Có "chân ái" mới, Bầu Đức không còn mất ngủ với "heo ăn chuối"
(VNF) - Từng vui mừng đến mất ngủ khi phát hiện ra "heo ăn chuối", từng khẳng định "cây chuối và con heo" đã giúp Hoàng Anh Gia Lai thoát chết nhưng giờ đây Bầu Đức đang say niềm vui với chân ái mới mà theo ông là '1 vốn 4 lời'.
Bầu Đức vui đến mất ngủ với "heo ăn chuối"
Thách thức của ngành chăn nuôi heo khiến không chỉ các hộ chăn nuôi mà ngay cả nhiều công ty lớn cũng lao đao.
CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (BAF) - công ty sở hữu chuỗi heo ăn chay - vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với kết quả không mấy tươi sáng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của BAF lỗ kỷ lục 29,46 tỷ đồng, so với cùng kỳ lãi 6,55 tỷ đồng. Đây là lần thua lỗ đầu tiên của BAF trong 3 năm gần nhất.
Heo ăn chay của BAF là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với heo ăn chuối của CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT).
Trong khi chuỗi heo ăn chay trải qua khó khăn của thị trường chung thì chuỗi heo ăn chuối của bầu Đức cũng có diễn biến mới. HAGL muốn bán toàn bộ 34% cổ phần tại doanh nghiệp sở hữu chuỗi heo ăn chuối.
Thông tin này khiến nhiều người bất ngờ vì sản phẩm "heo ăn chuối" là tâm huyết của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức.
Bầu Đức từng vui mừng biết bao khi tìm thấy con heo ăn chuối, vực dậy doanh nghiệp từ bán thịt heo. Ông từng khẳng định chắc chắn bước ngoặt của mình với việc mở rộng 200 cửa hàng phân phối thịt heo chỉ trong vòng 1 năm.
Phát biểu tại lễ ra mắt chuỗi cửa hàng bán thịt "heo ăn chuối”- Bapi Food tại TP.HCM vào ngày 16/9/2022, bầu Đức từng cho biết "cây chuối và con heo" đã giúp tập đoàn bước sang trang mới tươi sáng hơn, hứa hẹn nhiều bứt phá.
Bầu Đức tâm sự, ông đã mất ngủ, vì vui mừng khi có được công thức thức ăn từ chuối giúp heo mau lớn, giá thành thấp.
"Lúc mới phát hiện con heo ăn chuối, tôi đã không ngủ được", bầu Đức chia sẻ.
Sau nhiều năm vật lộn và gồng gánh khối nợ khổng lồ ngày một phình ra vì quá hạn, bầu Đức tuyên bố đã tìm được lối ra trong kinh doanh bằng mô hình trồng chuối, nuôi heo.
Theo bầu Đức, HAGL đã thành công với bài toán “heo ăn chuối” khi đưa bột chuối vào chiếm 40% tỷ trọng thức ăn của heo, vừa giúp tăng chất dinh dưỡng đàn heo vừa hạ được chi phí chăn nuôi. Điều này đã giúp HAGL có lãi nhẹ vào năm 2021 và góp phần vào việc tìm lại lợi nhuận nghìn tỷ trong năm 2022 của doanh nghiệp.
Bầu Đức cho biết, lợi thế của HAGL là có quỹ đất rộng, sản phẩm chuối và thịt heo là 2 loại thực phẩm cơ bản và thiết yếu đối với cuộc sống, thị trường tiêu thụ rộng lớn.
Theo bầu Đức, mỗi năm HAGL xuất bán hàng trăm ngàn tấn chuối đạt chuẩn, trong đó lượng chuối thải loại được tận dụng cho chăn nuôi heo, gà sạch. Đây là lợi thế lớn giúp ngành chăn nuôi của đơn vị sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.
"Với sản phẩm chủ lực, năm nay, HAGL dự kiến lời hơn 1.000 tỷ đồng, có thể đạt 1.300 tỷ đồng và tiếp tục tăng trưởng trong năm 2023. Sau nhiều năm, tôi có thể nói Hoàng Anh Gia Lai đã thoát chết!”, bầu Đức chia sẻ tại buổi lễ ra mắt.
Theo bầu Đức, nếu mở ra chuỗi cửa hàng Bapi và hoàn thành kế hoạch 1 triệu con heo, mở rộng diện tích trồng chuối, đồng thời phát triển đàn gà nuôi thả trong vườn chuối, đưa ra 20 triệu con gà trong năm 2023 thì doanh thu và lợi nhuận sẽ gia tăng.
Bầu Đức đã "thổi hồn" vào thịt heo Bapi câu chuyện heo ăn chuối, thịt heo sạch, tạo ra sự tò mò với người tiêu dùng về sản phẩm heo ăn chuối. Chiến lược marketing đã đem lại cho thương hiệu này tiếng vang lớn.
Tham vọng của bầu Đức và Bapi là muốn phủ "từ trang trại đến bàn ăn, có đủ thứ người tiêu dùng cần tù thịt, rau, tỏi, ớt...". Chủ tịch HAGL từng chia sẻ, Bapi sẽ không chỉ bán thịt heo ăn chuối mà còn gà đi bộ, thịt bò Lào và rau củ quả do chính HAGL trồng.
Sầu riêng: 1 đồng vốn thu về 4 đồng lời
Bapi HAGL được thành lập vào ngày 26/5/2022 với vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng. Đây là liên doanh giữa HAGL và Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Đông Á. Trong đó, HAGL góp 27,5 tỷ đồng để chiếm 55% vốn điều lệ tại công ty con.
Đầu năm 2023, HAGL tuyên bố chuyển nhượng bớt cổ phần của Bapi. Theo đó, bầu Đức cho biết mời thêm ông Đỗ Xuân Diện tham gia nắm 35% vốn tại Bapi và khẳng định: "Chuyển nhượng cửa hàng heo ăn chuối là kêu thêm đối tác chứ không phải lỗ".
Bầu Đức chia sẻ ông không bán đứt Bapi như dư luận xôn xao mà muốn phát triển mạnh Bapi nhưng làm không xuể nên gọi thêm vốn để phát triển.
Tỷ lệ sở hữu của HAGL đã thu hẹp xuống 44,5% tính đến cuối quý II/2023, sau khi công ty thực hiện phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn lên 100 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa Bapi HAGL đã trở thành công ty liên kết của HAGL.
Với ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn thực phẩm, Bapi HAGL chuyên phân phối sản phẩm thịt heo ăn chuối với thương hiệu cùng tên.
Năm 2022, Bapi ồ ạt tấn công thị trường với gần 200 cửa hàng và ra mắt thêm kênh phân phối online.
Nhưng sau hơn một năm kinh doanh, tại hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư vào cuối tháng 8/2023, ban lãnh đạo HAGL cho biết đã phải thu hẹp quy mô từ gần 200 cửa hàng bán heo ăn chuối xuống còn 52 cửa hàng để giảm lỗ. Lãnh đạo HAGL thẳng thắn thừa nhận năm 2022 hệ thống phân phối Bapi của HAGL không đủ sức cạnh tranh, trong khi thực tế rất khốc liệt.
Bầu Đức khẳng định nuôi heo không lỗ, chỉ có Bapi lỗ nhưng lỗ không đáng kể. Nguyên nhân chủ yếu do khâu phân phối chưa đạt, người điều hành phân phối chưa ổn chứ không phải chất lượng kém. Ông cho rằng HAGL có hàng lạ nhưng phân phối chưa hiệu quả.
Đến cuối tháng 12/2023, HAGL công bố nghị quyết hội đồng quản trị về việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần sở hữu tại Bapi HAGL. Sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng toàn bộ 2,75 triệu cổ phần, Bapi HAGL sẽ không còn là công ty liên kết của HAGL; kết thúc hành trình gần 2 năm gắn bó.
Dù không nói rõ lý do nhưng có thể thấy HAGL “chia tay” heo Bapi trong bối cảnh công ty đang tích cực bán tài sản để trả nợ, đồng thời giá thịt heo hơi liên tục xuống thấp.
Trong hành trình kinh doanh của bầu Đức, không ít lần vị đại gia này tuyên bố gắn bó với một cây, con nào đó. Tuy nhiên, sau đó cũng là vô số lần “chia tay" sau khi thay đổi chiến lược với nông nghiệp.
Năm 2014, bầu Đức từng tuyên bố “Bán nhà cũng phải trồng cao su”. Đến lúc giá cao su liên tục lao dốc, HAGL bắt đầu xoay chuyển sang nuôi bò. Vai trò của đàn bò lớn đến mức khiến bầu Đức bày tỏ thẳng thắn vào năm 2016: “Không có bò thì chúng tôi cũng… bò luôn”.
Song khi biên lợi nhuận nuôi bò giảm nhanh, đàn bò của HAGL cũng giảm dần về số lượng nhường chỗ cho trái cây và vật nuôi ngắn ngày là chuối và heo.
Tại thời điểm năm 2022, nói về trồng chuối, bầu Đức tự tin: “Tôi đứng thứ hai thì không ai đứng thứ nhất”.
Đến giữa năm 2023, khi tìm thấy chân ái mới với cây sầu riêng, bầu Đức khẳng định “giá trị lớn nhất trong tương lai của HAGL là sầu riêng” với hiệu quả 1 đồng vốn thu về 4 đồng lời.
Nhìn chung, sự gắn bó với sản phẩm không quan trọng bằng hiệu quả đầu tư của từng loại hình kinh doanh. Có thể thấy, nhờ nông nghiệp mà HAGL đã thay da đổi thịt trong những năm gần đây.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, doanh nghiệp của bầu Đức ghi nhận lợi nhuận cao nhất trong 12 năm qua nhờ được miễn giảm lãi, bán tài sản và thu nhập tăng vọt từ mảng cây ăn trái - một lĩnh vực được ông chủ HAGL đánh cược trong giai đoạn tới.