Vấn đề đặt ra trong phát triển tài chính xanh tại Việt Nam

Phát triển hệ thống tài chính xanh là một quá trình lâu dài với sự tham gia đồng bộ của nhiều chủ thể trong chiến lược phát triển xanh của nền kinh tế. Chính vì vậy, sự phối hợp hài hòa, hiệu quả giữa cơ quan quản lý, các tổ chức chính trị, xã hội, cộng đồng doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng trong tăng trưởng xanh nói chung và tài chính xanh nói riêng là rất quan trọng, góp phần tạo lập các chính sách, phương hướng và giải pháp đồng bộ và toàn diện cho phát triển tài chính .

Hiện nay, tài chính xanh cho phát triển bền vững không chỉ dừng lại trong phạm vi bảo vệ môi trường sinh thái, mà đã trở thành một xu hướng của sự bền vững trong kinh doanh, bởi tài chính xanh giúp tránh được các rủi ro khi đầu tư vào các dự án tác động xấu đến biến đổi khí hậu.

Chính vì vậy, tài chính xanh đã và đang phát triển nhanh chóng những năm gần đây, các doanh nghiệp ngày càng hướng đến sử dụng tài chính xanh và tài chính xã hội để phòng ngừa các rủi ro đe dọa tính bền vững cũng như thu hút các nhà đầu tư.

Mặc , phát triển tài chính xanh là chủ trương lớn của Nhà nước trong chiến lược tăng trưởng xanh, tuy nhiên, kết quả đạt được đến nay còn khá khiêm tốn, trong lĩnh vực ngân hàng, tỷ trọng tín dụng xanh vẫn chưa cao và cũng chủ yếu chỉ tập trung ở một số ngân hàng có quy mô lớn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như: các sản phẩm tài chính xanh trong ngân hàng tại Việt Nam còn thiếu phong phú; chưa có tính sẵn sàng; nguồn tài chính hỗ trợ cho các dự án xanh, sản phẩm xanh còn eo hẹp…

Bên cạnh đó, nhận thức về tài chính xanh còn hạn chế; chính sách, luật pháp còn thiếu hoặc chưa hỗ trợ hiệu quả việc phát triển tài chính xanh.

Để phát triển hệ thống tài chính xanh ở Việt Nam cần sự tham gia, hợp tác của tất cả các chủ thể. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo các điều kiện cho các hoạt động tài chính xanh được thực hiện một cách thuận lợi, nhanh chóng.

Cùng với đó, Nhà nước cần đóng vai trò dẫn dắt thực hiện xanh hóa hệ thống tài chính trong quản lý ngân sách đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, minh bạch. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xác định những ngành, những lĩnh vực được ưu tiên phát triển theo hướng phát triển xanh để có các chính sách ưu tiên trong đầu tư và chi tiêu. Cần thực hiện các chính sách phù hợp nhằm thu hút các nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư vào kinh tế xanh.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, trong phạm vi quản lý của từng Bộ, Ngành, cần tiếp tục hoàn thiện khung chính sách tài chính cho phát triển thị trường tài chính xanh và các sản phẩm tài chính xanh, bao gồm: các văn bản, hướng dẫn cụ thể giúp thúc đẩy nguồn tài chính xanh, tín dụng xanh; khung chính sách tài chính nhằm phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh. Cần đảm bảo các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút nguồn vốn xã hội cho việc phát triển xanh thông qua thị trường tài chính xanh, hướng tới phát triển cân bằng thị trường tài chính xanh.

Đối với các định chế tài chính ngân hàng, cần chủ động trong xây dựng và phát triển các dịch vụ ngân hàng xanh, hướng tới, hình thành các ngân hàng xanh tại Việt Nam. Các định chế tài chính phi ngân hàng cần xây dựng kế hoạch và chiến lược về tài chính xanh cũng như các chiến lược về quản trị rủi ro về môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Cùng với đó, cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, tín dụng xanh, ngân hàng xanh, cũng như tầm quan trọng trong quản lý rủi ro cho môi trường và xã hội vì đây là nguồn nhân lực quan trọng để thực hiện triển khai, xây dựng hệ thống tài chính xanh ở Việt Nam.

Đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp cần có chiến lược trong đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ xanh, trách nhiệm xã hội. Trong đó, yêu cầu các nhà quản trị phải ý thức rõ vị trí, tầm quan trọng của việc đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ xanh, vừa tạo ra thế mạnh trong cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, vừa hướng tới mục tiêu chung của xã hội là phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Cuối cùng, đối với người tiêu dùng, cần chung tay cùng Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển tài chính xanh, bằng trách nhiệm của mình trong các hành động bảo vệ môi trường, tiêu dùng xanh.

 

Người tiêu dùng xanh có vai trò quan trọng trong kích thích nền kinh tế xanh, bởi nếu như ngày càng nhiều người nâng cao nhận thức, chuyển sang sử dụng các sản phẩn xanh để bảo vệ môi trường thì sẽ có càng nhiều doanh nghiệp, tổ chức tham gia vào các lĩnh vực xanh, từ đó thúc đẩy phát triển hệ thống tài chính xanh tại Việt Nam.

Tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững là xu thế không thể đảo ngược trong phát triển hiện nay. Chính vì vậy, cần xây dựng và phát triển hệ thống tài chính xanh đáp ứng các yêu cầu trong phát triển xanh. Tuy nhiên, phát triển hệ thống tài chính xanh là một quá trình lâu dài với sự tham gia đồng bộ của nhiều chủ thể trong chiến lược phát triển xanh của nền kinh tế.

Chính vì vậy, sự phối hợp hài hòa, hiệu quả giữa cơ quan quản lý, các tổ chức chính trị, xã hội, cộng đồng doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng trong tăng trưởng xanh nói chung và tài chính xanh nói riêng là rất quan trọng, góp phần tạo lập các chính sách, phương hướng và giải pháp đồng bộ và toàn diện cho phát triển tài chính xanh.

Cùng với Nhà nước, sự chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, công chúng đầu tư sẽ góp phần phát triển tài chính xanh, tạo một nền tảng bền vững cho tăng trưởng xanh, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của Thủ tướng Chính phủ.

Tin liên quan
Đang chờ cập nhật