Triển khai thực hiện có hiệu quả Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW trong toàn ngành Tài chính

Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính vừa có Công văn số 198-CV/BCSĐ gửi Đảng ủy Bộ Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ về việc triển khai, thực hiện Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống, tham nhũng, tiêu cực.

Công văn của Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính nêu rõ, ngày 16/9/2021, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 32-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ngày 01/8/2022, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW hướng dẫn một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực theo Quy định số 32-QĐ/TW.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW trong toàn ngành Tài chính, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đề nghị Đảng ủy Bộ Tài chính chủ trì và chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc thực hiện tốt việc quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW; định kỳ kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện.

Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính giao Văn phòng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tin báo chí trực thuộc Bộ Tài chính tổ chức thực hiện công tác phổ biến, tuyên truyền các nội dung của Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW và tình hình thực hiện của Bộ Tài chính trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng các hình thức phù hợp.

Căn cứ hướng dẫn này, Thủ trưởng các đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, quán triệt, thực hiện công tác phòng, chống tiêu cực theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao và tổng hợp kết quả thực hiện vào Báo cáo định kỳ về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của đơn vị mình, gửi về Thanh tra Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính.

Trước đó, ngày 01/8/2022, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW hướng dẫn một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực theo Quy định số 32-QĐ/TW. Hướng dẫn này đã nêu rõ nội dung chỉ đạo công tác phòng, chống tiêu cực bao gồm:

- Ban hành, tham mưu ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật, giải pháp phòng, chống tiêu cực.

- Chỉ đạo thực hiện đồng bộ công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực gắn với phòng, chống tham nhũng, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

- Chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tiêu cực gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị, quản lý kinh tế - xã hội; làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tiêu cực, những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ngăn ngừa, khắc phục, hoàn thiện.

- Chỉ đạo đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tiêu cực. Trong đó, tập trung kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ phát sinh tiêu cực, dư luận xã hội quan tâm.

- Chỉ đạo nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tiêu cực thông qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý nghiêm, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật của Nhà nước, kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm.

- Chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tiêu cực, nhất là các vụ án, vụ việc tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

- Chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong phòng, chống tiêu cực; định hướng cung cấp thông tin về phòng, chống tiêu cực; xử lý nghiêm hành vi lợi dụng việc phòng, chống tiêu cực để trục lợi, hãm hại người tốt, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.

- Chỉ đạo công tác sơ kết, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về phòng, chống tiêu cực; nghiên cứu, đánh giá những hành vi tiêu cực mới phát sinh của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức để tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét, đưa vào diện tập trung chỉ đạo phòng, chống.

- Chỉ đạo công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phòng, chống tiêu cực và trong giải quyết những vụ án, vụ việc tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Tin liên quan
Đang chờ cập nhật