Tổng doanh thu phí bảo hiểm nửa đầu năm 2022 ước tăng hơn 14%

Doanh thu phí bảo hiểm mảng bảo hiểm phi nhân thọ ước tăng trưởng ở mức 13,58%, đạt 28.055 tỷ đồng; doanh thu mảng bảo hiểm nhân thọ ước tăng trưởng 14,5%, đạt 66.429 tỷ đồng.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng đầu năm ước đạt 94.484 tỷ đồng, tăng 14,23% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm mảng bảo hiểm phi nhân thọ ước tăng trưởng ở mức 13,58%, đạt 28.055 tỷ đồng; doanh thu mảng bảo hiểm nhân thọ ước tăng trưởng 14,5%, đạt 66.429 tỷ đồng.

Với 76 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm trên thị trường hiện nay, tổng tài sản của các doanh nghiệp này ước đạt 744.877 tỷ đồng, tăng 21,03% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng tài sản doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 106.519 tỷ đồng, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 638.358 tỷ đồng.

Theo Quyết định 368/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Tài chính đến năm 2030, doanh thu mục tiêu ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 15%/năm, đến năm 2025, quy mô đạt khoảng 3 - 3,3% GDP; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 là 10%/năm, đến năm 2030 quy mô đạt khoảng 3,3 - 3,5% GDP.

Theo đó, giải pháp thực hiện chiến lược tài chính đến năm 2030 trong lĩnh vực bảo hiểm nói riêng theo quyết định này là hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh bảo hiểm; phát triển sản phẩm và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân và hội nhập quốc tế, đặc biệt là các sản phẩm bảo hiểm ứng dụng công nghệ thông tin, bảo hiểm xanh, bảo hiểm liên kết y tế,...; tăng cường năng lực tài chính, quản lý rủi ro, quản trị doanh nghiệp và công khai minh bạch của doanh nghiệp bảo hiểm.

Cùng với đó là khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh bảo hiểm; đa dạng và chuyên nghiệp hóa kênh phân phối bảo hiểm nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các đối tượng có thu nhập thấp được tham gia bảo hiểm; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực bảo hiểm và đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm.

Ngoài ra, cần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm, cải cách phương thức quản lý, giám sát của cơ quan quản lý bảo hiểm chuyển đổi dần sang quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro đồng thời với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin; tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm và đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm.

Lượt xem: 86
Tác giả: Hải Đường
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật