TP Hồ Chí Minh: Tình trạng chở hàng hóa cồng kềnh bằng xe máy vẫn phức tạp
Tại TP Hồ Chí Minh, không khó để bắt gặp tình trạng xe máy chở hàng hoá cồng kềnh, quá khổ quy định. Hành động này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao.
Vì đặc thù đường nội đô nên người dân rất ưa chuộng chở hàng bằng xe máy vì tính tiện lợi và linh hoạt của loại phương tiện này. Tuy nhiên, nhiều người lại tận dụng xe máy để chở đủ loại hàng hoá cồng kềnh, quá khổ… Điều này gây nguy hiểm cho người đi đường.
Lực lượng chức năng đang xử lý một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường số 7, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, quận Bình Tân, do xe máy chở hàng hóa cồng kềnh va quẹt với xe máy khác |
Tuy chưa có thống kê đầy đủ, nhưng mỗi năm có rất nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra do việc người dân dùng xe máy chở hàng hóa cồng kềnh, quá khổ, dẫn đến không làm chủ không gian và tay lái.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là các tuyến đường gần chợ, cửa hàng vật liệu xây dựng, chành xe, tiệm tạp hoá lớn… thì hiện tượng này xảy ra thường xuyên, liên tục với tần suất cao.
Chỉ trong khoảng 1 tiếng khảo sát quanh khu vực Chợ Lớn (Quận 5 và Quận 6), phóng viên thống kê được hàng chục xe máy chở hàng hoá cồng kềnh, chênh vênh lướt qua. Các xe này thường không lành lặn, vỡ đèn, không gương chiếu hậu, có khi còn trơ bộ sườn xe, thậm chí không biển số vẫn được sử dụng để chở hàng.
Hành động này vô cùng nguy hiểm đối với bản thân tài xế và người đi đường. Hàng hoá quá lớn làm che mất tầm quan sát, cản trở tay lái hoặc vì quá nặng sẽ khiến tài xế không thể xử lý các tình huống bất ngờ. Ngoài ra, nhiều người còn chằng buộc, che chắn hàng hoá không cẩn thận, làm rơi rớt ra đường, gây tai nạn cho các phương tiện đi xung quanh.
Chị Lưu Thi Mẫn (47 tuổi, ngụ quận Tân Phú) cũng là một nạn nhân của việc chở hàng cồng kềnh. “Chị ra chợ Bình Tây mua thực phẩm thì bị một thanh niên đi xe máy chở đầy các bao đựng ly nhựa tạt đầu làm ngã ra đường. Sau đó, thanh niên này đã xin lỗi với lý do hàng chất cao quá không nhìn thấy đằng sau. Hậu quả làm chị gãy xương một ngón tay bên phải”, chị Mẫn kể.
Ngang nhiên xem thường pháp luật và sự an toàn là thế, nhưng khi bị lực lượng chức năng dừng phương tiện, các tài xế lại đưa ra muôn vàn lý do để “xin tha” như: Đi đoạn gần, nhà không có điều kiện thuê xe lớn, dùng xe máy đi cho nhanh, chở hàng vào các hẻm… gây phần nào khó khăn cho công tác kiểm soát, xử phạt.
Một chiếc xe máy chở hàng quá khổ, phóng nhanh, vượt ẩu và gây tai nạn sau đó (Ảnh cắt từ clip camera hành trình của một ô tô ghi lại) |
Theo khoản 4 Điều 19 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải, có quy định mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3 mét; Vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5 mét; Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5 mét.
Hành vi chở hàng hóa cồng kềnh, quá khổ quy định sẽ bị xử phạt hành chính từ 400.000 - 600.000 đồng (theo điểm k khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Ngoài ra, người vi phạm có thể bị giữ bằng lái xe từ 2 - 4 tháng (theo khoản 2 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP) nếu vi phạm nặng.
Bên cạnh đó, nếu xe chở hàng hóa cồng kềnh vi phạm và gây tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự.
Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận:
Tình trạng chở hàng hoá cồng kềnh, quá khổ như thế này thường xuyên xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, mặc cho đường vắng hay đang đông xe |
Hàng hoá chất chồng sau xe như núi, loại bỏ hoàn toàn tầm nhìn phía sau của tài xế |
Đặc biệt tại các khu vực gần chợ như: Chợ Bình Tây, chợ An Đông, chợ Bình Điền… có nhu cầu vận chuyển hàng cao thì tình trạng này càng xảy ra thường xuyên |
Những chiếc xe chắp vá, "độ chế" như thế này lại rất "hữu dụng" với các thương nhân trong việc chở hàng đi bỏ sỉ, mặc cho nguy cơ mất an toàn rất cao |
Hàng hoá cồng kềnh, chằng buộc sơ sài và có thể rơi đổ bất cứ lúc nào, khiến người dân đi xung quanh kinh hãi, lo sợ |