Nhật Bản đẩy mạnh hỗ trợ Đông Nam Á chống biến đổi khí hậu
Nhật Bản đang dẫn đầu về đầu tư cơ sở hạ tầng chống chịu với biến đổi khí hậu ở Đông Nam Á.
Các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ Nhật Bản đang rót hàng tỷ yên vào các chương trình khác nhau trên khắp Đông Nam Á nhằm giảm nguy cơ biến đổi khí hậu và cải thiện khả năng tiếp cận nguồn nước và vệ sinh.
Từ các đường ống dẫn nước ở Inn Chey, Campuchia đến việc xây dựng luật quản lý nước mới và xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý nước trị giá hàng tỷ yên tại các quốc gia trong khu vực, khả năng phục hồi khí hậu là ưu tiên ngày càng tăng trong viện trợ nước ngoài của Nhật Bản.
Các chuyên gia cho rằng sự chuyển dịch tài trợ này sẽ cần được chú trọng nhiều hơn ở Đông Nam Á, một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất về khí hậu trên thế giới. Khu vực này đã chứng kiến những nỗ lực phát triển trong nhiều thập kỷ, nhưng cơn khát cơ sở hạ tầng đang phải đối mặt với những trở ngại lớn trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu.
Việc tập trung vào cơ sở hạ tầng có khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu bắt nguồn từ các cam kết về khí hậu của Nhật Bản và những bài học kinh nghiệm của chính nước này. “Chúng ta là những quốc gia bị ảnh hưởng bởi thiên tai trong nhiều thế kỷ. Do đó, chúng ta có thể giúp đỡ người khác bằng cách sử dụng những gì đã học", ông Asagi Miyoshi, cố vấn của Đại sứ quán Nhật Bản tại Campuchia cho biết.
Theo Nurul Alam, chuyên gia về cơ sở hạ tầng có khả năng phục hồi của Trung tâm Phòng chống Thảm họa Châu Á: “Nếu bạn nhìn thấy xu hướng phát triển và nhân khẩu học, có thể thấy rõ ràng rằng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á và Nam Á, đang bùng nổ. Động lực tiếp theo của nền kinh tế thế giới đang ở đây. Nhưng thật không may, toàn bộ khu vực này cũng đang nằm trên điểm nóng về khủng hoảng khí hậu.”
Chuyên gia này cũng chỉ ra, phần lớn người dân Đông Nam Á thiếu kiến thức về biến đổi khí hậu và chưa sẵn sàng thích ứng với biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần ưu tiên các công trình có khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu, tuy nhiên, quá trình này thường tốn kém và mất thời gian hơn.
Đồng quan điểm, ông Michele Paba, Giám đốc Chương trình nước, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân ((WASH) tại UNICEF Campuchia, cho biết thiết kế cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu là ưu tiên chính trong chương trình quốc gia mới trị giá hàng triệu USD của cơ quan này.
“Chúng ta có thể dễ dàng hiểu được cảm giác chung rằng người dân đang phải sống chung với biến đổi khí hậu. Nhưng việc ứng phó với các yếu tố khí hậu khá thất thường, chúng tôi không thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra. Vì vậy, cần phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất", ông Paba lưu ý.
Vào năm 2022, Nhật Bản đã cung cấp khoản đóng góp lớn nhất với số tiền lên đến 9,6 triệu USD, cho các dự án của UNICEF nhằm thực hiện chương trình khí hậu, môi trường, năng lượng và giảm thiểu rủi ro thiên tai ở Đông Á và Thái Bình Dương.
Mặc dù vậy, ngay cả với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và nguồn vốn từ bên ngoài, các quốc gia trong khu vực vẫn đang có khoảng cách lớn về nguồn lực và công nghệ trong việc đối phó với biến đổi khí hậu.
Tốc độ phát triển của đất nước và tốc độ nghiên cứu khả năng thích ứng và phục hồi khí hậu không đi đôi với nhau. Trình độ nghiên cứu, trình độ phát triển công cụ chống biến đổi khí hậu trong khu vực đang diễn ra chậm hơn so với tốc độ phát triển.
Các chuyên gia cảnh báo rằng, các nhà nghiên cứu và các chính phủ trong khu vực cần phải đẩy nhanh quá trình xây dựng bộ công cụ giải quyết những thách thức mà cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ ảnh hưởng đến Đông Nam Á trong thời điểm hiện tại và xa hơn trong tương lai.
“Cơ sở hạ tầng trong khu vực nên được thiết kế dựa trên những điều kiện khí hậu khắc nghiệt để các vấn đề về khí hậu không ảnh hưởng nhiều đến người dân”. ông Nurul Alam nhận định và nhấn mạnh chúng ta không thể giải quyết các hiện tượng khí hậu cực đoan 100%, nhưng có thể giảm tác động của khí hậu trong tương lai.