Ngân hàng mong tăng trưởng tín dụng nhưng đầu ra khó khăn

Tăng trưởng tín dụng tới cuối tháng 3 đạt hơn 2%, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng dù rất muốn tăng trưởng tín dụng nhưng đầu ra rất khó khăn do nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn.

Sẽ có chính sách hoãn, giãn nợ cho doanh nghiệp như thời kỳ dịch COVID-19; tiếp tục giảm lãi suất giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn… là những thông tin nổi bật tại cuộc họp báo kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2023 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Thanh khoản dư thừa lớn, tín dụng tăng thấp 

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay ở mức 14-15% cho dù tăng trưởng tín dụng quý I không cao so với giai đoạn cuối năm 2022. Diễn biến này vì cả lý do khách quan và chủ quan, trong đó một phần do sức cầu yếu từ phía doanh nghiệp… nên nhu cầu tín dụng của một số lĩnh vực hạn chế.

-7991-1680275267.jpg

Đến ngày 28/3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022. Mức này tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2022.

Lãnh đạo NHNN cho biết, đã gặp nhiều hiệp hội, doanh nghiệp để nghe báo cáo, phản ánh khó khăn. "Một phần là họ thiếu đơn hàng, tồn kho, sản xuất bị ngưng trệ", Phó thống đốc nói và cho biết thêm, cơ quan quản lý đang xem xét chính sách hỗ trợ do yếu tố khách quan này. Ngoài ra, một phần nguyên nhân do quý I trùng với thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, việc đầu tư, triển khai một số dự án bị ảnh hưởng.

Theo đó, đến ngày 28/3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022. Mức này tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2022.

Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, lãnh đạo NHNN cho biết, đến cuối tháng 2/2023, dư nợ cho lĩnh vực này đã đạt trên 2,6 triệu tỷ đồng, tăng 2,16% so với cuối 2022, cao hơn khá nhiều so với tăng trưởng tín dụng chung.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ chia sẻ thêm, việc xuất khẩu giảm, nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp. Các ngân hàng khó đẩy tín dụng ra mặc dù thanh khoản hệ thống dư thừa rất lớn.

Điều này được thể hiện ở số dư tiền gửi tại các ngân hàng rất lớn kéo dài từ tháng 2 đến nay, trong khi lãi suất liên ngân hàng đã giảm rất mạnh, hiện chỉ quanh ngưỡng 0,7%-1,2%/năm cho kỳ hạn qua đêm. “Thực tế các ngân hàng rất mong muốn tăng trưởng tín dụng nhưng đầu ra rất khó khăn”, ông Quang cho hay.

Để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn cho nền kinh tế, NHNN có nhiều biện pháp như đôn đốc, khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay, có chính sách hỗ trợ, giảm lãi suất cho vay giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.

Theo NHNN , lãi suất tiền gửi đã giảm từ 0,2-0,5% với các kỳ hạn 6 đến 12 tháng kể từ ngày 6/3. Trên cơ sở đó, các ngân hàng có điều kiện để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng, giảm chi phí tài chính. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 24 ngân hàng tiến hành giảm lãi suất cho vay và hầu hết các ngân hàng đã giảm lãi suất huy động.

Sẽ có chính sách hoãn, giãn nợ cho doanh nghiệp 

Phó Thống đốc cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ triển khai một số cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng.

Đơn cử gói chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước với 40.000 tỷ đồng, NHNN đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục triển khai mạnh mẽ.

Đặc biệt, NHNN nhấn mạnh, sẽ có chính sách giãn, hoãn nợ hỗ trợ đối với một số ngành nghề, lĩnh vực đang gặp khó khăn. "Hiện nay NHNN đã nghiên cứu, đề xuất để có cơ chế chính sách hỗ trợ. Khi Chính phủ có nghị quyết về chính sách này, NHNN sẽ kịp thời ban hành thông tư hướng dẫn", ông Tú cho hay.

Đối tượng thụ hưởng chính sách này là những doanh nghiệp gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan, dòng tiền không được như mong muốn. Nếu có thêm nguồn vốn hỗ trợ tín dụng thì doanh nghiệp sẽ đỡ khó khăn. Tuy nhiên, "đối tượng nào, ngành nghề nào được hỗ trợ sẽ được tính toán nhằm đảm bảo giúp doanh nghiệp vượt qua được khó khăn. Bên cạnh đó, chính sách cũng phải đảm bảo độ an toàn và bản chất nợ của nền kinh tế, không để xảy ra tình trạng nợ xấu bị che giấu dưới hình thức giãn, hoãn này", ông Tú nhấn mạnh.

Theo đó, NHNN cho biết, chính sách giãn, hoãn nợ sẽ như cơ chế thông tư 01 năm 2020 để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Bên cạnh chính sách giãn, hoãn nợ đang được NHNN nghiên cứu, từ ngày 3/4, NHNN tiếp tục giảm loạt lãi suất điều hành, bao gồm cả lãi suất tái cấp vốn, trần lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay, với mức giảm từ 0,3- 0,5%/năm.

Theo đánh giá của NHNN: Việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành tái khẳng định, định hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng TCTD giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Huyền Anh

Lượt xem: 14
Tác giả: Thanh khoản dư thừa lớn, tín dụng tăng thấp 
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật