hùng Lao động Thái Hương. Đó là danh hiệu xứng đáng, ghi nhận sự đóng góp miệt mài và phẩm chất anh hùng của người phụ nữ Việt kiên định, mạnh mẽ trên con đường làm những sản phẩm nhân văn, vì sức khỏe cộng đồng, vì tương lai tầm vóc, giống nòi dân tộc.

“Thái Hương không những thành công ở thị trường trong nước mà còn đầu tư thành công ra thế giới, tôi đánh giá chị thực sự là một người anh hùng”, TS Đặng Kim Sơn - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định: “Khía cạnh anh hùng thứ hai rất đáng nể phục của Thái Hương là về khoa học công nghệ. Từ chỗ đi tìm, mua và sử dụng công nghệ hiện đại nhất trên thế giới, chị đã “Việt hóa” những công nghệ này rất hiệu quả. Người anh hùng này còn có cả trái tim nhiệt huyết, cháy bỏng quyết tâm để người Việt được có nguồn sữa sạch, nông dân có việc làm, ngành Nông nghiệp làm chủ được công nghệ. Sau đó, chị Thái Hương quyết tâm đem sữa vào học đường để học sinh ở các địa phương xa xôi được uống sữa. Tôi nghĩ, con người ấy có trái tim cực kỳ ấm áp. Người này là một anh hùng đẹp”.

Bên cạnh sữa, dấu ấn tiên phong của Anh hùng Lao động - doanh nhân Thái Hương còn thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác. Đó là việc xây dựng hệ thống trường học TH School tiêu chuẩn quốc tế, là tổ hợp y tế công nghệ cao tiêu chuẩn 5 sao. Đó là con đường đồ uống tốt cho sức khỏe và một hệ sinh thái các sản phẩm thực phẩm sạch, hữu cơ - mọi thứ mà một người nội trợ tử tế cần đến trong bếp ăn nhà mình. Đặc biệt, đó còn là con đường thảo dược mà bà Thái Hương cùng TH đã kiến tạo và đặt nền móng vững chắc suốt 10 năm qua thông qua chiến lược bền vững “làm kinh tế dưới tán rừng”.

… đến người dẫn dắt cuộc cách mạng kinh tế dưới tán rừng

Việt Nam là một trong 15 nước trên thế giới nằm trong bản đồ dược liệu từ xa xưa, tiềm năng vô cùng phong phú. Tuy nhiên, người Việt chưa biết khai thác, tận dụng kho tàng vô giá này. Chúng ta chủ yếu dừng lại ở xuất khẩu dược liệu, thảo dược dưới dạng thô, giá trị thấp, cách khai thác không bền vững có thể dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nhiều loài quý hiếm.

Một góc trang trại thảo dược do TH trồng tại Yên Thành, Nghệ An
Một góc trang trại thảo dược do TH trồng tại Yên Thành, Nghệ An

Nhìn thấu thực trạng này, trước khi ra đời thương hiệu sữa TH True MILK, bà Thái Hương đã tạo dựng con đường phát triển về thực phẩm sạch. Trong đó, ngoài sữa, gạo, rau còn có thảo dược.

Với sự dẫn dắt của bà Thái Hương, TH đã thực hiện chiến lược kinh tế xanh - kinh tế thảo dược dưới tán rừng một cách bài bản, bền vững.

Trước hết, TH kết hợp với các chuyên gia Đông y và nhà khoa học trong cả nước để lập một bản đồ về thảo dược trên toàn Việt Nam, từ đó thành lập Viện Dược liệu TH nhằm nghiên cứu cách bảo tồn cũng như cách phát huy giá trị thảo dược trong 2 mục tiêu lớn. Một là nâng cao thể trạng cho người Việt, phòng ngừa các bệnh mãn tính không lây; Hai là thảo dược trong y tế dự phòng.

Như nhà sáng lập TH đã chia sẻ: “Tôi đi theo hướng hữu cơ (organic) và phát triển theo hướng không di thực - vùng nào xa xưa đã có các loài thảo dược nào thì bây giờ tôi phát triển nó lên trở thành hàng hóa và xây dựng những nhóm dược liệu có giá trị đặc hữu như các loại sâm, gấc của mình. Khi trở thành đặc hữu rồi thì tôi làm thương hiệu để tất cả người Việt Nam biết đến và hưởng thụ, tiếp đó sẽ đưa ra thế giới”.

Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ, Sơn La, vừa hoạt động từ tháng 9/2020
Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ, Sơn La, vừa hoạt động từ tháng 9/2020

Nhiều năm nay, TH đã phát triển được một vùng dược liệu tại Nghệ An quy mô tới 250 ha. Dưới tán, quanh bìa rừng tại xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn và huyện Yên Thành, Nghệ An là những vùng chuyên canh gấc, lạc tiên, rau má, sâm bạch quả, lan thạch hộc, hà thủ ô đỏ và nhiều loại dược liệu quý hiếm tưởng chừng sắp tuyệt chủng như: Tam thất Bắc, đương quy, đẳng quy, ngũ gia bì, cây bảy lá một hoa…

Để Việt Nam có thể đứng vào tốp đầu các quốc gia trồng, chế biến và xuất khẩu thảo dược và các sản phẩm từ thảo dược, theo bà Thái Hương, một mình TH không thể làm nên bức tranh của thảo dược Việt Nam.

“Tôi đang xây dựng một chiến lược trình Chính phủ, theo đó tại các bìa rừng cho trồng theo diện tích lớn các loại thảo dược đặc hữu để làm hàng hóa ra thế giới. Cần xây dựng mô hình điểm, với các doanh nghiệp đã thực hiện thành công rồi thì các bộ, ban, ngành cần khích lệ họ và đưa ra một chính sách thỏa đáng hơn nhằm lôi kéo thêm nhiều doanh nhân, doanh nghiệp khác vào cuộc. Được như vậy, tôi tin chắc thảo dược Việt Nam sẽ cất cánh ra thế giới và Việt Nam trở thành những điểm du lịch trang trại, thảo dược, vùng dược liệu đặc hữu”, Anh hùng Lao động Thái Hương bày tỏ niềm tin mãnh liệt.

 

Lượt xem: 627
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật