Vì sao giá xăng chưa thể giảm về mốc 23.000 đồng/lít?

Nếu trong kỳ điều hành ngày 1/8, Liên Bộ Công Thương - Tài chính không trích lập Quỹ Bình ổn giá với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 800 đồng/lít, thì xăng E5RON95 có thể giảm 1.244 đồng, về mốc 23.820 đồng/lít. 

Chiều ngày 1/8, giá xăng dầu trong nước tiếp tục được điều chỉnh giảm lần thứ 4 liên tiếp. Giá xăng E5RON 92 giảm thêm 450 đồng mỗi lít, RON95 giảm 470 đồng/lít. Các loại dầu giảm giá mạnh hơn.

Anh-chup-Man-hinh-2022-08-02-l-9226-8693

Diễn biến giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay. 

Sau điều chỉnh, xăng E5RON 92 có giá bán tối đa là 24.620 đồng/lít, xăng RON95 là 25.600 đồng/lít, dầu diesel là 23.900 đồng/lít, dầu hỏa 24.530 đồng/lít, dầu mazut 16.540 đồng/kg, nghĩa là giá xăng vẫn chưa về mốc dưới 24.000 đồng/lít như kỳ vọng. Nguyên nhân một phần là do ở kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục "mạnh tay" trích lập Quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng dầu. 

Cụ thể, liên Bộ thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 800 đồng/lít (kỳ trước là 950 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 850 đồng/lít (kỳ trước là 950 đồng/lít), dầu diesel ở mức 450 đồng/lít (kỳ trước là 550 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 650 đồng/lít (kỳ trước là 700 đồng/lít) và dầu mazut ở mức 787 đồng/kg (kỳ trước là 950 đồng/kg). Đồng thời, cơ quan điều hành không thực hiện chi Quỹ BOG. 

Nếu kỳ điều chỉnh này, liên Bộ Công Thương - Tài chính không trích lập, giá xăng đã có thể giảm tới 1.250-1.320 đồng/lít và dầu diesel cũng có thể giảm tới 1.400 đồng/lít.

Theo lý giải của nhà quản lý, thời gian qua, để bình ổn giá xăng dầu trong nước, Quỹ BOG xăng dầu đã được sử dụng khá nhiều nên số dư tại một số doanh nghiệp vẫn còn âm. Tuy nhiên, hiện nay dư địa Quỹ BOG xăng dầu của một số doanh nghiệp đã dương trở lại, trong đó đến ngày 1/8, Quỹ BOG của Petrolimex - nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước dương 305 tỷ đồng.

Mặt khác, Liên Bộ cũng lý giải thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 21/7-1/8/2022) tiếp tục có những diễn biến trái chiều. Đầu kỳ, sau khi Hoa Kỳ công bố số liệu GDP giảm, tạo nên sự lo ngại về suy thoái kinh tế của Hoa Kỳ, EU nới lỏng lệnh trừng phạt Liên bang Nga (thông qua việc cho phép 2 doanh nghiệp nhà nước của Nga được vận chuyển dầu vào nước thứ ba), Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất, sản lượng khai thác của một số nước Trung Đông tăng nhẹ đã giúp giá xăng dầu trên thị trường thế giới giảm.

Đến những ngày tiếp theo, khi một số nhà phân tích cho rằng chưa thể khẳng định Hoa Kỳ rơi vào suy thoái kinh tế khi lao động, việc làm của nước này vẫn tăng, thị trường chứng khoán hồi phục, lo ngại về nguồn cung dầu thấp khi nhiều nước trong khối OPEC khó tăng công suất theo cam kết… đã đẩy giá xăng dầu tăng. Nhìn chung, giá xăng dầu trong kỳ vừa qua diễn biến tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là giảm nhẹ.

Tuy vậy, nêu quan điểm về điều hành xăng dầu, chuyên gia kinh tế Đậu Anh Tuấn thẳng thắn cho rằng Quỹ BOG xăng dầu hiện nay của Việt Nam là hình thức người dân nộp tiền để bình ổn giá cho mình, trong khi thông lệ các nước không làm như vậy.

"Với cách quản lý này nên xăng dầu trong nước chưa vận hành theo cơ chế thị trường minh bạch và dễ tiên liệu, phản ánh không đúng xu hướng của thị trường thế giới. Có tình trạng giá xăng dầu thế giới tăng thì giá xăng trong nước tăng nhanh hay chậm theo mong muốn của nhà điều hành. Ngược lại khi giá xăng dầu thế giới giảm nhưng giá trong nước không giảm tương ứng vì bị neo giá trong nước ở mức cao, lấy thặng dư này để bù vào âm Quỹ. Điều này chưa phù hợp với thị trường", ông Tuấn nhấn mạnh. 

Thy Lê 

Lượt xem: 38
Tác giả: Thy Lê 
Tin liên quan