Khẳng định quyền quản lý thuế của quốc gia đối với nhà cung cấp nước ngoài
Việt Nam là một trong bốn nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á thành công trong khẳng định quyền quản lý thuế của quốc gia đối với nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) không có cơ sở thường trú trên lãnh thổ.
Tại Hội thảo quốc tế “Thuế đối với thương mại điện tử (TMĐT) và dịch vụ số xuyên biên giới: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam” vừa tổ chức mới đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, với các chính sách và quản lý thuế hiện đại, từ năm 2018 đến nay (lũy kế đến ngày 14/7/2022) số thu thuế từ hoạt động TMĐT thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu đạt 5.458 tỷ đồng, số thu trung bình đạt khoảng 1.200 tỷ đồng/năm.
Trong đó, điển hình như một số NCCNN được khai thuế, nộp thuế thay đã đóng góp số thu lớn như: Facebook với 2.076 tỷ đồng, Google với 2.040 tỷ đồng, Microsoft với 699 tỷ đồng...
Đặc biệt, với sự kiện ngày 21/3/2022, Tổng cục Thuế chính thức ra mắt Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (Etaxvn.gdt.gov.vn) và ứng dụng eTax Mobile. Đến nay, sau hơn 3 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho NCCN đã có 26 NCCNN lớn (Microsoft, Facebook, Nett Samsung; TikTok; eBay...) thực hiện đăng ký thuế, kê khai thuế và nộp thuế với tổng số thu đạt khoảng 20 triệu USD.
Tính đến tháng 7/2022, tại Việt Nam có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT (trong đó có 41 sàn TMĐT bán hàng, 98 sàn TMĐT cung cấp dịch vụ) và 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay NCCNN trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với các nhà cung cấp nước ngoài; tương ứng với số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày.
Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh khẳng định, Việt Nam là một trong bốn nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á thành công trong khẳng định quyền quản lý thuế của quốc gia đối với NCCNN không có cơ sở thường trú trên lãnh thổ.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, trong thời gian tới, đẩy mạnh triển khai quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, Tổng cục Thuế tiếp tục triển khai thực hiện đề án quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Trong đó, tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế đặc hướng dẫn NCCNN lớn đăng ký, kê khai, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử ngành Thuế.
Đồng thời, Tổng cục Thuế cũng hoàn thiện quy định pháp luật về thuế để tăng cường trách nhiệm chủ sở hữu sàn TMĐT trong việc khai thuế, nộp thuế thay; đề xuất những nội sửa đổi, bổ sung đối với văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành để đảm bảo căn cứ pháp lý và đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý đối với hoạt động TMĐT.
Bên cạnh đó, toàn ngành Thuế sẽ tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý thuế; nâng cấp hạ tầng nghệ thông tin để kết nối, lưu trữ thông tin để hỗ trợ, kết nối với người nộp theo hình thức điện tử trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục và ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax mobile) cho các cá nhân.
Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với TMĐT; áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý thuế theo rủi ro đối với hoạt động TMĐT (kết hợp cơ sở dữ liệu từ hóa đơn điện tử, TMĐT).
Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết, Tổng cục Thuế đang nghiên cứu một số ý kiến đề xuất giúp tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, điển hình như ý kiến đề xuất thu thuế giá trị gia tăng tại nguồn đối với các giao dịch TMĐT, cụ thể sẽ tách trừ trực tiếp thuế giá trị gia tăng trên dòng tiền thanh toán 2 phần. Trong đó, một phần là tiền thuế giá trị gia tăng sẽ được chuyển về tài khoản chuyên thu của cơ quan thuế mở tại Kho bạc, phần còn lại chuyển cho người bán...
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch thường xuyên và theo chuyên đề đối với hoạt động TMĐT, trong đó tập trung đối với NCCNN không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam và một số chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT.
Trong công tác phối hợp, toàn ngành Thuế tiếp tục trao đổi, kết nối thông tin, phối hợp quản lý với các bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội có liên quan nhằm hoàn thiện việc sửa đổi chính sách, pháp luật để tăng cường công tác quản lý TMĐT.
Trong thời gian qua, Bộ Tài chính cũng như Tổng cục Thuế đã làm việc, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước như công an, thông tin truyền thông, các ngân hàng thương mại… để chia sẻ cơ sở dữ liệu, kết nối để khai thác thông tin, hoàn thiện chính sách pháp luật để quản lý hoạt động kinh doanh TMĐT.