Hé lộ bức tranh lợi nhuận ngân hàng năm 2023 khi lộ diện kết quả quý I

Các ngân hàng thương mại Nhà nước vẫn là điểm tựa vững chắc cho tăng trưởng lợi nhuận của toàn ngành, trong khi nhiều ngân hàng cổ phần có tỷ trọng cho vay cá nhân cao dự kiến lợi nhuận sau thuế tăng thấp hơn.

Các ngân hàng đánh giá lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý I/2023 có tăng trưởng nhưng chưa đạt được như kỳ vọng. Đa phần các nhà băng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý II và cả năm 2023. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có một số đơn vị lo ngại sẽ đối mặt với lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2023.

Hết thời tăng trưởng lợi nhuận cao

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2023 mới đây, các ngân hàng cho biết kết quả kinh doanh quý I/2023 vẫn khả quan và đi đúng dự kiến.

Bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc SHB thông tin, trong quý I, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ước đạt 3.600 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm 2022; huy động vốn tăng trưởng trên 8%.

-5822-1681724408.jpg

Techcombank sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất giảm 14% so với năm trước, xuống còn 22.000 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, SHB đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2023 vượt mốc 10.000 tỷ đồng của năm 2022. Theo đó, nhà băng này đưa ra 2 kịch bản dựa trên hạn mức tăng trưởng tín dụng: Phương án 1 với hạn mức tăng trưởng tín dụng 10%, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 6,15% lên 10.285 tỷ đồng; Phương án 2 với hạn mức tăng trưởng tín dụng 14%, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 9,67%, lên 10.626 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của ACB trong quý vừa qua cũng tích cực không kém. Chia sẻ tại ĐHĐCĐ, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho biết lợi nhuận quý I hợp nhất của ngân hàng đạt 5.120 tỷ, tăng 24% so với cùng kỳ và đạt 26% kế hoạch cả năm. Huy động tăng trưởng 2,1% so với cuối năm trước; tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (tỷ lệ LDR) ở mức 78%; tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 13,1%; tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.

Lãnh đạo ACB tự tin về việc sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh trong năm nay. Nhà băng này dự kiến lợi nhuận trước thuế cả năm sẽ đạt 20.058 tỷ đồng, tăng 17,2% so với năm 2022.

Trong khi đó, tại ĐHĐCĐ vừa được tổ chức ngày 14/4, lãnh đạo Eximbank cho biết, kết quả kinh doanh quý I vẫn đang theo lộ trình đặt ra, với mức lãi khoảng 900 tỷ, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2022.

Tư nay đến cuối tháng 4, nhiều ngân hàng sẽ tổ chức ĐHĐCĐ, dự báo “bức tranh” lợi nhuận của các ngân hàng sẽ được lộ diện. Tuy nhiên, nhìn chung, các chuyên gia dự báo tăng trưởng lợi nhuận của ngành này sẽ chậm lại và đạt 10-12% so với cùng kỳ, khi tăng trưởng tín dụng chậm lại, biên lãi ròng (NIM) thu hẹp và chi phí tín dụng tăng.

Ở nhóm ngân hàng TMCP tư nhân, kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận cho năm nay phổ biến trong khoảng từ 10% - 17% dù con số tăng trưởng thực hiện trong năm ngoái vẫn ở mức khá cao từ 30% - 70%.

Điển hình như: MB có kế hoạch lợi nhuận 26,1 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với cùng kỳ. Thậm chí Techcombank là một trong số ít các ngân hàng đến thời điểm hiện tại lên kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận âm cho năm 2023 khi phải đối mặt với một loạt các khó khăn đến từ tỷ trọng tín dụng cao liên quan tới nhóm ngành bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp trong khi CASA sụt giảm mạnh do khách hàng chuyển sang gửi tiền gửi kỳ hạn dài hưởng lãi suất cao.

Đối với nhóm ngân hàng TMCP Nhà nước, nhiều đơn vị cũng đã tiết lộ kế hoạch kinh doanh sơ bộ cho năm 2023 với mức tăng khiêm tốn. Chẳng hạn, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm 2022 (tương đương đạt khoảng 41 nghìn tỷ đồng).

Sẽ có sự phân hóa cao

Giới phân tích dự báo, năm nay, lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh mẽ giữa các nhóm ngân hàng thương mại. Trong đó, nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước vẫn là điểm tựa vững chắc cho tăng trưởng lợi nhuận của toàn ngành trong các quý sắp tới dù có giảm tốc so với năm ngoái. Yếu tố hỗ trợ là nhờ tín dụng hồi phục từ tháng 3 sau khi suy yếu trong 2 tháng đầu năm.

Theo số liệu từ FiinTrade, năm 2023, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng có sự phân hóa lớn. Đối với 3 ngân hàng có vốn Nhà nước, Vietcombank là nhà băng đầu tiên công bố kế hoạch kinh doanh 2023 với dự kiến lợi nhuận sau thuế 2023 tăng 12%.

Với nhóm cổ phần tư nhân, nhiều ngân hàng quy mô nhỏ đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với năm 2022, bao gồm Eximbank (35,8%), OCB (36,8%) và VietBank (48,6%). Trong khi đó, các ngân hàng có tỷ trọng cho vay cá nhân cao dự kiến lợi nhuận sau thuế tăng thấp hơn, bao gồm VPBank (13,5%), TPBank (11,2%) và MB (15%).

Chính các ngân hàng cũng nhận thấy được áp lực nên đã hạ mức kỳ vọng về tăng trưởng lợi nhuận năm 2023. Theo kết quả khảo sát mới nhất vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, các tổ chức tín dụng đánh giá nhu cầu vay vốn, dịch vụ thanh toán và thẻ, gửi tiền của khách hàng trong quý I/2023 có cải thiện nhưng chưa được như kỳ vọng.

Các ngân hàng dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng diễn biến khả quan trong quý II/2023, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “tăng” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán. Mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng được các ngân hàng nhận định tiếp tục tăng nhẹ trong quý I/2023 và dự báo xu hướng tăng nhẹ trong năm 2023, nhưng tốc độ tăng kỳ vọng chậm lại so với các năm trước. 

Đánh giá chung về triển vọng lợi nhuận ngành ngân hàng năm nay, chuyên gia phân tích đến từ các công ty chứng khoán đều đưa ra dự báo thận trọng. Cụ thể, VNDirect nhận định, năm nay, lợi nhuận ngành ngân hàng chỉ tăng 11%; hay như Công ty Chứng khoán Vietcombank dự báo tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng năm nay chỉ khoảng 10% và có sự phân hóa mạnh ở các ngân hàng.

Huyền Anh

Tin liên quan