ĐHĐCĐ BIDV: Tiếp xúc với 38 nhà đầu tư để phát hành riêng lẻ 9% cổ phần

Sáng 28/4, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023.

Trong năm 2023, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 10 - 15%, phù hợp với diễn biến thị trường, năng lực của BIDV và phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ngân hàng không đưa ra con số kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng trong năm 2023, tuy nhiên cho biết con số này đảm bảo tuân thủ giới hạn tín dụng cho NHNN giao. Tốc độ tăng trưởng huy động phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến duy trì duy trì không vượt quá mức 1,4%.

Chia sẻ tại Đại hội, Tổng giám đốc Lê Ngọc Lâm cho biết, tính đến hết quý I, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt trên 6.600 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản đạt trên 2 triệu tỷ đồng; Dư nợ tín dụng đạt trên 1,57 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 5%; Huy động vốn đạt trên 1,65 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 2,3%; Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 kiểm soát dưới 1,4% theo định hướng.

-6358-1682656874.jpg

Sáng 28/4, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

"Trong đợt đầu, NHNN giao chỉ tiêu tín dụng cho BIDV ở mức 8,36%. Ngân hàng đang báo cáo để cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh", ông Lâm cho hay.

Trong năm 2023, ngân hàng đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ từ 50.585 tỷ đồng lên 61.557 tỷ đồng, tăng 21,7% so với cuối năm trước. Cụ thể, BIDV dự kiến phát hành 641,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 12,69%.

Ngoài ra, BIDV cũng tiếp tục phát hành riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng hơn 455 triệu cổ phiếu theo Phương án đã được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua (dự kiến 9% vốn điều lệ tại ngày 31/12/2022). Vốn điều lệ theo phương án này sẽ tăng thêm 4.552 tỷ đồng.

Chia sẻ thêm về kế hoạch phát triển trong vòng 5 năm tới, đặc biệt là liên quan đến kế hoạch khai thác nhóm khách hàng FDI, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc cho biết: Dư nợ đối với nhóm khách hàng FDI khoảng 2 tỉ USD (trong khi vốn huy động từ nhóm này khoảng 4 tỉ USD), khá nhỏ so với danh mục của BIDV. Trong thời gian tới, BIDV có kế hoạch mở rộng thị phần đối với nhóm doanh nghiệp này vì tiềm năng vẫn còn rất lớn.

Tiềm năng của nhóm khách hàng FDI là rất lớn, BIDV sẽ tiếp tục mở rộng gia tăng thị phần. Việc ký kết chiến lược KEB Hana Bank của Hàn Quốc, BIDV sẽ thông qua cổ đông chiến lược để khai thác khách hàng tiềm năng của Hàn Quốc.

Chúng tôi có hợp tác với một số đối tác ngoại như Dragon Capital và Edmond De Rothschild, để thông qua các đối tác này phát triển các sản phẩm đặc thù là Private Banking. Đây là sản phẩm đặc thù dành cho nhóm khách hàng giàu có. Trên thị trường Việt Nam hiện nay các sản phẩm dành cho phân khúc này.

Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú cho biết, hiện BIDV vẫn đang có kế hoạch phát hành riêng lẻ 9% cho nhà đầu tư. Thời gian qua, BIDV nỗ lực thực hiện, đã tiếp xúc với 38 nhà đầu tư. Tuy nhiên, tình hình kinh tế các nước không thuận lợi đã làm giảm nhu cầu.

Năm 2023, BIDV sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này. Hiện, đã có một số nhà đầu tư tiềm năng, BIDV sẽ làm việc với NHNN, các đối tác để tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp nhất.

Thông tin thêm với cổ đông về rủi ro tín dụng của ngân hàng, Chủ tịch Phan Đức Tú cho biết: Trong thời gian qua, tình hình kinh tế thế giới có nhiều vấn đề làm cho chính sách của nhiều nước thận trọng hơn. Dự kiến, cuối năm nền kinh tế sẽ dần ổn định lại. Nền kinh tế Việt Nam đang dần ổn định nhưng cũng gặp một số vấn đề: DN thiếu đơn hàng, tổng cầu thấp cả nội địa và quốc tế,... tỷ lệ đòn bẩy của các doanh nghiệp lớn, áp lực dòng tiền lớn lên... Do đó, NHNN bắt buộc có Thông tư 02 để hỗ trợ các doanh nghiệp và ngân hàng.

“Xu hướng năm nay nợ xấu có nhiều khả năng tăng hơn năm ngoái. Kế hoạch của BIDV là giữ tỷ lệ nợ xấu dưới 1,4%, số trích dự phòng dự kiến khoảng 20.000 - 21.000 tỷ đồng. Mức trích lập thấp hơn năm ngoái vì năm 2022 ngân hàng đã trích và xử lý tương đối cho các khoản nợ tồn đọng”, lãnh đạo BIDV cho hay.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về rủi ro đối với các khoản tín dụng năng lượng xanh ở những dự án không bán được điện, ông Tú cho biết: BIDV có lợi thế quan hệ tốt với nhiều định chế tài chính đa phương và song phương, lợi thế về tín dụng xanh, hiện BIDV đang rót khoảng 70.000 tỷ đồng vào năng lượng tái tạo.

BIDV chỉ cho vay những dự án đảm bảo đúng tiến độ theo Chính phủ quy định, tất cả các dự án BIDV cho vay đều được nhà nước mua điện, không dự án nào ko được phát điện.

Tiết lộ với cổ đông về kế hoạch chi trả tiền lương cho cán bộ nhân viên trong thời gian tới, ông Tú cho biết: Cơ chế tiền lương và thu nhập nhân viên BIDV đã được đề cập trong báo cáo thường niên. Ngân hàng luôn tạo mức chi tiền lương cao nhất cho người lao động với mục tiêu năm sau cao hơn năm trước.

“Năm 2023, tiền lương dự kiến tăng 10-11%. Quỹ tiền lương của HĐQT, Ban quản lý phụ thuộc vào chính sách của NHNN, Bộ Tài chính. Do đó, tùy thuộc vào kết quả kinh doanh và phê duyệt của Nhà nước”, ông Tú nói.

Thanh Hoa

Lượt xem: 10
Tác giả: Thanh Hoa
Tin liên quan