Vốn FDI giảm mạnh, kinh tế Trung Quốc chật vật phục hồi

Các công ty nước ngoài, kể cả những công ty đã hoạt động lâu năm ở Trung Quốc, đang xem xét lại các kế hoạch hiện đại hóa và mở rộng doanh nghiệp ở nước này, đồng thời bắt đầu chuyển lợi nhuận về nước hoặc những nơi khác ở châu Á và thậm chí xa hơn, theo Forbes.

Xu hướng này có nhiều nguyên nhân khác nhau và đã âm ỉ một thời gian dài. Tuy nhiên, dù nguyên nhân là gì thì nó cũng khiến cho quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc vỗn đã gập ghềnh nay càng thêm trắc trở.

Theo Forbes, dòng vốn chảy ra đã tăng mạnh trong hơn một năm nay. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, các công ty nước ngoài đã rút tổng cộng 160 tỷ USD thu nhập ra khỏi đất nước trong 18 tháng tính đến tháng 9.

Chỉ riêng trong quý III vừa qua, lượng tiền rút đã áp đảo dòng vốn đầu tư nước ngoài khiến Bắc Kinh sau một thời gian rất dài đã phải chứng kiến nợ tài chính phát sinh từ việc đầu tư trực tiếp nước ngoài (DIL) - thước đo vốn nước ngoài chảy vào Trung Quốc, ở mức âm 11,8 tỷ USD. Cùng kỳ năm ngoái, DIL của Trung Quốc ở mức 14,1 tỷ USD.

Đây là lần đầu tiên thước đo này chuyển sang âm trong 25 năm, kể từ khi Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (SAFE) bắt đầu tổng hợp dữ liệu vào năm 1998. Dữ liệu này có thể liên quan đến tác động của việc các nước phương Tây “giảm rủi ro” từ Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng leo thang.

Nó cho thấy các công ty nước ngoài có thể đang rút tiền ra khỏi đất nước thay vì tái đầu tư vào hoạt động của họ. Nợ tài chính phát sinh từ việc đầu tư trực tiếp nước ngoài bao gồm lợi nhuận thuộc về các công ty nước ngoài chưa được chuyển về nước hoặc chưa phân phối cho các cổ đông, cũng như khoản đầu tư nước ngoài vào các tổ chức tài chính.

Nhiều chuyên gia cho rằng sự sụt giảm về FDI đã góp phần khiến đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm 5% so với đồng USD kể từ đầu năm đến nay.

Đồng nhân dân tệ giảm trong bối cảnh Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã cắt giảm lãi suất trong nỗ lực khuyến khích chi tiêu tiêu dùng và đầu tư vốn. Ở chiều ngược lại, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất như một phần trong kế hoạch chống lạm phát. Ngân hàng Anh và Ngân hàng Canada, cũng như Cục Dự trữ Liên bang Úc cũng có động thái tương tự.

Thật dễ hiểu khi các công ty chọn việc gửi những khoản lợi nhuận chưa tái đầu tư ở những nơi mà họ có thể nhận được mức lãi suất cao hơn.

Nếu chỉ có vậy, việc dòng vốn FDI chảy ra khỏi Trung Quốc chỉ là tức thời và dễ dàng đảo ngược khi các điều kiện tài chính thay đổi. Tuy vậy, có những mối nguy khác cũng đang ảnh hưởng đến dòng tiền.

Việc kinh tế Trung Quốc tụt dốc đã thực sự ảnh hưởng tới tâm lý của các nhà đầu tư. Theo Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc, xuất khẩu, vốn vẫn đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng của Trung Quốc, đã sụt giảm, trong khi hoạt động công nghiệp chậm lại thời gian gần đây cho thấy sự suy giảm mạnh của nước này.

Thất bại của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc, như Evergrande và Country Garden, đã làm mờ đi những tác động tích cực của thị trường bất động sản mà trong nhiều năm đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước này.

Các nhà quản lý doanh nghiệp nước ngoài cũng tỏ ra chán nản khi các nỗ lực vực dậy kinh tế của Bắc Kinh đã không đạt được kết quả như mong muốn.

Dù không dự đoán Trung Quốc sẽ suy giảm kinh tế hoàn toàn, nhưng tình hình hiện tại vẫn buộc các doanh nghiệp nước ngoài cân nhắc việc phân bổ nguồn vốn ở nơi khác, bao gồm phần thu nhập từ hoạt động ở Trung Quốc.

Một vấn đề khiến các doanh nghiệp nước ngoài cảm thấy rắc rối hơn cả chính là mối quan hệ ngoại giao và thương mại ngày càng căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây.

Washington đã chặn việc bán một số công nghệ nhất định cho Trung Quốc và cũng cấm người Mỹ đầu tư vào các dự án công nghệ của nước này. Bắc Kinh đã phản ứng bằng cách ngăn chặn việc xuất khẩu các khoáng sản quan trọng sang phương Tây và Nhật Bản.

Những chính sách kém thân thiện này đã gây ra những bất ổn và rủi ro và khiến Trung Quốc trở thành một nơi kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Việc tăng cường giám sát các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc cũng là điều khiến các chủ doanh nghiệp phải bận tâm.

Chỉ trong vài tháng qua, chính quyền Trung Quốc đã đột kích hai công ty Mỹ hoạt động tại Thượng Hải là Bain & Co. và Mintz. Các nhà chức trách Trung Quốc đã bắt giữ một số nhân viên của Mintz và áp lệnh trừng phạt công ty này.

Tất cả những mối đe dọa tiềm ẩn này đã khiến các công ty Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cân nhắc việc rút lui khỏi Trung Quốc dù hoạt động kinh doanh khả quan. Điều này dường như tăng thêm nhiều trở ngại cho nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng ấn tượng của chính quyền Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, theo Forbes.

Lượt xem: 11
Tác giả: Hải Đăng
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật