Xây dựng chuỗi giá trị nông sản, tận dụng cơ hội xuất khẩu
Việc xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản là xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập và là nhân tố quan trọng thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, giúp ngành nông nghiệp tái cơ cấu thành công theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời, đó cũng là giải pháp quan trọng để nông sản Việt Nam tận dụng hiệu quả cơ hội xuất khẩu từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Cùng hợp tác để tăng giá trị nông sản
Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt trong 2 năm trở lại đây, đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine, chính sách Zero-COVID của Trung Quốc ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng hàng hoá, nông sản của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU(EVFTA), Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP)… đã tạo điều kiện để thu hút đầu tư vào nông nghiệp và mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hoá, nông sản.
Mặc dù cơ hội rất lớn nhưng để tận dụng được các cơ hội thương mại và đầu tư đó, các nông trại doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm. Mặt khác, mở cửa thị trường cũng đồng nghĩa nông sản trong nước phải chịu áp lực cạnh tranh trực tiếp với nông sản nước ngoài nhập khẩu ngay tại thị trường nội địa.
Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng chuỗi giá trị nông sản để tận dụng cơ hội xuất khẩu |
Để nâng cao chất lượng nông sản và vượt qua các rào cản kỹ thuật của thị trường nhập khẩu cũng như giữ được thị phần trong nước, các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản phải đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hoàn thiện hạ tầng và xây dựng hệ thống quản lý sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, có giá trị gia tăng cao.
Thông tin về thực tế liên kết chuỗi trong ngành Nông nghiệp, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Cả nước hiện có khoảng 18.760 hợp tác xã nông nghiệp, 81 liên hiệp hợp tác xã, với tổng số khoảng 3,23 triệu thành viên. Đáng chú ý, trong số đó có 4.339 hợp tác xã nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản, bằng 24,5% tổng số hợp tác xã tỷ lệ này trước năm 2015 chỉ là 5-7%.
Có 4 chủ thể tham gia các chuỗi liên kết - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gồm 271 tổ chức khoa học, 586.585 hộ nông dân, 4.028 hợp tác xã nông nghiệp và 1.867 doanh nghiệp.
Các hình thức liên kết chủ yếu là liên kết tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng; Liên kết có hỗ trợ đầu tư và tiêu thụ sản phẩm; Liên kết theo chuỗi giá trị khép kín hoặc liên kết dọc giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, nông hộ; Liên kết ngang giữa doanh nghiệp.
Theo ông Lê Thanh Tùng, mặc dù số lượng hợp tác xã đảm nhận bao tiêu sản phẩm và số lượng các chuỗi liên kết có xu hướng tăng trong những năm gần đây nhưng về chất lượng liên kết chưa được đánh giá đầy đủ. Thực tế cho thấy giữa doanh nghiệp và người nông dân thường xảy ra tình trạng "bội tín lẫn nhau". Do đó, chúng ta cần cải thiện mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp, liên kết vùng phải thực sự bền vững cho cả hai chủ thể trong quá trình sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản. Việc liên kết chuỗi chỉ thật sự hiệu quả khi hai bên cam kết chia sẻ lợi ích, cùng hợp tác để tăng giá trị nông sản.
Hình thành các chuỗi phát triển theo 3 cấp độ
Giải pháp hiệu quả nhất để nâng cao chất lượng sản phẩm là giữ ổn định, bền vững về nguồn nguyên liệu thông qua liên kết sản xuất - tiêu thụ, tham gia chuỗi logictics. Cụ thể, nông dân, trang trại và doanh nghiệp phải liên kết từ đầu vào gồm giống, phân bón, máy móc cơ giới; Liên kết sản xuất cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu; Liên kết tiêu thụ qua thu gom tập trung; Liên kết chế biến từ sơ chế, bảo quản, đóng gói, chế biến tinh và chế biến sâu, cuối cùng là liên kết tiêu dùng ở thị trường nội địa và xuất khẩu.
Muốn kiểm soát chất lượng trong suốt các chuỗi liên kết nối tiếp nhau đó, các đơn vị tham gia chuỗi phải đổi mới quy trình quản lý, ứng dụng công nghệ như mã vạch, mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý... để khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc một cách chi tiết nhất, tạo uy tín củng cố thương hiệu cho sản phẩm trên thị trường.
Các doanh nghiệp hiện đang đẩy mạnh kết nối chuỗi giá trị nông sản, xây dựng chuỗi sản phẩm chủ lực |
Nhấn mạnh về việc xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: Trong vài năm trở lại đây, ở nước ta đã và đang hình thành các chuỗi phát triển theo 3 cấp độ: Sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và sản phẩm địa phương.
Nhằm tập trung nguồn lực phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp chủ lực quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp quốc gia để định hướng ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP với 13 sản phẩm chủ lực gồm gạo, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, rau, quả, sắn và sản phẩm từ sắn, thịt lợn, thịt và trứng gia cầm, cá tra, tôm và gỗ và sản phẩm gỗ.
Theo đó, chuỗi giá trị các nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ đã và đang dần hoàn thiện. Đặc biệt là chuỗi giá trị lúa gạo đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ sản xuất, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ thông qua hợp đồng thương mại đến xây dựng thương hiệu gạo và hỗ trợ thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, nhóm chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực cấp tỉnh cũng dần hình thành với sự quan tâm đặc biệt của UBND các tỉnh trong việc nhanh chóng xác định và ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh để thu hút đầu tư, đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân sản xuất. Phát triển chuỗi sản phẩm đặc sản địa phương (Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP) cũng được thúc đẩy mạnh từ năm 2013 đến nay với tỉnh Quảng Ninh là tỉnh đi đầu cả nước triển khai thực hiện một cách bài bản, có hệ thống chương trình này.
Cùng với việc đẩy mạnh kết nối chuỗi giá trị nông sản, xây dựng chuỗi sản phẩm chủ lực, thời gian tới cần phải thu hút đầu tư doanh nghiêp hình thành các cụm chế biến công nghệ cao, khép kín tại vùng chuyên canh chính, có cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần để tăng hiệu quả kết nối sản xuất - thị trường. Phát triển hệ thống dịch vụ hậu cần ứng dụng công nghệ 4.0 phục vụ thương mại nông sản chủ lực. Xây dựng và quản lý thương hiệu quốc gia cho từng sản phẩm nông nghiệp chủ lực
Đồng thời đẩy mạnh hội nhập quốc tế và phát triển thị trường, tăng cường năng lực thông tin, dự báo, cảnh báo, đàm phán, xử lý tranh chấp, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại đối với thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt là đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại; Phát triển các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị, thu hút đầu tư tư nhân, thúc đẩy các mô hình PPP, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, tổ chức lại các hiệp hội ngành hàng... Như vậy, nông sản Việt Nam mới tận dụng hiệu quả các cơ hội xuất khẩu.