Ngân hàng giảm nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp nhưng rủi ro vẫn chực chờ

Việc các ngân hàng đầu tư cả tỷ USD vào trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp khó, cùng với sự khủng hoảng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã gây lo lắng, bất an cho cổ đông các ngân hàng.

Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của ngân hàng, bởi đây chính là 'lãnh địa' vốn đang gây nhiều sóng gió trên thị trường.

Ngân hàng nào “ôm” trái phiếu lớn nhất?

Tính đến hết quý I/2023, số lượng ngân hàng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) giảm so với cuối năm 2022. Đáng lưu ý, mặc dù hầu hết các ngân hàng đã giảm số lượng trái phiếu nắm giữ so với năm 2022, nhưng giá trị TPDN vẫn còn tương đối cao. Một số ngân hàng ôm TPDN nhiều gồm MB, Techcombank, VPBank, TPBank, SHB.

Trong đó, MB liên tục đứng đầu hệ thống với hơn 42.341 tỷ đồng TPDN, giảm 1.237 tỷ đồng so với cuối năm ngoái. Ngoài ra, MB còn có hơn 3.100 tỷ đồng chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành (đến ngày đáo hạn) có kỳ hạn từ 4 năm đến 10 năm, lãi suất từ 8,9% đến 10,5%/năm.

-2079-1683175992.png

Nhiều cổ đông bất an khi ngân hàng "ôm" lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. 

Kế đến là Techcombank với gần 37.800 tỷ đồng, giảm hơn 3.200 tỷ đồng so với cuối năm 2022 (giảm 7,9%). VPBank nắm giữ 28.198 tỷ đồng, giảm gần 4.700 tỷ đồng (tương đương giảm 14,3%). TPBank đang nắm giữ 20.472 tỷ đồng tính đến cuối quý I/2023 (giảm 5,3%). Trong khi đó, SHB đứng ở vị trí thứ 5 về nắm giữ TPDN với 13.119 tỷ đồng. Đây cũng là ngân hàng duy nhất trong TOP 5 này gia tăng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp so với đầu năm (tăng 3,6%).

Mặc dù gần đây ngân hàng đã giảm nắm giữ TPDN, song rủi ro vẫn chực chờ bởi các khoản đầu tư TPDN cũng có nguy cơ trở thành nợ xấu khi nhà phát hành mất khả năng thanh toán một phần hoặc toàn bộ, trong khi tài sản đảm bảo cần thời gian để thanh lý. Đặc biệt, danh mục TPDN của một số ngân hàng đang tiềm ẩn rủi ro tín dụng khi thị trường đã xuất hiện một số trường hợp chậm trả lãi và gốc trái phiếu. Khi TPDN bị "nhảy" nhóm nợ làm gia tăng tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng.

Tại ĐHĐCĐ tổ chức tháng 4 vừa qua, nhiều cổ đông lo ngại về chất lượng dư nợ cũng như rủi ro của việc ngân hàng nắm giữ quá nhiều TPDN. Điển hình là cổ đông MB yêu cầu HĐQT ngân hàng chỉ rõ quy mô cho vay và trái phiếu của Novaland, Hưng Thịnh, Trung Nam là bao nhiêu trong bối cảnh các nhà phát hành này đang có vấn đề về năng lực trả nợ.

Phó tổng giám đốc thường trực MB, ông Phạm Như Ánh cho hay, với Hưng Thịnh, MB không cho vay Dự án không sở hữu trái phiếu. Về phía Trung Nam, dư nợ của doanh nghiệp này đang được trả đầy đủ. Do đó, sẽ không có nợ xấu trong thời gian tiếp theo.

Riêng với Novaland, MB vẫn là một trong 4 chủ nợ lớn nhất của Novaland. Tính đến hiện tại, số dư TPDN của Novaland đã giảm khá lớn, không còn nhiều như hồi đầu năm. Tổng quy mô cho vay và đầu tư trái phiếu Novaland tại MB không đến con số 10.000 tỷ đồng. Tuy vậy, các cổ đông vẫn cho rằng, con số gần 10.000 tỷ đồng, chiếm hơn 25% vốn điều lệ của ngân hàng là quá lớn.

Ngân hàng cần dự phòng rủi ro cho TPDN

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, trong năm nay, một lượng lớn TPDN ngân hàng nắm giữ đến kỳ đáo hạn, nếu doanh nghiệp không thể thanh toán, thì Hệ số An toàn vốn (CAR) của ngân hàng sẽ bị kéo xuống. Theo cập nhật gần đây của NHNN, tổng vốn tự có của các ngân hàng thương mại Nhà nước áp dụng Thông tư 41 là hơn 400.000 tỷ đồng, tăng 15,23% so với đầu năm 2022. Tỷ lệ CAR ở mức 9,04%. Còn một số ngân hàng thương mại ghi nhận CAR ở mức trên 15%.

-3196-1683175992.jpg

Giá trị trái phiếu doanh nghiệp do các ngân hàng nắm giữ tại ngày 31/3/2023.

Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng Việt Nam có đặc điểm là tỷ lệ tiền gửi ngắn hạn lớn (80-90%), các ngân hàng lấy vốn ngắn hạn đi đầu tư, cho vay trung, dài hạn (trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản) sẽ rất rủi ro.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản còn khó khăn, TPDN chưa “ấm lại”, chuyên gia này cho rằng các ngân hàng cũng phải sẵn sàng nguồn dự phòng rủi ro cho TPDN, bất động sản, nếu tình hình thị trường tiếp tục diễn biến xấu. Về lâu dài, các ngân hàng vẫn phải liên tục tăng vốn để cải thiện CAR, nâng cao khả năng phòng thủ.

Ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đánh giá thay vì cho doanh nghiệp vay, ngân hàng lại đi mua TPDN. Điều này là không tách bạch giữa hoạt động ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư. Trong hoạt động đầu tư trái phiếu, ngân hàng đầu tư vào trái phiếu Chính phủ thì an toàn hơn. Còn huy động tiền của dân mà mua TPDN có độ rủi ro cao. Dư nợ trái phiếu trong các nhà băng hiện nay chiếm 10% tổng tài sản, gấp đôi vốn chủ sở hữu của ngân hàng. Nếu như khoản này thành nợ xấu thì rủi ro rất cao. Vì thế, ông Nguyễn Hữu Huân kiến nghị cần sửa đổi luật Các tổ chức tín dụng, tách bạch giữa ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư để tránh rủi ro cho hệ thống.

Để hạn chế rủi ro khi ngân hàng đầu tư TPDN, NHNN quy định các ngân hàng chỉ được mua TPDN khi tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất. Đồng thời, yêu cầu ngân hàng không được phép mua TPDN với mục đích để tái cơ cấu nợ; góp vốn/mua cổ phần tại các doanh nghiệp khác; tăng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp phát hành.

Huyền Anh

Lượt xem: 8
Tác giả: Ngân hàng nào “ôm” trái phiếu lớn nhất?
Tin liên quan