Ngân hàng sợ bị 'dồn toa' khó khăn của nền kinh tế

Trước khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế, hiện nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và hệ thống các ngân hàng thương mại đang chịu áp lực lớn về nợ xấu, giảm lãi suất và tăng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều biến số khó lường, các ngân hàng lo lắng từ nay tới cuối năm sẽ còn tiếp tục đối mặt với khó khăn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng nói rằng, việc điều hành của NHNN dựa trên thực tế nền kinh tế, có ý kiến cho rằng NHNN điều hành chính sách tiền tệ giật cục, nhưng nếu không giật cục thì làm gì có tăng trưởng tín dụng, hay sẽ thêm nợ xấu và có thêm một vài vụ đổ vỡ như SCB?

Lo lãi suất, ám ảnh nợ xấu

Chia sẻ từ góc độ quản lý nhà nước, bà Dương Thị Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, trước khó khăn của nền kinh tế, thời gian qua, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn dễ dàng hơn. 

Đánh giá cao việc điều hành lãi suất, chính sách tiền tệ của NHNN, điển hình như việc giảm lãi suất hay Thông tư 02/2023 giúp cơ cấu lại nhóm nợ, song ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết: Từ cuối quý 3/2022 đơn hàng giảm 15%, đơn giá giảm 20-30%, thậm chí 40-50%. Đó là những điều trước đây chưa từng xảy ra. “Tình hình này còn kéo dài, trước đó dự báo lạc quan hơn là quý II thị trường sẽ tốt hơn, nhưng giờ phải quý III, IV thị trường mới ấm trở lại”, ông dự báo.

-9096-1683710280.jpg

Hệ thống các ngân hàng thương mại đang chịu áp lực lớn về tăng cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Trong khi đó, nhu cầu vốn để chuyển đổi ngành dệt may rất lớn, khoảng 500.000-600.000 tỉ đồng. Vì vậy, ông Cẩm mong muốn ngành ngân hàng sớm thực hiện cơ cấu lại nợ giữa các ngành kinh tế, trong bối cảnh nhu cầu vốn rất lớn.

Trước khó khăn của doanh nghiệp, ông Lê Thanh Tùng, thành viên HĐQT VietinBank cho rằng doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, thiếu vắng đơn hàng, thu nhập người dân sụt giảm… đang tác động trực tiếp đến sức khỏe các ngân hàng, bởi ngân hàng là “hàn thử biểu” của nền kinh tế, doanh nghiệp khó khăn thì ngân hàng không thể khỏe được.

“Khi doanh nghiệp khó khăn, các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, thoái lãi dự thu. Chưa kể, nền kinh tế khó khăn cũng khiến các rủi ro khác gia tăng với lĩnh vực ngân hàng như: rủi ro an ninh các phòng giao dịch, rủi ro gian lận nội bộ, tấn công mạng… Báo cáo tài chính quý I/2023 của 27 ngân hàng niêm yết cho thấy, lợi nhuận quý I/2023 giảm 4,4%“, ông Tùng cho biết.

Trong khi đó, đại diện ACB lo lắng: Khó khăn là phải điều chỉnh tăng trưởng gắn với kiểm soát nợ xấu. “Với thông tư 02, một phần rủi ro đang chuyển từ doanh nghiệp sang ngân hàng, bản thân ngân hàng cũng hoạt động như một doanh nghiệp trong một hoạt động kinh doanh đặc biệt. Chúng tôi sẽ áp dụng một cách thận trọng, vừa bảo đảm nền tảng tài chính, vừa bảo đảm hỗ trợ khách hàng dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ”, đại diện ACB nói.

Chia sẻ với thế khó của ngân hàng cũng như doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, hiện nay NHNN như 'đang đi trên dây', vừa điều hành vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ doanh nghiệp.

“Nếu ngày hôm nay doanh nghiệp dồn hết khó khăn vào ngân hàng, thời gian tới ngân hàng khó khăn thì doanh nghiệp cũng gặp khó”, ông Hùng cảnh báo.

Mặc dù Thông tư 02/2023 về giãn hoãn nợ là tin vui với cả ngân hàng và doanh nghiệp, song ông Hùng cảnh báo, nếu không cẩn thận thì khó khăn của nền kinh tế sẽ dồn hết vào ngân hàng thương mại.   

Làm sao để chính sách tín dụng phát huy hiệu quả?

Theo ông Bùi Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc OCB: Bản thân ngân hàng cũng có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như gói hỗ trợ DNNVV, hỗ trợ bán lẻ với lãi suất cố định trong ngắn – dài hạn phụ thuộc vào từng đối tượng khách hàng. Đó là nỗ lực của ngân hàng, các NHTM cũng sẽ có chính sách tương tự, nhưng chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho khách hàng, nhất là cách ngành xây lắp, du lịch, logistics. 

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngân hàng không thể hỗ trợ giảm lãi suất mãi được. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, pháp lý không tháo gỡ thì doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn, ngân hàng khó cho vay, dòng tiền không luân chuyển được thì nền kinh tế khó phát triển. Đồng thời, trong bối cảnh này đòi hỏi phải phát triển lành mạnh, bền vững thị trường vốn, trong đó có thị trường trái phiếu và chứng khoán.

Ông Nguyễn Đức Thái Hân, Phó tổng giám đốc ACB kiến nghị chuyển 40.000 tỉ đồng thuộc chính sách hỗ trợ lãi suất 2% sang chính sách tài khoá để tăng tỷ lệ giải ngân hỗ trợ doanh nghiệp. 

Bà Hà Thị Kim Nga, chuyên gia cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, thời gian tới, chính sách tiền tệ vẫn phải rất thận trọng để giảm các rủi ro, áp lực từ lạm phát, tỷ giá, lãi suất.

“Hiện Việt Nam vẫn còn dư địa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nên phải thúc đẩy giải ngân đầu tư công để đưa dòng tiền mới vào nền kinh tế, từ đó lan toả và tạo tác động tích cực”, bà Nga khuyến nghị.

NHNN cho biết, thời gian tới sẽ điều hành chính sách tiền tệ hài hoà các mục tiêu, vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, sẽ phối hợp thực hiện các giải pháp để các thị trường khác như TPDN, vốn, bất động sản phát triển lành mạnh, cùng ngành ngân hàng xây dựng nền kinh tế ngày càng phát triển.  

Huyền Anh

Lượt xem: 2
Nguồn:vnbusiness.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan