Rộng cửa cho thoái vốn của doanh nghiệp Nhà nước

NHNN vừa đưa ra dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 32/2013 hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.

Lý giải sự cần thiết sửa đổi Thông tư 32, cơ quan soạn thảo Dự thảo chia sẻ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về việc đặt cọc, ký quỹ bằng ngoại tệ của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) khi đấu giá cổ phần, NHNN đã rà soát quy định về quản lý ngoại hối hiện hành và nhận thấy hiện đang có vướng mắc của NĐTNN liên quan đến Thông tư 32/2013/TT-NHNN.

Đơn cử, Thông tư 32 chưa có quy định về việc NĐTNN là người không cư trú được đặt cọc, ký quỹ bằng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam để tham gia đấu giá mua cổ phần các DNNN khi cổ phần hóa và khi thoái vốn. NĐTNN muốn thực hiện phải được Thống đốc NHNN xem xét, chấp thuận.

Để tháo gỡ vướng mắc, Dự thảo đã bổ sung quy định cho phép người không cư trú là NĐTNN được đặt cọc, ký quỹ bằng ngoại tệ khi tham gia đấu giá mua cổ phần tại DNNN khi cổ phần hoá và DNNN thoái vốn đầu tư tại DN khác. Trường hợp đấu giá không thành công thì NĐTNN được chuyển ra nước ngoài số tiền đặt cọc, ký quỹ bằng ngoại tệ sau khi đã trừ đi các chi phí phát sinh liên quan. Còn trường hợp trúng đấu giá, NĐTNN thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định tại Pháp lệnh Ngoại hối và các văn bản hướng dẫn của NHNN để thanh toán giá trị mua cổ phần.

Quy định nêu trên cho phép NĐTNN rút ngắn thời gian và tạo thuận lợi khi tham gia đấu giá, mua cổ phần của DNNN khi cổ phần hóa và khi thoái vốn tại các DN trong nền kinh tế. NĐTNN sẽ không phải thực hiện thủ tục đề nghị chấp thuận của Thống đốc NHNN cho sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư 16/2015/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 32/2013/TT-NHNN như đối với trường hợp trước đây.

Việc sửa đổi này được đánh giá sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho NĐTNN khi tham gia đấu giá các DNNN cổ phần hóa, thoái vốn, góp phần thực hiện kế hoạch sắp xếp cổ phần hóa DNNN theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Trước đó, NHNN cũng đã có ban hành Thông tư hướng dẫn việc xác định vốn nhà nước tại các DN cổ phần hóa là TCTD nhằm tạo điều kiện thủ tục thuận lợi nhất để TCTD nhà nước cổ phần hoá thành công. Agribank là một trong số các DNNN nằm trong danh sách thoái vốn Nhà nước giai đoạn 2016-2020. Hiện tại, Agribank đang là NHTM Nhà nước duy nhất chưa thực hiện cổ phần hoá. Khi thực hiện cổ phần hóa, cũng như 3 ngân hàng BIDV, Vietcombank, VietinBank, Nhà nước chỉ còn nắm giữ 65% vốn điều lệ của Agribank.

Lãnh đạo Agribank cho biết, trong hai năm trở lại đây ngân hàng này đã và đang chuẩn bị các công việc cần thiết để chuẩn bị thực hiện cổ phần hoá. Do Agribank là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất, riêng đất đai thuộc quyền quản lý sử dụng của Agribank đã tới gần 3 triệu m2, nguồn gốc hình thành đa dạng nhất. Số lượng khách hàng của Agribank cũng đông nhất với hàng chục triệu khách hàng có quan hệ giao dịch tiền gửi, tiền vay, dẫn tới các khoản phải thu, phải trả cũng nhiều nhất.

Chính vì vậy việc xác định giá của Agribank cũng sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian nhất. Trong khi việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài  trong bối cảnh, điều kiện thị trường như hiện nay cũng không dễ dàng gì. Do vậy, quy định mới về sử dụng ngoại hối trên cũng sẽ là cú hích để NĐTNN mặn mà hơn tham gia đấu giá cổ phần hóa DNNN trong đó có Agribank.

Tại Hội nghị triển khai Nghị định 116 mới đây, Phó Tổng giám đốc Agribank bày tỏ mong muốn được tăng vốn, đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa để Agribank có thể nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn cho ngân hàng này.

Trong khi các ngân hàng khác có thể huy động vốn từ thị trường, thì Agribank hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách vì là ngân hàng 100% vốn nhà nước. Ngân sách thường xuyên trong tình trạng bội chi, nên cũng dễ hiểu tại sao ngân hàng khó được cấp tăng vốn. Cũng chính bởi vốn chủ sở hữu tăng rất chậm, trong khi nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng nhanh, hệ số an toàn vốn (CAR) của Agribank đang mấp mé rủi ro. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của Agribank cũng như sự tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này.

Do vậy, Agribank đang rất cần được tăng vốn cũng như đẩy nhanh cổ phần hóa giúp ngân hàng này không chỉ nhanh chóng tăng vốn, cải thiện hệ số CAR mà còn mở rộng cho vay, nhất là cung ứng đủ vốn cho khu vực nông nghiệp nông thôn, lấy dần lại phong độ.

Đối với vấn đề tăng vốn, không chỉ riêng Agribank mà là áp lực của toàn hệ thống. Một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia khẳng định: “Năm 2019 sẽ là năm mà áp lực tăng vốn diễn ra “khủng khiếp” nhất với các ngân hàng. Vì chỉ tăng vốn, ngân hàng mới được tăng tín dụng, mới có lợi nhuận xa hơn là đáp ứng được chuẩn Basel II”.

Lượt xem: 1.251
Tác giả: Nguyễn Vũ
Nguồn:thoibaonganhang.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan