Tôn vinh giá trị cao quý, nhân văn của nghề công tác xã hội

Sáng 22/3, tại Trường Đại học Công đoàn đã diễn ra lễ kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam lần thứ 8 với chủ đề “Công tác xã hội Việt Nam: Tiên phong - Chuyên nghiệp - Kết nối”.

Tới dự chương trình có bà Nguyễn Thanh Cầm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội; ông Nguyễn Xuân Hùng - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; bà Rana Flower -Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc Unicef tại Việt Nam...

Ngày 15/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1791/QĐ-TTg về việc lấy ngày 25 tháng 3 hàng năm là “Ngày Công tác xã hội Việt Nam”. Đây là dịp để tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội, ghi nhận vai trò và đóng góp của những người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của Nhân dân.

Tôn vinh giá trị cao quý, nhân văn của nghề công tác xã hội
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại lễ kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam lần thứ 8

Thiết thực chào mừng ngày Công tác xã hội Việt Nam lần thứ 8, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và xã hội tổ chức chương trình chào mừng ngày công tác xã hội Việt Nam lần thứ 8. Trường Đại học Công đoàn vinh dự được lựa chọn là đơn vị đăng cai tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Công tác xã hội Việt Nam lần thứ 8 với chủ đề “Công tác xã hội Việt Nam: Tiên phong - Chuyên nghiệp - Kết nối”.

Trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm, ngày 21/3, trường đã tổ chức Hội thảo quốc tế Phát triển công tác xã hội với người lao động tại Việt Nam - Tiên phong trong chính sách an sinh và việc làm.

Tại hội thảo này, các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác xã hội trong nước và quốc tế đã có cơ hội trao đổi kinh nghiệm học thuật, bàn giải pháp huy động nguồn lực, giúp phát huy tiềm năng, góp phần vào sự ổn định và phát triển của xã hội.

Trong lời khai mạc, PGS.TS Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn - khẳng định, công tác xã hội ngày càng trở nên cần thiết, không thể thiếu và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển xã hội. Chính vì thế, xây dựng và phát triển nghề công tác xã hội xuất phát từ chính nhu cầu thực tế của xã hội với chuỗi hoạt động của ngày kỷ niệm công tác xã hội Việt Nam lần thứ 8 tổ chức tại Trường Đại học Công đoàn, các nhà khoa học, giảng viên, những người làm nghề công tác xã hội, các học viên, sinh viên một lần nữa có được cơ hội giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm trong giảng dạy, nghiên cứu, học tập.

Tôn vinh giá trị cao quý, nhân văn của nghề công tác xã hội
PGS.TS Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn trao cờ tới đơn vị đăng cai tổ chức Ngày Công tác xã hội Việt Nam lần thứ 9 năm 2025

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Xuân Hùng cho biết, thời gian qua, với vai trò, chức năng của mình, các cấp Công đoàn đã tổ chức nhiều mô hình chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động. Giai đoạn 2018-2023, hơn 30 triệu lượt đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được thăm hỏi, chúc Tết, động viên, tặng quà nhân dịp Tết Sum vầy với trên 28 nghìn tỉ đồng.

Chương trình Mái ấm Công đoàn hỗ trợ hơn 14 nghìn người lao động xây dựng, sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hơn 500 tỉ đồng. 2.840 thỏa thuận hợp tác thuộc chương trình phúc lợi đoàn viên được ký kết, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa với giá ưu đãi cho 6,5 triệu lượt đoàn viên, người lao động với tổng số tiền ưu đãi là hơn 1.400 tỉ đồng. Gần 3 triệu lượt đoàn viên, người lao động được vay vốn từ các quỹ trợ vốn của tổ chức Công đoàn với tổng số tiền hàng nghìn tỷ đồng...

Nhằm đẩy mạnh công tác xã hội, trợ giúp nhiều hơn, hiệu quả hơn cho người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn toàn xã hội chung tay cùng với tổ chức Công đoàn, thực hiện tốt công tác xã hội cho người lao động.

Trong đó, đẩy mạnh nhiệm vụ công tác xã hội trong hỗ trợ giải quyết những vấn đề người lao động gặp phải khi làm việc trong các doanh nghiệp như an sinh xã hội; thiếu, giảm hoặc bị mất việc làm, mất nguồn thu nhập, khó khăn về nhà ở, xung đột trong các mối quan hệ với người sử dụng lao động, stress, tệ nạn xã hội…; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người lao động nhận biết và có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ công tác xã hội khi cần sự hỗ trợ, giúp đỡ...

Trường Đại học Công đoàn hiện đào tạo 12 chuyên ngành và 5 chuyên ngành sau đại học, với hơn 8000 sinh viên, bao gồm cả sinh viên quốc tế đến từ CHDCND Lào và Vương quốc Campuchia. Trường ở trong top 100 trường đại học hàng đầu tại Việt Nam.

Đặc biệt, trong lĩnh vực Công tác xã hội, trường bắt đầu đào tạo cử nhân từ năm 2003 và đào tạo hàng nghìn cử nhân, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Các cử nhân ngành Công tác xã hội đã và đang đóng góp vào sự phát triể chung của xã hội.

Lượt xem: 7
Tác giả: Ngọc Minh
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật