TS. Cấn Văn Lực: Cân nhắc công cụ điều hành căn cơ hơn đối với tăng trưởng tín dụng
Với việc room tăng trưởng tín dụng đã được áp dụng từ năm 2011, TS.Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, đã đến lúc cần rà soát, xem xét lại có nên tiếp tục dùng nữa hay không?. Kèm theo đó, cần có một cái giải pháp hay công cụ điều hành căn cơ hơn, có tính thị trường hơn và thông lệ quốc tế hơn để thay thế room tăng trưởng tín dụng như hiện nay.
TS. Cấn Văn Lực |
Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, một số đại biểu Quốc hội có đề cập cấp hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD) không còn phù hợp và đề nghị bỏ room tín dụng này. Dưới góc nhìn chuyên gia, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
TS. Cấn Văn Lực: Theo tôi, việc đưa ra hạn mức tín dụng hàng năm là một biện pháp hành chính tuy không hoàn toàn như mong muốn của các TCTD nhưng là biện pháp cần thiết nhằm kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức phù hợp để đảm bảo vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát rủi ro, kiểm soát nợ xấu và lạm phát giữ ổn định vĩ mô. Bởi nếu không kiểm soát, khi mà tín dụng tăng nhanh quá thì có thể đẩy lạm phát lên, có thể dòng tín dụng sẽ đi vào một số lĩnh vực đầu cơ có nhiều rủi ro, khiến nợ xấu tiềm ẩn gia tăng. Chuyện này trước đây đã từng xảy ra.
Room tăng trưởng tín dụng đã được triển khai từ năm 2011, theo tôi, đã đến lúc cần rà soát, xem xét lại có nên tiếp tục dùng nữa hay không?. Kèm theo đó, cần có một cái giải pháp hay công cụ điều hành căn cơ hơn, có tính thị trường hơn và thông lệ quốc tế hơn để thay thế room tăng trưởng tín dụng như hiện nay.
Phóng viên: Như ông đã chia sẻ thì room tăng trưởng tín dụng chỉ nên tiếp tục thực hiện trong thời gian ngắn. Vậy thời gian đó là bao lâu? Và trong khoảng thời đó cần có giải pháp nào để đáp ứng được nhu cầu của các TCTD?
TS. Cấn Văn Lực: Chúng tôi cho rằng chỉ nên sử dụng công cụ này trong khoảng 1-2 năm nữa. Năm tới có thể chúng ta sẽ bàn đến việc sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng. Khi đó, sẽ xem xét giải pháp mới phù hợp với công cụ thị trường hơn và theo thông lệ quốc tế hơn như tôi đã nói.
Trong bối cảnh hiện nay, NHNN có thể tiếp tục dùng công cụ này nhưng có lẽ chúng tôi đề xuất là nên linh hoạt hơn nữa. Theo đó, nên rà soát để cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng thường xuyên hơn và bám sát theo nhu cầu của từng TCTD, không xét theo từng đợt như hiện nay (cho dù cách linh hoạt này sẽ phức tạp hơn, vất vả hơn). Chúng ta cũng có thể xét đến trường hợp điều chỉnh hạn mức từ ngân hàng này sang ngân hàng khác dựa trên căn cứ vào nhu cầu tăng trưởng tín dụng, khả năng hấp thụ và khả năng kiểm soát rủi ro của từng TCTD.
Phóng viên: Vậy, ông có đề xuất công cụ nào, giải pháp nào khác thay cho room tín dụng?
TS. Cấn Văn Lực: Như chúng tôi đã một số lần đề nghị, đó là: xem xét theo hướng quản lý chặt chẽ Hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) và theo chuẩn mực của Basel II. Bởi khi quản lý hệ số CAR sẽ giúp cơ quan quản lý kiểm soát được cả phần tử số là vốn chủ sở hữu tăng lên như thế nào và mẫu số (tăng trưởng tín dụng và đầu tư) ra làm sao.
Đây cũng là biện pháp mà ngân hàng trung ương các nước thường làm. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, với ngân hàng có mức độ rủi ro cao hơn, họ sẽ yêu cầu ngân hàng đó phải tăng đệm rủi ro lên - tức là phải tăng hệ số CAR; còn ngân hàng nào ở mức độ ít rủi ro hơn, lành mạnh hơn thì CAR theo yêu cầu có thể ở mức độ thấp hơn.
Với Việt Nam, tôi cho rằng, đã đến lúc nên nghiên cứu, rà soát một cách đầy đủ, toàn diện về công cụ này. Theo đó, cần phân nhóm, phân loại các TCTD một cách chính thống và dùng kết quả đánh giá đó vào trong quản lý, giám sát hệ số CAR. Trong tương lai, chúng ta nên quản lý chặt hệ số CAR như các quốc gia trên thế giới đang áp dụng.
Cuối cùng, muốn làm được việc đó cũng sẽ đòi hỏi tính tuân thủ nghiêm về trụ cột III của Basel II (đó là, công bố thông tin công khai, minh bạch) nhằm đảm bảo các TCTD tăng vốn chủ sở hữu thực chất và phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, hệ thống thông tin, dữ liệu, thị trường chứng khoán cần được chuẩn hóa, lành mạnh hóa và phát triển tốt để doanh nghiệp nói chung và TCTD nói riêng có thể tăng vốn chủ sở hữu thuận lợi hơn. Cơ quan quản lý cũng cần cải tiến cách thức xét duyệt phương án tăng vốn điều lệ của các TCTD (nhất là các TCTD có sở hữu Nhà nước) nhằm thuận lợi hóa tiến trình này, tạo điều kiện các TCTD nâng cao năng lực tài chính, tăng khả năng cung ứng tín dụng và dịch vụ cho nền kinh tế…
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!