Visa công bố cập nhật Lộ trình An ninh thanh toán tại Việt Nam

Visa, công ty công nghệ thanh toán điện tử hàng đầu thế giới, vừa công bố loạt giải pháp bảo mật thanh toán mới tại Việt Nam nhằm chống tội phạm mạng, bảo vệ hệ sinh thái thanh toán cũng như đảm bảo an toàn cho người dùng và doanh nghiệp.

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào phát biểu tại sự kiện Security Roadmap
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, phát biểu tại sự kiện Security Roadmap

Các giải pháp bảo mật mới là một phần trong Lộ trình An ninh Thanh toán được cập nhật của Visa tại thị trường Việt Nam, nhằm nâng cao khả năng bảo mật cho các giao dịch trực tuyến và trực tiếp ở các điểm bán lẻ.

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, chia sẻ: “Tại Visa, bảo mật luôn là ưu tiên cao nhất và chúng tôi đang tích cực đầu tư để duy trì và tăng cường bảo mật cho mỗi giao dịch thông qua Visa, nhằm đảm bảo người dùng và doanh nghiệp luôn được bảo vệ.

Trong bối cảnh các hình thức thanh toán đang phát triển đa dạng hơn bao giờ hết, đi cùng với sự gia tăng rủi ro trong thanh toán, chúng tôi rất vui mừng công bố Lộ trình An ninh thanh toán cập nhật, nêu rõ cách thức Visa phối hợp với các đối tác để tiếp tục bảo vệ hệ sinh thái thanh toán tại Việt Nam”.

Ông Louis Smith - Người đứng đầu bộ phận Quản lý rủi ro SEA phát biểu tại sự kiện (1)
Ông Louis Smith - người đứng đầu bộ phận Quản lý rủi ro SEA phát biểu tại sự kiện

Visa liên tục nỗ lực mang đến các giải pháp dựa trên dữ liệu, chú trọng yếu tố bảo mật nhằm giảm thiểu gian lận. Trong 5 năm qua, Visa đã đầu tư 9 tỷ đôla Mỹ trên toàn cầu để tăng cường an ninh mạng.

Visa sử dụng các giải pháp dựa trên dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo (AI) để xác định, điều tra, giải quyết và ngăn chặn các cuộc tấn công nhắm vào hệ sinh thái thanh toán toàn cầu, từ đó cung cấp kiến ​​thức chuyên môn về chiến lược bảo mật và khả năng bảo vệ toàn diện trước các mối đe dọa bảo mật mới nhất.

Một trong những giải pháp đó là Visa Advanced Authorisation – phân tích hơn 500 yếu tố dữ liệu để xác định chỉ số rủi ro cho mỗi giao dịch. Tính năng này đã giúp các ngân hàng ngăn chặn gian lận trị giá ước tính đến 26 tỷ đôla Mỹ trên toàn cầu trong năm tài chính 2021.

Ông Louis Smith
Ông Louis Smith

Khi người dùng Đông Nam Á ngày càng quen dần với công nghệ kỹ thuật số, việc sử dụng sinh trắc học – nhận dạng vân tay hoặc khuôn mặt, và nhận dạng kỹ thuật số – một tính năng cho phép người dùng xác thực thông tin trực tuyến, đang trở nên phổ biến.

Tại Đông Nam Á, người dùng có nhận thức rất cao về xác thực thanh toán bằng sinh trắc học, đạt mức 75%, trong đó hơn một nửa (53%) tin rằng hình thức này an toàn hơn so với các hình thức thông thường. Mặc dù mức độ trải nghiệm nhận dạng kỹ thuật số trong khu vực hiện chưa cao (18%), nhận thức (71%) và sự quan tâm của những người chưa từng thử dùng (63%) đều tương đối cao.

“Khi nhìn về tương lai của bảo mật, Visa tin rằng việc tập trung vào nhận dạng kỹ thuật số và xác thực danh tính của người dùng sẽ là chìa khóa giúp giảm thiểu các mối đe dọa mới khi nhiều hoạt động thương mại dần chuyển sang kênh kỹ thuật số. Visa kêu gọi cộng đồng cùng nâng cao nhận thức về nhận dạng kỹ thuật số và tận dụng các lợi ích của hình thức này để xác thực thanh toán”, bà Đặng Tuyết Dung nói thêm.

Toàn cảnh sự kiện Security Roadmap
Toàn cảnh sự kiện Security Roadmap

Với đội ngũ toàn cầu gồm hơn 1.000 chuyên gia an ninh mạng, Visa cung cấp khả năng nhận diện và giảm gian lận 24/7, phân tích hàng triệu giao dịch mỗi ngày để tìm các mối đe dọa đã và chưa được phát hiện. Công nghệ được phát triển bởi trí tuệ nhân tạo (AI) của Visa có thể tìm ra các mẫu dữ liệu không thể nhận diện bởi con người, từ đó xác định các mô hình và cảnh báo cho tổ chức tài chính và người dùng có thể bị ảnh hưởng trước khi các giao dịch gian lận diễn ra.

Lộ trình An ninh thanh toán khẳng định nỗ lực của Visa trên các lĩnh vực trọng điểm nhằm tiếp tục đảm bảo an toàn cho hệ sinh thái thanh toán tại Việt Nam, bao gồm:

1. Thúc đẩy áp dụng các công nghệ bảo mật

2. Đảm bảo tiên phong trong trải nghiệm thanh toán kỹ thuật số

3. Đảm bảo khả năng phục hồi của hệ sinh thái

4. Ngăn chặn các khả năng tấn công

5. Nâng cao vị thế an ninh mạng của các thành phần trong hệ sinh thái

6. Ngăn người dùng và doanh nghiệp trở thành nạn nhân của lừa đảo

Lượt xem: 49
Tác giả: Mai Anh
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật